Kim Phạm - phù thủy chất liệu và 'bí thuật' dệt giấc mơ

Kim Phạm từ chối nói về giải thưởng 'Best luxury event…' (tạm dịch: giải nhất về tổ chức sự kiện cao cấp) vừa nhận được, vì với anh chàng, hành trình 9 năm qua của Je t'aime Art chỉ mới là cái nền ban đầu.

Anh chàng nhìn lơ đãng, chỉ vào cây cột có phần xấu xí, bảo: “Mình để một chậu hoa nhỏ bên cạnh, cho cái lá cuốn vào, là tự nhiên cây cột nó có duyên lên hẳn thôi, nhưng mà làm không gian như vậy thì lười quá, chất liệu của truyền thống văn hóa lẫn tài nguyên của Việt Nam mình đa dạng tới mức không bao giờ có thể xài hết được, sao cứ phải xài hoa…”.

Tựa vào truyền thống mà vươn lên

Tôi không biết nên gọi Kim Phạm - chàng lãng tử khó tính của Je t’aime Art là gì cho đúng. Bởi việc gì anh chủ doanh nghiệp sinh năm 1986 này cũng làm, và làm tới nơi tới chốn. Anh ngồi với khách nhiều giờ đồng hồ, nghe lại câu chuyện cuộc đời của họ với những thăng trầm khác nhau để tìm cách kể lại trong không gian sự kiện. Anh thức hàng đêm để viết một kịch bản sự kiện đảm bảo mọi người đều thấy mình được tham gia câu chuyện với những cảm xúc khác nhau.

Anh đi khắp nơi tìm kiếm các chất liệu để phối trộn, biến hóa thành những không gian trong mơ bằng nhiều kỹ thuật truyền thống nghề làm tượng, điêu khắc mà không ai biết làm bằng chất liệu gì… Rồi anh lại như một chàng ngốc si tình ngồi bệt xuống đất, lặng im ngắm nhìn những đứa con mình chăm chút trên sân khấu…

Kim Phạm - nhà sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo của Je t’aime Art, một trong những tên tuổi tiên phong trong ngành trang trí tiệc cưới.

Kim Phạm - nhà sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo của Je t’aime Art, một trong những tên tuổi tiên phong trong ngành trang trí tiệc cưới.

Kim cười: “Còn có nghề ngồi nghe khách càm ràm nữa chứ. Lại còn phải thuyết phục những khách người nước ngoài về các vật liệu Việt Nam có thể có những tầng ý nghĩa nào, chẳng hạn sự kiện của một đoàn khách nước ngoài sang Phú Quốc tới đây, siêu vất vả để làm cho họ hiểu vì sao nên dùng tre nứa để đảm bảo trải nghiệm Việt Nam của họ là đầy đủ và phong phú nhất. Vì mọi thứ mình làm không có sản phẩm ngay bây giờ, mà phải dựa vào sự tưởng tượng của khách về một không gian vài tháng sau mới diễn ra”. Tôi cười, vậy là Kim làm nghề đi bán những giấc mơ, và bán có vẻ rất đắt hàng…

Biết đến Kim khi đi dự một triển lãm do anh đồng tổ chức trong khuôn khổ sự kiện mang tên “Wedding Symphony” (Bản giao hưởng cưới), chi hàng đống tiền để kể một câu chuyện: chúng ta cần làm sự kiện với trải nghiệm đủ năm giác quan cho người tham dự. Điều thú vị không phải là làm sự kiện có thể chạm vào phần nhìn, phần nghe, phần mùi vị, phần cảm xúc để hòa lại thành tổng thể là sự hạnh phúc, mà thú vị ở chỗ anh dám mời hết “bà con cô bác” trong ngành sự kiện cưới, kể cả những đối thủ cạnh tranh, để tìm kiếm một tiếng nói chung trong ngành, để cùng nhau tạo nên một bản sắc sáng tạo dựa trên văn hóa của người Việt.

“Kim nghĩ đã đến lúc mình cần ngồi xuống với nhau, để dựng lại một lễ cưới, một sự kiện thuần Việt đầy đủ những nét tinh túy ông bà mình để lại, thay vì chọn những chấm phá văn hóa mượn từ bên ngoài. Sức sáng tạo của mỗi người đều có thể không có giới hạn, nhưng cần một cái nền vững chắc của truyền thống văn hóa để từ đó trí tưởng tượng và sự sáng tạo tung hoành…”, Kim Phạm chia sẻ.

Hóa ra, đây không phải lần đầu Kim làm chuyện khó này, mà hồi công ty anh tròn 9 tuổi, mọi người cũng đều nhận được thư mời, và bất ngờ là đều xuất hiện. Kim nói kỷ niệm 9 năm đánh dấu một chặng đường, nơi mà Kim và các cộng sự muốn tri ân, cảm ơn tất cả những người đã đồng hành cùng Je t’aime Art trong suốt thời gian vừa qua, và họ cũng là những người đóng góp cho sự phát triển của ngành cưới.

Công tử mà khởi nghiệp với 7 triệu đồng

Kim sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống sản xuất và xuất khẩu tượng và hàng thủ công mỹ nghệ thạch cao, composite xuất khẩu vòng quanh thế giới, đến tận châu Phi xa xôi nên ngấm trong người các kỹ thuật tạo hình, chất liệu… Tốt nghiệp một trường mỹ thuật ở Singapore, anh nghĩ đơn giản là cứ về phụ giúp gia đình phát triển ngành nghề, cho tới khi cái thôi thúc mãnh liệt bên trong đẩy Kim ra khỏi vùng an toàn này. Chàng công tử thoát khỏi vòng an toàn của gia đình, ra riêng với 7 triệu đồng và một giấc mơ lãng tử: được tự do thể nghiệm những ý tưởng, khát vọng bay bổng của tuổi trẻ. Kim lên mạng, “rao bán” các giải pháp sáng tạo của mình, giá cả không thành vấn đề…

Và tất nhiên, cuộc đời dạy anh một bài học lớn: “cơm áo không đùa với khách thơ”!

Kim lụi cụi đi kiếm tiền trả nợ, ăn mì gói ròng rã nhiều tháng trời trong lúc vẫn phải đẹp đẽ sang trọng để bán giấc mơ của những sự kiện, những buổi tiệc hạng năm sao. “Mình đâu thể bán được điều mà mình không tin tưởng hoàn toàn, nên ăn mì gói cầm hơi cũng không sao, miễn là mỗi ngày thức dậy mình đều háo hức với những dự định mới, run rẩy khi phác thảo những không gian sự kiện khiến khách hàng bật khóc vì đúng với điều họ mong mỏi…”, Kim nhớ lại.

Đó là một tiệc cưới trong rừng. Đó là một phần biểu diễn múa bóng kể lại chuyện tình trắc trở của hai nhân vật chính. Đó là một màn biểu diễn ảo thuật của nhân vật chính. Đó là một nguyên bản đầy bất ngờ của nhà thờ tộc truyền đời được phục dựng qua ký ức của người lớn. Và đó là chữ “hỷ” chân phương tưởng chừng rất đơn giản nhưng được đầu tư công phu làm điểm nhấn cho toàn bộ không gian lễ cưới. “Hàng hiệu” hơn nhau là ở những chi tiết nhỏ nhất, chăm chút nhất - điều này quả thật là đúng khi nhìn các tác phẩm của Kim.

Đội ngũ Je t’aime Art thôi ăn mì tôm cầm hơi, mà đã có những chuyến xuất ngoại đầu tiên để làm mới bản thân, được chạm tay vào những công trình xưa giờ chỉ có trong tưởng tượng. Hóa ra, giấc mơ mà Kim Phạm vẫn kể không chỉ dành cho khách hàng, mà còn cho chính đội ngũ của mình.

Kim xòe bàn tay của mình ra, trên cườm tay có xăm hình các con số ở một góc nhỏ. Anh bảo, đang chừa chỗ trống cho những con số ý nghĩa tiếp theo của cuộc đời mình, có lẽ là 9 + 5, thời điểm mà Je t’aime Art thực hiện phần hai của câu chuyện kể về ngành sự kiện Việt Nam mà chàng trai sinh năm 1986 này đã từng bước kết nối nên một hệ sinh thái gần nhau hơn.

Mục tiêu của Je t’aime Art không chỉ kiến tạo không gian tiệc cưới mà còn là không gian
nghệ thuật.

Và nặng lòng với “nghề sáng tạo”

“Người làm sáng tạo là những người nhìn thấy những gì không ai nhìn thấy, suy nghĩ những gì không ai nghĩ đến, và tạo ra những gì chưa từng có” - Albert Einstein đã nói như vậy. Và trong một thế giới đang bị xâm lấn bởi trí tuệ nhân tạo, người ta bảo rằng sáng tạo là thành trì cuối cùng để bảo vệ con người khỏi cuộc xâm lấn này. Tôi nhìn Kim, bất giác nghĩ tới hành trình có phần khó nhọc mà anh cùng những người hùng thầm lặng khác trong ngành sáng tạo đã đi qua.

Kim nói về khát vọng 9 + 5 của mình, không rõ ràng con đường cụ thể làm sao để ngành sự kiện của Việt Nam có chỗ đứng như các nước ở Trung Đông - một tượng đài lớn về khả năng thổi bay cảm xúc của người tham dự sự kiện, nhưng anh biết rằng mình sẽ đến được cái đích này, vì anh tin mình chọn đúng cách: tựa vào truyền thống văn hóa người Việt, và chọn cách đi cùng nhiều người trên hành trình này.

Tôi chợt nhớ một chi tiết nhỏ xíu trong một sự kiện Kim từng thực hiện: kỹ thuật “chiện” trong việc làm tượng đá - tức làm mới chất liệu điêu khắc nổi trên một bề mặt phẳng để tạo hiệu ứng không gian ba chiều. Nhỏ xíu thôi, nhưng nó đồng nhất với một quan điểm vũ trụ của Steve Jobs: “Sáng tạo là khả năng kết nối những điểm không liên quan”.

Và tôi nghĩ Kim đã bắt đầu bán thành công giấc mơ biến hóa chất liệu và khai thác văn hóa vào nghề event sáng tạo.

Bài: Bung Trần - Ảnh: TLNV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/kim-pham-phu-thuy-chat-lieu-va-bi-thuat-det-giac-mo-41580.html