Kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc và EU tăng trưởng thấp
Kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% và vào EU chỉ đạt 20,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 7, của Việt Nam ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 7 tháng đầu năm, đã có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Có tới 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA và Mỹ trong 7 tháng ghi nhận đạt mức tăng trưởng cao. Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,66 tỷ USD, tăng 8,9%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 9,12 tỷ USD, tăng 4,7%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 12,92 tỷ USD, tăng 5,6%. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 27,51 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng cao như gỗ và sản phẩm gỗ; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và thị trường EU nửa đầu năm 2019 ghi nhận những tín hiệu không mấy khả quan, khi mức tăng trưởng quá thấp, thậm chí còn giảm.
Nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước (tương đương mức tăng 42,7 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu vào EU chỉ đạt 20,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là điện thoại và gạo. Xuất khẩu điện thoại giảm 549 triệu USD, xuất khẩu gạo cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cụ thể giảm 329,3 triệu USD.
5 mặt hàng có sự sụt giảm xuất khẩu làm xuất khẩu chung vào EU giảm mạnh là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; cà phê; thủy sản.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp một phần đến từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 không khởi sắc.
Xung đột thương mại Mỹ-Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Ngoài ra, đồng Nhân Dân tệ yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối./.