Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là nhu cầu thực tế

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) hôm nay 20-11, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là quy định đưa ngành, nghề 'kinh doanh dịch vụ đòi nợ' vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

>> Chính phủ cần tăng cường các giải pháp giải quyết việc làm cho lao động nữ
>> Thông qua Bộ luật Lao động, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình
>> Biểu quyết Bộ luật Lao động (sửa đổi), cho ý kiến hai dự án Luật
>> Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến ba dự án Luật
>> Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến vào 5 dự luật và chương trình giám sát của Quốc hội

Đại biểu Huỳnh Thành Chung đóng góp ý kiến về Luật Đầu tư (sửa đổi)

Đại biểu Huỳnh Thành Chung đóng góp ý kiến về Luật Đầu tư (sửa đổi)

Bên cạnh ý kiến đồng tình, cũng có ý kiến cho rằng cần phải cân nhắc và phải đánh giá tác động nếu đưa quy định này vào thực thi.

Theo đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, đối với doanh nghiệp và thực tế cuộc sống việc phát sinh nợ diễn ra hàng ngày, nên việc thu nợ cần phải được quan tâm vì đó là quyền lợi của công dân. Vấn đề là trước đây đã được kinh doanh đòi nợ, nhưng hình thức đòi nợ đó gây ra những vấn đề bức xúc trong xã hội và gây ra những hệ lụy mà chúng ta không mong muốn, nhưng thu hồi nợ là việc cần thiết.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị ban soạn thảo cũng như Quốc hội xem xét thay thế dịch vụ đòi nợ thành nghiệp vụ thu hồi nợ. Nghiệp vụ thu hồi nợ này là các tổ chức có đủ điều kiện để làm nghiệp vụ nhờ thu. Đồng thời, xem xét việc sửa Bộ luật Dân sự làm sao để việc tranh chấp về quyền lợi, tài sản ra tòa với quy trình, thủ tục rút gọn để phán quyết của tòa là cơ sở xác thực việc phát sinh công nợ này là có thật. Trên cơ sở này, các đơn vị thu hồi nợ có đủ điều kiện pháp lý để thu hồi nợ cho công dân, tổ chức.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung chỉ ra thực tế không chỉ người dân, doanh nghiệp mà nhà nước cũng là chủ nợ của các khoản chậm đóng phạt vi phạm hành chính, thậm chí không chịu đóng phạt… Vì vậy ngân sách nhà nước cũng cần có nghiệp vụ thu hồi các khoản nợ phạt này. Ban soạn thảo xem xét hình thức thu hồi nợ không phải bằng cách đòi mà theo phán quyết của tòa án.

Theo phân tích của đại biểu Huỳnh Thành Chung, tới đây trong xã hội sẽ sử dụng chủ yếu là tài khoản ngân hàng. Khi đã có phán quyết của tòa về việc xác định có nợ hoặc quyết định của cơ quan hành chính là có nợ, thì đơn vị thu hồi nợ hoàn toàn có thể đủ điều kiện pháp lý để trích xuất từ tài khoản để thu nợ. Việc này không có vấn đề gì phản cảm, không phải đi đòi, không phải có những hình thái xã hội đen. Đối với những khoản nợ dưới hình thức cho vay nặng lãi và vi phạm các quy định pháp luật khác, khi đó ra tòa cũng trở nên vô hiệu.

Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết quan hệ dân sự đòi nợ thuê thường là vay nóng. Áp dụng hình thức dịch vụ này để thu hồi các khoản có lãi suất rất cao, không đưa ra được các cơ quan tố tụng, cơ quan tư pháp, dẫn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội rất phức tạp. Đây là đề nghị rất quyết liệt của ngành công an và ngành tư pháp. Tuy nhiên, căn cứ ý kiến của các đại biểu, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát và làm sao xây dựng được một cơ sở để báo cáo Quốc hội trước khi xem xét quyết định vấn đề này.

Trần Thể

Xem thêm: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

>> Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về phát triển vùng dân tộc thiểu số
>> Tuần làm việc thứ 5: Quốc hội tập trung công tác xây dựng pháp luật
>> Rà soát để tránh tình trạng luật này mở, luật kia buộc
>> Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật
>> Không để khoảng trống xử lý hình sự với hành vi dùng vũ khí tự chế

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/kinh-doanh-dich-vu-doi-no-la-nhu-cau-thuc-te-404518