Kính cẩn mãi khắc ghi anh linh các anh hùng bất tử

Những ngày đầu tháng 7 lịch sử - hướng về những hoạt động "đền ơn, đáp nghĩa”, nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến hy sinh trọn đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Đoàn công tác của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan làm Trưởng đoàn đã có cuộc hành trình về nguồn ý nghĩa thăm lại “vùng đất lửa”. Đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ và khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ nơi dải đất miền Trung gió Lào, cát trắng với những chiến công hào hùng trong lịch sử.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và các thành viên trong Đoàn công tác thành kính thắp hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: Trà Hương

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và các thành viên trong Đoàn công tác thành kính thắp hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: Trà Hương

Dâng hương, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành hoạt động thường niên của tỉnh Vĩnh Phúc mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7). Năm nay, chuyến “về nguồn” của tỉnh được khởi hành từ đầu tháng 7 với lộ trình trải dọc dải đất miền Trung, đến dâng hương tưởng niệm tại nhiều khu di tích lịch sử như Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 tại tỉnh Quảng Trị; mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tỉnh Quảng Bình; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại tỉnh Hà Tĩnh; Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên và Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn tại tỉnh Nghệ An.

Khởi hành từ Vĩnh Phúc vào tinh mơ sáng 6/7, Đoàn công tác của tỉnh đã bắt đầu hành trình tri ân với quãng đường bộ xa xôi cùng tâm thế tự hào, rạo rực hướng về miền Trung ruột thịt. Sau 1 ngày đi qua “nắng gió” miền Trung, Đoàn công tác đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Các thành viên trong đoàn đều cảm nhận được sự linh thiêng của mảnh đất này, nơi máu chiến sĩ hòa với gạch đá. Bước nhẹ trên Thành cổ, khẽ đọc những lời thơ của nhà thơ Phạm Đình Lân mà lòng se sắt: "Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời cũng tự trong xanh và lộng gió/Dẫu ồn ào đừng lay mạnh cành cây/Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào...".

Chiến tranh đã lùi xa, Thành cổ hôm nay thật yên tĩnh, thanh bình đến lạ thường, chỉ nghe thấy tiếng chim hót trên những hàng cây xanh rợp mát như chở che cho các anh hùng, liệt sĩ đang yên giấc trong lòng đất mẹ. Khung cảnh ấy khiến ít người có thể tưởng tượng được trong những năm tháng chiến tranh, nơi đây đã từng là “túi bom” hứng chịu không biết bao vũ khí, đạn dược tối tân, hiện đại của kẻ thù và đã ghi danh vào trang sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam với cuộc chiến đấu oai hùng 81 ngày đêm (từ 28/6 - 16/9/1972) để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Dâng hương, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành hoạt động thường niên của tỉnh Vĩnh Phúc mỗi dịp kỷ niệm Ngày thương binh-Liệt sĩ (27/7). Ảnh: Trà Hương

Dâng hương, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành hoạt động thường niên của tỉnh Vĩnh Phúc mỗi dịp kỷ niệm Ngày thương binh-Liệt sĩ (27/7). Ảnh: Trà Hương

Rời Thành cổ Quảng Trị, nơi 50 năm trước đầy máu và lửa giờ đây là những thảm cỏ xanh rờn trải rộng hòa lẫn xương máu của các anh, trong lòng mỗi thành viên trong đoàn đều thầm cảm thấy tự hào vì mình là người được lựa chọn trong chuyến đi này, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và những xúc cảm cứ dâng trào mãnh liệt.

Mang theo những cảm xúc ấy, vượt qua chặng đường dài xuyên qua những cánh rừng rậm Trường Sơn thăm thẳm, chợt nắng, chợt mưa trên “đất lửa” Quảng Trị anh hùng, Đoàn công tác của tỉnh đã đến dâng hương, dâng hoa để tỏ lòng biết ơn đối với những anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những đau thương và mất mát mà chiến tranh để lại vẫn chưa thể xóa nhòa với bạt ngàn những ngôi mộ liệt sĩ trải dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Cả khu nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9 đều ngút ngàn một màu trắng, màu trắng của những ngôi mộ, của khói hương nghi ngút càng khiến các thành viên trong đoàn không khỏi nghẹn lòng, càng hiểu thêm về giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn có diện tích 39,6 ha, với 5 khu được tọa lạc trên những vạt đồi bạt ngàn thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi quy tập của 10.263 hài cốt các liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, trong đó, có hơn 500 người con quê hương Vĩnh Phúc.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 9.500 anh hùng, liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, có 3.227 mộ liệt sĩ được xác định đầy đủ tên tuổi, quê quán, được mai táng theo từng tỉnh, thành; có 785 mộ liệt sĩ xác định chưa đầy đủ; còn lại chưa rõ tên tuổi. Đây cũng là nơi yên nghỉ của 300 người con quê hương Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Thắp những nén hương thơm lên phần mộ của những người con quê hương Vĩnh Phúc đã yên nghỉ mãi nơi đây, giữa núi rừng Trường Sơn bạt ngàn với hàng nghìn ngôi mộ cùng với bao câu chuyện cảm động, tận đáy lòng mỗi thành viên trong Đoàn công tác đều trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào - đó không chỉ là niềm thương tiếc, xót xa cùng sự khâm phục, lòng biết ơn mà còn xen lẫn lòng tự hào dân tộc.

Trong cuộc hành trình về “vùng đất lửa”, mỗi một địa danh, mỗi một di tích đi qua đều để lại cho mỗi thành viên trong đoàn niềm cảm xúc vô tận về "những bài ca không bao giờ quên”, về lớp lớp thế hệ cha anh đi trước sẵn sàng gác lại ước mơ của mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của quê hương.

Đó là cảm xúc nghẹn ngào không cầm lòng được khi đến dâng hương tại Nga ba Đồng Lộc - nơi đất thiêng của 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong, những đóa hoa bất tử. Là sự bồi hồi, khó tả xen lẫn niềm tự hào nhưng mang nặng sự tri ân nơi “tọa độ lửa” Truông Bồn.

Và đây nữa, trong nắng nhuộm vàng rực miền đất “chang chang cồn cát nắng trưa” Quảng Bình, tiết trời nơi đất thiêng Vũng Chùa - Đảo Yến càng đẹp đến diệu kỳ.

Trời rộng quang mây, biển Vũng Chùa bao đời nay vẫn thế… Nước từ đại dương xanh ngắt hắt từng con sóng nhỏ yên bình nhè nhẹ nối nhau vào bờ, nắng tháng 7 tỏa rạng lên khu mộ vị tướng huyền thoại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những câu chuyện về các anh hùng, liệt sĩ được kể lại tại các di tích gợi lên trong mỗi thành viên trong đoàn lòng biết ơn, lòng tự hào dân tộc. Ảnh: Trà Hương

Những câu chuyện về các anh hùng, liệt sĩ được kể lại tại các di tích gợi lên trong mỗi thành viên trong đoàn lòng biết ơn, lòng tự hào dân tộc. Ảnh: Trà Hương

Từng thành viên trong đoàn nối hàng bước chậm từng bước tới nơi Đại tướng yên nghỉ để dâng lẵng hoa trang trọng, kính cẩn nghiêng mình thắp hương báo công trước anh linh người mà lòng không khỏi bâng khuâng, xúc động. Đó cũng là cảm nhận chung của mỗi thành viên khi thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Trần Phú và Tổng Bí thư Hà Huy Tập - những người cộng sản mẫu mực, kiên cường, bất khuất, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân, luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, thủy chung, trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp và của dân tộc, lạc quan tin tưởng vào tương lai và sự tất thắng của cách mạng.

Để rồi khi bước chân vào Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, mỗi thành viên trong Đoàn công tác đều không khỏi bồi hồi trong nỗi nhớ thương, niềm kính phục dâng trào, không kìm nén được cảm xúc. Để xứng đáng với công ơn to lớn của Bác, mỗi thành viên trong Đoàn nguyện cùng chung sức, đồng lòng thực hiện di chúc của Người; tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần đoàn kết chiến đấu và đạo đức cách mạng của Người: Trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; nguyện hứa vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn; nêu cao quyết tâm chính trị, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trải qua chặng đường hơn 600 cây số về với “vùng đất lửa” miền Trung lịch sử, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã để lại cho mỗi thành viên trong Đoàn công tác của tỉnh những kỷ niệm sâu sắc và nhiều bài học bổ ích. Qua chuyến đi đầy ý nghĩa này, mỗi thành viên đã thực sự thấu hiểu được những mất mát, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, từ đó tự nhủ với lòng mình mãi mãi không được quên, không thể quên. Từ đó, phải có trách nhiệm hơn, phấn đấu nhiều hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96385//kinh-can-mai-khac-ghi-anh-linh-cac-anh-hung-bat-tu