Kinh Bắc đăng ký mua trước 50 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ
Cổ phiếu hồi phục 83,1% từ đáy, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC) đăng ký mua trước một nửa cổ phiếu để giảm vốn điều lệ với giá mua tối đa 34.000 đồng/CP.
Cụ thể, Kinh Bắc thông qua kế hoạch và phương án mua trước 50 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, thời gian dự kiến triển khai trong quý I, quý II/2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Trong đó, giá mua không cao hơn 34.000 đồng/cổ phiếu.
Được biết, tại Đại hội cổ đông bất thường vừa tổ chức, Công ty thông qua kế hoạch mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, giá mua tối đa 34.000 đồng/cổ phiếu, ước tính Công ty sẽ bỏ ra tối đa 3.400 tỷ đồng để mua vào 100 triệu cổ phiếu.
Thực tế, sau khi chạm đáy ngày 9/11/2022 là 14.200 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu KBC đã bật tăng trở lại. Tính tới ngày 5/1/2023, cổ phiếu KBC đang giao dịch vùng 26.000 đồng/cổ phiếu, tức cao hơn 83,1% so với đáy ngày 9/11/2022 và đồng thời vẫn thấp 43,9% so với đỉnh ngày 6/1/2022 là 46.350 đồng/cổ phiếu.
Ở một diễn biến khác, từ ngày 15/11 đến ngày 13/12, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc vừa mua vào toàn bộ 25 triệu cổ phiếu đăng ký để nâng sở hữu từ 14,81% lên 24,91% vốn điều lệ.
Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 13/12 là 22.500 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Đặng Thành Tâm đã bỏ ra số tiền lên tới 562,5 tỷ đồng để mua vào 25 triệu cổ phiếu KBC.
Kinh Bắc bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mệnh giá 1.000 tỷ đồng
Ngày 24/11/2022, người sở hữu trái phiếu đồng ý cho Kinh Bắc bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mã KBCH2123002.
Cụ thể, Kinh Bắc sẽ bổ sung 1,1 triệu cổ phiếu của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang vào tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mã KBCH2123002.
Trong đó, giá trị tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu bằng tối thiểu 160% tổng giá trị mệnh giá trái phiếu đang lưu hành. Việc bổ sung tài sản bảo đảm không gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ gốc, lãi trái phiếu đã phát hành.
Theo tìm hiểu, trái phiếu mã KBCH2123002 phát hành ngày 3/6/2021, mệnh giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 10,5%/năm và tài sản đảm bảo là 70,7 triệu cổ phiếu KBC thuộc sở hữu của bên thứ 3.
Thêm nữa, CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang được thành lập năm 2005, địa chỉ tại KCN Quang Châu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và người đại diện pháp luật là ông Mai Tuấn Dũng. Trong đó, Công ty hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Lãi đột biến quý III từ đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng
Trong quý III/2022, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 203,23 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.936,23 tỷ đồng, tăng 1.995,52 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ lỗ 59,29 tỷ đồng). Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 48,9% về còn 47,9%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 38,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 61,61 tỷ đồng về 97,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 127,6%, tương ứng tăng thêm 46,71 tỷ đồng lên 83,33 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 20,8%, tương ứng giảm 37,09 tỷ đồng về 140,83 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 1.997,23 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 0,99 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 44,3%, tương ứng tăng thêm 23,17 tỷ đồng lên 75,45 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 1.288,53 tỷ đồng, giảm 58,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.136,51 tỷ đồng, tăng 191,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, lợi nhuận quý III tăng chủ yếu do lãi từ công ty liên doanh, liên kết. Được biết, Công ty có lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng do công ty ghi nhận thu nhập từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh.
Trong năm 2022, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 47,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Công ty tăng 9,1% so với đầu năm lên 33.375,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 11.982,8 tỷ đồng, chiếm 35,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 10.769,3 tỷ đồng, chiếm 32,3% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 4.164,5 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng tài sản và các khoản mục khác.