Kimono 'hạ gục' loạt ông lớn thời trang Armani, Chanel, Nike

Một triển lãm sắp mở về kimono hé lộ hành trình đầy thăng trầm của quốc phục Nhật Bản.

Thời trang, đặc biệt là những trang phục khác biệt với cách ăn mặc đơn giản, đã được Vua Louis XIV khởi xướng ở Paris vào nửa sau của thế kỷ 17. Vị vua này cùng bộ trưởng tài chính của ông, Jean-Baptiste Colbert, đã mở màn cho một ngành công nghiệp thời trang xa xỉ và đưa Pháp trở thành nước dẫn đầu thế giới về gu thẩm mỹ thời trang.

Nhưng đi về phía đông 6.000 dặm tới Kyoto – quê hương của kimono, lịch sử của thời trang dường như rất khác. Vào cuối thế kỷ 17, nhu cầu về hàng dệt may xa xỉ trong tầng lớp thương gia Nhật Bản phát triển nhanh đến mức vào năm 1700, những con đường hẹp của quận Nishijin có tới khoảng 7.000 khung dệt.

Hiện nay, trụ sở của doanh nghiệp gia đình kinh doanh kimono thế hệ thứ 10 Yamaguchi Genbei là minh chứng cho lịch sử mạnh mẽ của ngành may mặc Nhật Bản. Với không gian thanh lịch, nhiều mẫu thiết kế của dòng họ Yamaguchi được trưng bày và bộ sưu tập kimono cổ của gia đình ông đã thu hút du khách từ những tầng lớp cao nhất của ngành công nghiệp thời trang. Đích thân nhà thiết kế Giorgio Armani đã đến thăm nơi này năm ngoái và cả hãng Chanel và Nike cũng đã gửi các nhóm lớn tới đây để tỏ lòng tôn kính với một di sản thời trang cao cấp quan trọng ở Kyoto. Ở Nhật Bản, thời trang chưa bao giờ là về Paris.

 Kimono lưu giữ nhiều giá trị quan trọng đối với thời trang thế giới. Ảnh: V&A.

Kimono lưu giữ nhiều giá trị quan trọng đối với thời trang thế giới. Ảnh: V&A.

Và triển lãm Kimono: Kyoto to Catwalk sẽ mở ra cho công chúng cánh cửa nhìn về giá trị thời trang còn nhiều điều bí ẩn này. Kimono: Kyoto to Catwalk sẽ khai mạc tại bảo tàng Victoria and Albert (V&A), London vào cuối tháng này. Triển lãm sẽ gồm các phòng trưng bày, trong đó có áo choàng của Obi-Wan Kenobi trong phim Star Wars, một chiếc váy được thiết kế bởi Alexander McQueen và được Bjork mặc khi xuất hiện trên bìa album Homogen và các trang phục giành giải Oscar từ bộ phim Memoirs of a Geisha cùng nhiều bộ kimono quý từ thế kỉ thứ 17 và 18.

 Bjork mặc kimono do Alexander McQueen thiết kế. Ảnh: One Little Indian.

Bjork mặc kimono do Alexander McQueen thiết kế. Ảnh: One Little Indian.

Mang lại giá trị mới cho kimono

Triển lãm này diễn ra vào thời điểm nhiều ngôi sao Hollywood đang sử dụng những hình ảnh văn hóa phương Đông nhưng chưa thực sự hiểu hết những giá trị này. Năm 2019, Kim Kardashian đã vấp phải nhiều phản đối khi đặt tên cho một mẫu nội y là Kimono. Trong một tuyên bố sau đó, Kim “siêu vòng ba” cho hay: “Tôi hiểu và rất tôn trọng tầm quan trọng của kimono trong văn hóa Nhật Bản” và thay đổi tên của dòng sản phẩm thành Skims.

Vào năm 2013, sự xuất hiện của Katy Perry tại một buổi trao giải với trang phục kimono và hát ca khúc Unconditionally cũng đã bị chỉ trích khi được cho là nói tới sự phụ thuộc trong lối sống của người phụ nữ châu Á xưa.

Trong bối cảnh này, triển lãm Kimono: Kyoto to Catwalk hướng đến một mục tiêu khác. Anna Jackson, người phụ trách triển lãm tại V&A nói: “Tâm điểm của chương trình này thể hiện kimono là một thứ gì đó năng động, chứ không phải là một di sản bị phủ bụi”. Anna cho rằng cách tốt nhất để thể hiện sự tôn trọng với kimono là kể lại câu chuyện kimono đã góp phần định hình thời trang, phản ánh xã hội, đi khắp thế giới, không chỉ giữ dáng vẻ duyên dáng, tinh xảo mà còn là một yếu tố đáng kể trong lịch sử hỗn loạn 400 năm.

 Kimono của một phụ nữ trẻ từ 1905 - 1920, có lẽ là từ Kyoto. Ảnh: Khalili Collection.

Kimono của một phụ nữ trẻ từ 1905 - 1920, có lẽ là từ Kyoto. Ảnh: Khalili Collection.

Từ kimono có nghĩa đơn giản là “trang phục để mặc”. Đây là một bộ quần áo đơn giản, có đường may thẳng, được thiết kế kín đáo và là trang phục cơ bản của cả nam giới và nữ giới ở Nhật Bản từ giữa 16 đến đầu thế kỷ 20. Từ thời kỳ chiến tranh, văn hóa phương Tây đã có nhiều ảnh hưởng đến kimono. Điều này được minh chứng bằng một bộ kimono có họa tiết Tòa nhà Empire cũng nằm trong triển lãm sắp tới.

Nhưng sau năm 1945, kimono không còn được ưa chuộng khi mặc ra đường phố. Lúc này kimono trở nên mang nhiều giá trị biểu tượng hơn. Vào những năm 50 của thế kỉ trước, theo lời khuyên của một công ty tư vấn Mỹ để lấy lại niềm tin toàn cầu, hãng hàng không Japan Airlines đã để các nữ tiếp viên hàng không mặc kimono để phục vụ đồ uống cho các hành khách hạng nhất.

Ngày nay, vào lúc hoàng hôn ở Kyoto, các ngôi đền rất đông những thanh thiếu niên Nhật Bản, trong các bộ kimono đầy màu sắc được thuê từ các cửa hàng địa phương, tới để chụp ảnh “selfie”. Đây là một hình ảnh đầy thú vị, thể hiện sự thanh lịch và là một mảnh ghép của đường phố Nhật Bản hiện đại.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/kimono-ha-guc-loat-ong-lon-thoi-trang-armani-chanel-nike-post1042878.html