Kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể vượt mốc 1 tỷ USD

Với việc ký nghị định thư, mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD ngay trong năm 2024.

Mới đây, cùng với sầu riêng đông lạnh và cá sấu, dừa tươi đã nhận được tin vui khi Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chính thức được ký kết. Với tiềm năng từ thị trường 1,4 tỷ dân, dự báo kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể tăng thêm từ 200 đến 300 triệu USD trong năm nay, và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Thông tin này đã mang lại niềm phấn khởi cho các nhà vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Dừa tươi được xem là một ngành hàng "tỷ đô" với tiềm năng xuất khẩu to lớn. Việt Nam hiện xếp thứ 7 thế giới về sản xuất dừa, với diện tích trồng lên đến 188.000ha, chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long đã chiếm tới hơn 130.000ha.

Cục Bảo vệ thực vật, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu kỹ thuật cho nghị định thư, nhận định, việc xuất khẩu dừa tươi không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến dừa, trong đó hơn 40 doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và chế biến sâu. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn khai thác các nguyên liệu, phế phụ phẩm từ dừa để phục vụ cho các ngành thực phẩm, y tế và mỹ phẩm.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ dừa rất lớn, trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho dừa Việt Nam là cơ hội lớn cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân canh tác dừa theo các tiêu chuẩn Global GAP và hữu cơ. Điều này giúp dừa Việt Nam có thể xâm nhập vào những thị trường khó tính như Hoa Kỳ và châu Âu. Trong thời gian tới, khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, ngành dừa Việt Nam sẽ cần tuân thủ nhiều quy định và tiêu chuẩn khắt khe.

Hiệp hội Dừa Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm nay sẽ đạt trên 1 tỷ USD. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực đầu tư phát triển sản xuất, ngành dừa sẽ không khó để đạt con số này. Tiềm năng thế mạnh cây dừa càng được phát huy khi thị trường xuất khẩu chính ngạch của loài cây công nghiệp này đang tiếp tục mở rộng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai thuận lợi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các nghị định thư này.

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với thị trường chính là các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, và EU. Trong các năm 2022, 2023, kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm từ dừa và liên quan tới dừa như bánh, kẹo, mỹ phẩm, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ… đã tiệm cận 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu trái dừa tươi đạt gần 800 triệu USD.

Nhật Hưng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/kim-ngach-xuat-khau-dua-tuoi-cua-viet-nam-co-the-vuot-moc-1-ty-usd-312999.html