'Kín mít' lịch học, thí sinh tăng tốc ôn thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông

Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông đang tới gần, các thí sinh đang tăng tốc ôn luyện với lịch học dày đặc hơn.

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông dự kiến diễn ra vào cuối tháng Sáu. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông dự kiến diễn ra vào cuối tháng Sáu. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 sẽ chính thức diễn ra. Đây là kỳ thi vô cùng quan trọng với thí sinh sau 12 năm đèn sách khi điểm thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Vì thế, thời điểm này, các thí sinh đều đang ra sức tăng tốc để ôn luyện nhằm đạt kết quả thi cao nhất.

Lịch học một ngày của Nguyễn Phan Minh Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu (Hà Nội) khá dày đặc. Một ngày với Minh Anh bắt đầu vào 6 giờ sáng. Ngoài khoảng thời gian các buổi sáng và buổi chiều học thêm ở trường, Minh Anh còn học thêm ở ngoài buổi tối đến khoảng 9 giờ. Sau bữa tối muộn, em tiếp tục tự học đến 1-2 giờ sáng.

“Thời gian để ngủ và nghỉ của em khá ít nhưng đang là giai đoạn cao điểm nên em phải nỗ lực. Các bạn ở trường ai cũng đang phải cố gắng như vậy trong giai đoạn nước rút này vì kỳ thi không còn xa nữa. Lực học của em không hẳn tốt nên em cũng khá lo lắng và áp lực,” Minh Anh chia sẻ.

 Nguyễn Phan Minh Anh cho hay em khá áp lực khi kỳ thi đang đến gần. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nguyễn Phan Minh Anh cho hay em khá áp lực khi kỳ thi đang đến gần. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự kiến xét tuyển khối D78 và C00, tự đánh giá bản thân có nền tảng các môn khối xã hội khá tốt cùng khả năng ghi nhớ nhanh nên không quá áp lực, nhưng Lê Hạnh Mai, học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) cũng có lịch học khá dày. Ngoài thời gian học ở trường, em còn học thêm vào 4 buổi tối và tự học đến hơn 12 giờ khuya.

Từ nhỏ đã mơ ước làm phóng viên truyền hình và định hướng ngành báo chí truyền thông, Hạnh Mai cho hay em cũng hơi lo lắng khi điểm chuẩn vào ngành này ở các trường đều rất cao. “Việc học khá căng thẳng nhưng sắp thi nên em phải cố gắng hết sức,” Hạnh Mai nói.

Với những thí sinh tham dự thêm kỳ thi riêng của các trường thì áp lực thi cử còn lớn hơn. Trần Khoa Nam, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, quận Ba Đình cho hay bên cạnh thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, em còn đăng ký thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo Nam, việc thi nhiều kỳ thi khiến em khá áp lực vì ba kỳ thi là ba dạng đề khác nhau, phạm vi kiến thức khác nhau. Vì vậy, em phải phân bổ thời gian để học, ôn tập cho từng kỳ thi. Với kỳ thi Đánh giá tư duy, Nam lên mạng Internet tự tìm kiếm tài liệu để học, làm các đề thi thử trên các trang web. Với thi Đánh giá năng lực, em mua các cuốn sách chủ đề liên quan về tự ôn tập. Để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, ngoài thời gian học trên lớp, Nam còn đi học thêm bên ngoài ba môn Toán, Lý, Anh để đăng ký xét tuyển theo khối A1. “Khá mệt và khó khăn, đôi khi em hơi bị loạn kiến thức,” Nam chia sẻ.

Để giảm áp lực cho bản thân, Nam cho hay em đã cố gắng để phân bổ thời gian giữa việc học và ăn, ngủ, nghỉ điều độ. Ngoài thời gian học buổi sáng trên trường, buổi chiều em dành cho tự học hoặc ngủ bù. Lịch học thêm bên ngoài của em chủ yếu rơi vào buổi tối.

 Khoa Nam (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khoa Nam (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xác định đăng ký chọn học ngành Công nghệ thông tin, Nam chia sẻ trong Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh-hướng nghiệp vừa qua, em đã tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường, từ những trường tốp đầu như Đại học Bách khoa, Đại học Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ đến các trường ngoài công lập như Đại học FPT, Đại học VinUni, Đại học Thăng Long…

“Năm nay là một năm khá khó khăn vì chúng em là lứa học sinh cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông 2006. Nếu không đỗ, sang năm sẽ phải cạnh tranh với những thí sinh theo chương trình mới. Nhưng chúng em cũng có may mắn là chương trình đã tồn tại nhiều năm nên có nhiều tài liệu chất lượng để ôn tập,” Khoa Nam nói.

Chia sẻ với những lo lắng, áp lực của thí sinh, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyên thí sinh chủ động ôn tập, bám sát nội dung được dạy học ở trường và sách giáo khoa. Thí sinh có thể rèn luyện bằng cách làm các đề thi dựa theo cấu trúc đề thi minh họa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để có kiến thức và kỹ năng làm bài.

Bên cạnh việc học, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng khuyên các em nên cân bằng giữa việc học và nghỉ, ăn uống đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng để giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho kỳ thi./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kit-mit-lich-hoc-thi-sinh-tang-toc-on-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-post935365.vnp