Kim Sơn: Ngao được mùa, được giá
Huyện Kim Sơn có khoảng 1.300 ha nuôi ngao thương phẩm, tập trung từ ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi. Những ngày này, nông dân nơi đây đang bước vào chính vụ thu hoạch, nhờ được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi.

Nông dân Kim Sơn phân loại ngao trước khi đưa đi tiêu thụ.
Hân hoan “hái lộc” biển
Chúng tôi về Kim Sơn vào một buổi đêm giữa tháng 4, chạy xe dọc tuyến đê Bình Minh III, có tới gần chục điểm tập kết, sơ chế ngao, tất cả đều thắp điện sáng trưng hoạt động tấp nập, xuyên đêm. Các tàu ngao sau một ngày dài thu hoạch trên biển giờ đây cập bến với hàng trăm, hàng nghìn bì ngao trắng tinh xếp đều tăm tắp trên boong. Các bì ngao này được chuyển lên bờ bằng hệ thống băng chuyền rồi nhanh chóng đưa vào dây chuyền sàng, phân loại, rửa và đóng gói. Ngoài bãi, hàng chục xe tải, xe container đông lạnh của các công ty thu mua cũng tập kết sẵn sàng chở ngao về nhà máy chế biến, đóng gói hoặc đưa đi tiêu thụ tươi.

Nông dân Kim Sơn tất bật thu hoạch ngao.
Sở hữu 60 ha nuôi ngao, nay là buổi thu ngao thứ 5 trong năm nay của ông Nguyễn Văn Hổ. Ông Hổ chia sẻ: Gia đình“ đánh” 5 buổi tổng thu được 10 tấn ngao rồi. Điểm đặc biệt năm nay là ngao giống thả hầu như không bị chết con nào, con nào con đấy lớn nhanh, to đều. Nếu như năm ngoái, gia đình chỉ thu được hơn 1.000 tấn thì năm nay sản lượng có thể lên gần gấp đôi, tức là 2.000 tấn. Thị trường tiêu thụ hiện nay cũng rất thuận lợi, giá bán giao động từ 14-25 nghìn đồng/1kg tùy kích cỡ, cao hơn năm ngoái khoảng 1 nghìn đồng/1kg.
“Lâu lắm rồi bà con chúng tôi mới có một vụ ngao thắng lớn như thế này. Thu tiền tỷ là chuyện trong tầm tay”- ông Hổ phấn khởi nói.

Mùa thu hoạch ngao tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Cùng chung niềm vui như ông Hổ, anh Phạm Viết Lãm, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn cho biết: Năm nay, do thời tiết thuận lợi và ngao không bị dịch bệnh nên ngao sinh trưởng, phát triển tốt, sản lượng tăng so với năm trước. Với 10 ha nuôi ngao, vụ này, gia đình ước thu khoảng hơn 200 tấn ngao thương phẩm, trừ chi phí thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ngao được mùa, được giá không chỉ các chủ ngao phấn khởi mà ngay cả những lao động thời vụ ở địa phương cũng vui lây vì có thêm việc làm, thu nhập. Chị Nguyễn Thị Ngát, xóm 1, xã Kim Đông là lao động phân loại ngao tại một xưởng ngao cho biết: Từ tháng 4 đến tháng 8 là cao điểm thu hoạch ngao nên những lao động như chị hầu như ngày nào cũng có việc. Vì ngao thu hoạch phụ thuộc vào con nước nên công việc của chị làm bất kể ngày đêm, tàu ngao về lúc nào là đi làm lúc đấy. Mặc dù vất vả nhưng bù lại mỗi ngày công chị cũng được từ 300-500 nghìn đồng.

Để đảm bảo chất lượng, độ tươi ngon ngay sau khi thu hoạch ngao được đưa về các xưởng để sơ chế, phân loại.
Nếu chỉ nhìn vào thành công thì ít ai biết rằng nghề nuôi ngao cũng lắm thăng trầm, vất vả, nó được ví như việc “mang tiền vãi ra biển”. Ông Lê Thanh Hà, một người nuôi ngao có thâm niên hơn 20 năm ở đây cho biết, ngao là loài nhuyễn thể dễ nuôi, chỉ cần cải tạo bãi nuôi, chọn vị trí nuôi phù hợp rồi thả con giống chứ không phải cho ăn. Tuy nhiên, vì sống hoàn toàn ngoài tự nhiên nên con ngao chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường, nguồn nước. Nó có thể bị sốc mặn, sốc ngọt, bị sương muối, bị bão cuốn trôi, các sinh vật như cua, cá, sâu biển, hàu, hà gây hại... Trong quá trình nuôi, việc ngao chết từ 10 đến 30% là bình thường, thậm chí có những năm ngao còn chết hàng loạt, người nuôi trắng tay.
Cũng theo ông Hà, thành công của vụ ngao năm nay có thể coi như “lộc” của biển ban tặng cho những ngư dân chúng tôi. Tuy nhiên cũng phải khẳng định, thắng lợi này có một phần là do những năm gần đây bà con nuôi ngao đã ứng dụng quy trình kỹ thuật bài bản vào trong sản xuất, biết chọn con giống chất lượng, tính toán về kích cỡ, thời điểm thả sao cho hợp lý...
Được biết, thời điểm này là lúc con ngao cho chất lượng thịt ngon nhất vì ngao bắt đầu tạo trứng, thịt sẽ béo và ngọt hơn. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ đang thuận lợi nên bà con nuôi ngao Kim Sơn đang tích cực thu hoạch để cung ứng ra thị trường.
Tự tin khẳng định chất lượng
Với 18 km bờ biển, 2 cửa sông lớn là: Đáy và Càn cùng hàng nghìn héc ta cồn bãi liên tục được phù sa bồi đắp đã tạo lợi thế rất lớn để huyện Kim Sơn phát triển nghề nuôi ngao. Khoảng những năm 2004, 2005, con ngao bắt đầu được nông dân nơi đây đưa vào nuôi thử nghiệm và nhanh chóng “ bén duyên” với vùng biển này. Trải qua hơn 20 năm, việc sản xuất, khai thác và chế biến ngao đã trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân vùng ven biển Kim Sơn.
Từ vài chục héc ta ban đầu, diện tích nuôi ngao toàn vùng đã mở rộng ra trên 1.300 ha với sản lượng hàng năm khoảng 24 nghìn tấn ngao thương phẩm. Điều quan trọng là nhờ điều kiện tự nhiên hiếm có, cùng quy trình nuôi bài bản, được tích lũy qua nhiều năm kinh nghiệm, con ngao Kim Sơn ngày càng khẳng định chất lượng trên thị trường.
Từ năm 2023, vùng nuôi ngao Kim Sơn đã chính thức được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu Control Union cấp giấy chứng nhận ASC, trở thành vùng nuôi ngao thứ 2 ở Việt Nam cũng như thế giới có được chứng nhận cấp quốc tế này.
ASC là chữ viết tắt của Aquaculture Stewardship Council (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập năm 2009 bởi Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH), nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm. ASC xây dựng bộ tiêu chuẩn chứng nhận dựa trên bốn nền tảng chính là: môi trường, xã hội, an sinh động vật và đặc biệt là an toàn thực phẩm. ASC được coi như là tấm Visa Vip đưa sản phẩm ngao Kim Sơn vươn tới nhiều thị trường quốc tế. Nếu như trước đây con ngao Kim Sơn chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội địa và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc thì hiện nay ngao Kim Sơn đã có mặt ở nhiều thị trường lớn như châu Âu, châu Á, Mỹ...

Nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù mà con ngao Kim Sơn đồng đều, có màu sắc sáng trắng, thịt béo, ngọt.
Bà Đỗ Thị Phương Thảo, Giám đốc xuất khẩu Công ty TNHH Lenger Việt Nam đánh giá: Kim Sơn là một trong những vùng sản xuất cho chất lượng ngao ngon nhất, con ngao nuôi ở đây có màu sắc trắng sáng, kích cỡ đồng đều, thịt ngao béo, ngọt. Hiện, Công ty đang liên kết cùng bà con sản xuất, thu mua ngao trên diện tích gần 300 ha đã được chứng nhận ASC. Theo đó, toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện theo một chuỗi khép kín từ xây dựng vùng nguyên liệu đến sơ chế và chế biến, điều này bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc, cũng như các yếu tố về an toàn thực phẩm một trong những yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu.
Tham gia sản xuất ngao theo các tiêu chuẩn ASC, ông Nguyễn Văn Hổ cho biết: Làm ASC, nông dân chúng tôi phải cam kết duy trì tiêu chí về môi trường và chất lượng ngao, đổi lại sẽ có được đầu ra ổn định với giá thu mua tốt hơn. Điều này đang giúp chúng tôi hình thành nên một cộng đồng những người sản xuất ngao sạch, có giá trị.
Để đồng hành cùng người nuôi ngao Kim Sơn xây dựng vùng nuôi ngao bền vững, có giá trị kinh tế cao, ông Vũ Minh Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất cùng với chính quyền địa phương hoàn thiện hạ tầng vùng nuôi; hướng dẫn quy trình nuôi, công tác quản lý vùng nuôi cho bà con ngư dân. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát nhuyễn thể hai mảnh vỏ, đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm; tiến hành thu mẫu định kỳ để đánh giá môi trường và dịch bệnh nhằm cảnh báo cho người nuôi tránh được những rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kim-son-ngao-duoc-mua-duoc-gia-168982.htm