Kinh doanh dịch vụ karaoke ế ẩm

Sau hơn 9 tháng 'đóng băng' vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn TP. Pleiku đã được phép mở cửa hoạt động vào cuối tháng 1-2022. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, hầu hết cơ sở này khi mở cửa trở lại đều rơi vào tình trạng ế ẩm, không đủ bù đắp chi phí hoạt động.

Ngày 27-1-2022, UBND tỉnh có Công văn số 187/UBND-KGVX hướng dẫn tạm thời điều kiện hoạt động đối với một số loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, bar, spa, đại lý internet, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các loại hình kinh doanh này phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 theo quy định tại cơ sở; chấp hành quy định hoạt động tương ứng với từng cấp độ dịch theo phạm vi cấp huyện. Trong đó, khu vực nguy cơ cấp 1, cấp 2 hoạt động không quá 50% công suất; dừng hoạt động đối với khu vực nguy cơ cấp 3, cấp 4. Thời gian được phép hoạt động từ 8 giờ đến 21 giờ hàng ngày.

Ghi nhận trên đường Nguyễn Công Trứ (TP. Pleiku) hiện chỉ có 4/6 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke mở cửa trở lại. Sau quãng thời gian kinh doanh sôi nổi dịp Tết Nguyên đán, hầu hết cơ sở đều rơi vào tình trạng ế ẩm, thưa vắng khách. Nói về tình hình kinh doanh hiện nay, bà Võ Thị Thu-chủ cơ sở Karaoke 14A Nguyễn Công Trứ-bộc bạch: “Từ khi được phép mở cửa hoạt động trở lại, tâm trạng tôi vừa phấn khởi, vừa lo lắng. Trừ mấy ngày Tết là kinh doanh ổn định, còn sau đó rất vắng khách, ngày nào may mắn lắm thì được 1-2 phòng. Doanh thu sụt giảm hơn 1/3 so với trước đó nên không bù đắp được các khoản chi phí đầu vào. Để duy trì và phục hồi hoạt động kinh doanh, tôi phải chủ động cắt giảm bớt một số khoản chi phí trong giai đoạn này”.

Sau gần 1 tháng hoạt động, hầu hết cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều giảm doanh thu do vắng khách. Ảnh: Sơn Ca

Sau gần 1 tháng hoạt động, hầu hết cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều giảm doanh thu do vắng khách. Ảnh: Sơn Ca

Không chỉ sụt giảm mạnh về doanh thu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều gặp phải tình trạng máy móc hư hỏng, phòng ốc xuống cấp sau thời gian dài ngưng hoạt động buộc họ phải tái đầu tư với chi phí rất lớn. Ông Nguyễn Ngọc Mai-chủ cơ sở Karaoke 14B Nguyễn Công Trứ (TP. Pleiku) bày tỏ: “Hầu như cơ sở nào cũng gặp vấn đề hư hỏng ti vi, hệ thống âm thanh, dàn loa sau 9 tháng ngừng hoạt động. Chi phí để tái đầu tư mỗi phòng dao động hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, các nguồn khách vãng lai, khách đám tiệc, khách hát về đêm đều giảm mạnh. Khoảng 20 giờ là chúng tôi buộc phải ngưng nhận khách vì sát khung giờ ngưng hoạt động mỗi ngày”.

Ông Trần Phan Quốc Chương-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku:“Nhóm ngành kinh doanh dịch vụ, giải trí chịu nhiều tác động bất lợi do dịch bệnh, phải tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa trong thời gian dài, ảnh hưởng nguồn thu các sắc thuế. Hiện các ngành, lĩnh vực dịch vụ, giải trí đã được phép hoạt động trở lại là điều rất đáng ghi nhận. Các hộ kinh doanh lĩnh vực này cũng đã rất nỗ lực khôi phục hoạt động kinh doanh, nhưng phải mất thời gian mới trở lại bình thường như trước đây, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như giảm 2% thuế giá trị gia tăng”.

Ngay sau khi được phép mở cửa hoạt động trở lại, cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke Luxury (97-99 Cao Bá Quát, TP. Pleiku) nghiêm túc chấp hành các điều kiện, quy định về phòng-chống dịch để đảm bảo an toàn, thích ứng với tình hình mới. Anh Trần Ngọc Nam-chủ cơ sở-cho biết: “Quy định của chính quyền địa phương là hoạt động 50% công suất nhưng thực tế hiện nay, cơ sở chỉ hoạt động khoảng 20-30%, doanh thu giảm tới 60% so với trước dịch vì không có khách”.

Qua tìm hiểu, TP. Pleiku có hơn 40 địa điểm kinh doanh dịch vụ karaoke. Nguyên nhân dẫn đến sự ế ẩm này theo các chủ cơ sở thì ngoài việc do khung giờ hoạt động bị hạn chế còn do tâm lý lo ngại lây lan dịch bệnh của khách hàng. Ngoài ra, thực tế hiện nay là sự phát triển thị trường loa kéo cũng tác động đến nhu cầu sử dụng dịch vụ karaoke của người dân. Anh Nguyễn Hữu Phước (tổ dân phố 8, phường Thắng Lợi) chia sẻ: Thời gian chưa xảy ra dịch bệnh, mỗi khi gia đình, bạn bè có tiệc gặp mặt xong thường đi hát karaoke để giải trí. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh bùng phát, nguồn thu nhập giảm sút nên phải tiết kiệm chi tiêu và quan trọng hơn là ai cũng lo ngại đến những nơi đông người. Do vậy, gia đình đã mua loa kéo để sử dụng khi cần. Gia đình tôi cũng chỉ sử dụng vào thời gian hợp lý để tránh gây phiền toái cho các hộ xung quanh.

SƠN CA

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1725/202202/kinh-doanh-dich-vu-karaoke-e-am-5767855/