Kim Sơn tập trung các giải pháp để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng năm 2024

'Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội từ đầu năm đến nay là tiền đề để Kim Sơn hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 cũng như cả nhiệm kỳ'. Nội dung này sẽ được làm rõ hơn qua cuộc trao đổi của phóng viên Báo Ninh Bình với đồng chí Trần Xuân Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn.

Thi công Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm (Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn

Thi công Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm (Kim Sơn). Ảnh: Anh Tuấn

Phóng viên (PV): Xin đồng chí đánh giá khái quát về bức tranh kinh tế-xã hội của huyện Kim Sơn từ đầu năm đến nay?

Đồng chí (Đ/c) Trần Xuân Trường: Kim Sơn cũng như các địa phương khác trong tỉnh bước vào năm 2024 với nhiều khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen, trong đó, khó khăn được nhận định, đánh giá là nhiều hơn. Trước bối cảnh đó, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã triển khai Kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm 2024 của Tỉnh ủy "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất" và của Huyện ủy về "Đoàn kết, kỷ cương; chỉnh trang hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới".

Ngay từ những ngày đầu năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch hành động và chương trình công tác trọng tâm để triển khai thực hiện kết luận của cấp ủy, Nghị quyết HĐND huyện về phát triển kinh tế-xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để duy trì phát triển sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Dưới sự lãnh đạo sâu sát và toàn diện của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của UBND huyện cùng các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân, nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội huyện Kim Sơn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận.

Trong đó, sản xuất nông nghiệp, nhờ thời tiết khá thuận lợi cùng với nguồn giống được Nhà nước hỗ trợ có chất lượng nên hầu hết các chỉ tiêu của lĩnh vực trồng trọt vượt kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Nhiệm vụ phát triển sản phẩm OCOP được triển khai sâu rộng đến từng hộ kinh doanh để đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, trên địa bàn huyện có 28 sản phẩm OCOP. Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp trên địa bàn duy trì sản xuất những mặt hàng truyền thống tiểu thủ công nghiệp và hàng may mặc. Tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn toàn huyện tháng 8/2024 ước đạt 6,8 triệu USD, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ 2023. Đặc biệt, huyện Kim Sơn đã tập trung hoàn thiện quy trình, thủ tục, hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ đấu giá giá trị quyền sử dụng đất tại các xã, thị trấn theo kế hoạch.

Với sự tăng trưởng ổn định trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế đến ngày 28/8/2024 đạt 428.931 triệu đồng, đạt 120,3% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 94% dự toán HĐND huyện giao. Kim Sơn là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện dự toán ngân sách của tỉnh. Bên cạnh đó, Kim Sơn cũng tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân; tiếp tục duy trì bảo đảm chất lượng công tác giáo dục, y tế trên địa bàn.

PV: Trong bức tranh tổng thể kinh tế của huyện, những chỉ tiêu nào đang được Kim Sơn tập trung cao nhằm tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thưa đồng chí?

Đ/c Trần Xuân Trường: Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đột phá là "Tập trung phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn trở thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh".

Nghị quyết số 11-NQ/ TU ngày 26/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn, giai đoạn 2022-2025 cũng đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế ven biển Kim Sơn theo hướng khu kinh tế tổng hợp ven biển phía Nam của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh dựa trên nền tảng khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có của vùng, với trọng tâm là nuôi trồng, chế biến thủy hải sản công nghệ cao; phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ, thương mại ven biển gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu dự trữ sinh quyển thế giới; từng bước phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với xây dựng và hình thành các khu đô thị ở mức độ hợp lý.

Từng bước tiến tới xây dựng Kim Sơn trở thành Đô thị loại 4 với tính chất "nông thị" theo hướng sinh thái giàu bản sắc. Đây là những định hướng có tính chất lâu dài, có tính chiến lược bao trùm cho nhiều giai đoạn phát triển sau này của huyện Kim Sơn. Do vậy để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trên huyện Kim Sơn xác định làm tốt công tác quy hoạch, lấy giao thông là khâu đột phá và lấy kinh tế thủy sản làm mũi nhọn.

Trên cơ sở đó huyện đã triển khai các bước lập các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo kế hoạch, như: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị dịch vụ và Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Quy hoạch chung xây dựng Khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi, huyện Kim Sơn; hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Phát Diệm đến năm 2035 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt… Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương công khai Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 09/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, huyện Kim Sơn xác định để trở thành "cực tăng trưởng", trước mắt UBND huyện chỉ đạo các xã ven biển của huyện chú trọng chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Hiện trên địa bàn huyện cũng đang triển khai hàng loạt các dự án giao thông quan trọng của quốc gia và của tỉnh như: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn I, II); dự án xây dựng tuyến đường từ QL.12B đến trung tâm thị trấn Bình Minh; dự án Đường cứu hộ, cứu nạn, chống tràn, thoát lũ từ trung tâm 6 xã tiểu khu I ra đê hữu Đáy; dự án đường 482B, 482C, 482D; dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường kết nối QL.12B với QL.10 đoạn Yên Mô-Kim Sơn (Tuyến ĐT.480E cũ)…

Những dự án này hoàn thành sẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với huyện, với tỉnh mà còn liên kết các tỉnh ven biển mở rộng dư địa phát triển kinh tế biển của huyện Kim Sơn. Do đó, từ đầu năm đến nay UBND huyện đã quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án thi công trên địa bàn huyện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công... Đến ngày 28/8, tổng số vốn đầu tư cấp huyện đã được giải ngân là 120.402 triệu đồng, đạt 44,4% kế hoạch vốn.

PV: Để đạt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2024, những tháng cuối năm huyện Kim Sơn sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào, thưa đồng chí?

Đ/c Trần Xuân Trường: Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Do vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo nghị quyết của tỉnh, chương trình công tác năm 2024 và các kế hoạch, chương trình khác của huyện. Đảm bảo hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 đã được HĐND huyện thông qua. Rà soát, xây dựng các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2025-2030.

Theo đó, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tập trung các giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng đa giá trị; đẩy mạnh công tác xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ và phù hợp với nguồn lực. Tiếp tục tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn; thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai thi công và giải ngân các dự án được bố trí vốn khởi công mới. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách; tập trung đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch, nhất là các khu đất đặc thù để thực hiện các công trình dự án trọng tâm.

Đặc biệt, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động rà soát các nhiệm vụ được Huyện ủy, HĐND và UBND huyện giao, không để chậm việc, sót việc và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra; tổ chức tổng kết năm 2024, đánh giá rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, đưa ra giải pháp khắc phục; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 đảm bảo sát thực, hiệu quả, có tính khả thi cao.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Thơm (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kim-son-tap-trung-cac-giai-phap-de-hoan-thanh-ke-hoach-tang/d20240906083741949.htm