Kín hay hở thì an toàn?
Ngay sau khi một số ý kiến tại hiện trường vụ tai nạn tang thương khiến 17 người tử vong tại Cửa Đại (Quảng Nam) cho rằng vì ca nô thiết kế mui kín nên khách không thể thoát ra khi gặp sự cố; ông Nguyễn Vũ Hải, Cục phó Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) đã có phản hồi. Đáng chú ý là hai luồng quan điểm này thậm chí có những vấn đề đối chọi nhau.
Tại địa phương, ý kiến cho rằng, trước đây, hành khách di chuyển từ Cửa Đại ra Cù Lao Chàm hoặc ngược lại sẽ ngồi trên canô tiêu chuẩn SI. Cano loại này có thiết kế thông thoáng với mui trần, phía trước, phía sau và hai bên đều không bị che chắn. “Từ 2018 đến nay, ngành GTVT yêu cầu phải cải hoán ca nô SI sang SB mới được vận chuyển hành khách. Các DN phải chấp hành. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều năm trước, khi còn sử dụng loại ca nô SI, không ít lần xảy ra lật tàu trên biển nhưng ít có tử vong. Bởi khi tàu gặp sự cố, hành khách thoát ra ngoài rất nhanh vì không bị che chắn. Và khi thoát ra ngoài rồi, cộng với việc được trang bị áo phao, lực lượng cứu hộ hay tàu thuyền đang hoạt động gần đó tới ứng cứu sẽ dễ dàng”, ý kiến từ địa phương.
Chủ tịch UBND TP Hội An thì thông tin, mười mấy năm qua Hội An tổ chức du lịch ra đảo Cù Lao Chàm bằng cano SI trống toàn bộ thân tàu, cũng từng xảy ra vụ lật tàu, tuy nhiên chưa bao giờ xảy ra tình trạng chết người. Còn với loại thuyền cano SB, chỉ có một cửa phía trước và cửa phía sau, khi tàu lật rất nguy hiểm cho hành khách. “Đây là kinh nghiệm cho chúng ta điều chỉnh thiết kế các tàu thuyền đi biển chở khách du lịch sắp tới. Hội An cũng đang đề xuất với UBND tỉnh, Trung ương xem xét lại thiết kế của tàu thuyền theo SB”, ông Sơn nói.
“Phản pháo” ý kiến này, về phía Cục Đăng kiểm, cho rằng trước đây, khu vực đường thủy Hội An - Cù Lao Chàm có khoảng 140 phương tiện thủy vỏ composite, vỏ gỗ hoạt động, trong đó có cả tàu mui hở. Năm 2017, Sở GTVT Quảng Nam xin ý kiến Bộ GTVT hướng dẫn loại phương tiện nào được phép hoạt động trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm.
Căn cứ quy định quản lý đường thủy nội địa và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp, đóng phương tiện thủy nội địa, Bộ GTVT hướng dẫn tuyến Hội An - Cù Lao Chàm dài 17km (9 hải lý) là tuyến đường thủy nội địa quốc gia từ bờ ra đảo, phương tiện phải đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để hoạt động ở vùng SB (vùng ven biển, cửa biển, cách bờ không quá 12 hải lý).
Có nghĩa là các tàu hoạt động trên vùng biển Hội An - Cù Lao Chàm nếu là tàu khách cao tốc thì phải có khoang chứa khách kín; nếu là tàu gỗ, tàu composite, tàu vỏ kim loại... và không phải cao tốc thì khoang khách có thể hở. Sau đó, do nhu cầu của chủ tàu, nhiều tàu cũ đã hoán cải để trở thành tàu khách cao tốc với khoang chở khách kín để chạy tốc độ cao.
Cục Đăng kiểm đưa ra quan điểm: “Tàu khách cao tốc có thiết kế thon, nhỏ, gọn để chạy nhanh, khi hoạt động trên biển phải kín, bởi nếu hở thì trong điều kiện sóng, gió, nước tạt mạnh sẽ tràn vào khoang khách gây mất ổn định, có thể dẫn đến chìm tàu, đe dọa an toàn của hành khách. Tàu cần có kính kín chính là để bảo vệ an toàn cho hành khách và nước không tràn vào khoang khách”.
Đáng chú ý là quan điểm: “Về cứu nạn tàu cũng vậy, không thể nói cảm tính là nếu mui hở thì hành khách sẽ thoát. Vì nếu mui hở, vận hành tàu bình thường đã tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn cho tàu và hành khách”.
Tai nạn tang thương đã xảy ra. Điều quan trọng là làm sao đừng để tái diễn sự cố. Giờ có lẽ không phải lúc tranh cãi ai đúng, ai sai. Giờ là lúc phải lao ra ra hiện trường, nghiên cứu thực tế, cần thiết thì phải điều chỉnh các “quy chuẩn”.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kin-hay-ho-thi-an-toan-post435902.html