Kinh doanh dược online, người dân được tiếp cận thông tin và mua thuốc dễ dàng hơn?

Phương thức mua - bán hàng online đã trở thành sự lựa chọn của nhiều người, không chỉ những người trẻ cập nhật với công nghệ hiện đại mà cả người trung niên cũng tham gia vào thị trường này.

Thương mại điện tử trong mua bán thuốc: Phải tuân thủ đầy đủ các quy định về kinh doanh lĩnh vực dược

Theo thông tin của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu quản lý, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, đề xuất đưa nội dung thương mại điện tử trong kinh doanh dược vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và đã được Quốc hội thông qua tại phiên họp ngày 21/11/2024 vừa qua.

Do thuốc là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất thận trọng khi đề xuất các quy định về thương mại điện tử trong kinh doanh dược tại lần ban hành Luật này. Để kiểm soát chặt chẽ, các công cụ quản lý sẽ được triển khai đồng bộ, bao gồm cả tiền kiểm và hậu kiểm.

Luật đã quy định một cơ sở muốn thực hiện thương mại điện tử phải được đánh giá cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, hồ sơ tài liệu và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

Nghĩa là, đây phải là một cơ sở kinh doanh hiện hữu, đã được cấp phép kinh doanh theo phương thức truyền thống. Bán hàng trực tuyến chỉ là một hoạt động được thực hiện song song với bán hàng truyền thống.

Việc pháp quy hóa hoạt động thương mại điện tử trong kinh doanh dược mang lại cả thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Việc pháp quy hóa hoạt động thương mại điện tử trong kinh doanh dược mang lại cả thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Do đó, dù kinh doanh theo phương thức truyền thống hay kinh doanh trực tuyến, cơ sở vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung.

Ngoài ra, quy định trừ trường hợp cách ly do dịch bệnh nhóm A, cơ sở kinh doanh dược chỉ được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc không kê đơn mà không phải là thuốc phải kiểm soát đặc biệt hay thuốc hạn chế bán lẻ; thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc nhóm các thuốc phải kiểm soát đặc biệt; riêng trong trường hợp đặc biệt, khi có dịch bệnh nhóm A (tương tự như CODID-19 vừa qua) được công bố, cơ sở được bán lẻ thuốc kê đơn theo quy định của Bộ Y tế;

Nghiêm cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải là sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược là phải cung cấp thông tin cho khách hàng về thuốc và tư vấn sử dụng thuốc.

Cơ sở khi kinh doanh theo thương mại điện tử có trách nhiệm: Đăng tải thông tin về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ sở, Giấy đăng ký lưu hành của thuốc, các thông tin được phê duyệt về thuốc.

Phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến cách sử dụng thuốc theo đúng quy định của pháp luật cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện việc thuốc đến người mua theo quy định.

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận thông tin và mua thuốc dễ dàng hơn

Khi Luật Dược sửa đổi, bổ sung được ban hành, các Thông tư hướng dẫn thực hành tốt bán lẻ thuốc sẽ được điều chỉnh và sửa đổi theo và có các yêu cầu cụ thể đối với hoạt động của cơ sở kinh doanh thuốc theo hình thức thương mại điện tử, bao gồm cả cách thức tiến hành, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử cho phù hợp với đặc thù của hình thức kinh doanh này (ví dụ như việc kiểm soát, phê duyệt cấp phát thuốc của cơ sở bán lẻ; việc tư vấn và ghi lại nội dung thông tin tư vấn sử dụng thuốc trước khi thuốc được giao cho khách hàng...);

Quy định nhận đơn hàng trực tuyến nhưng trước khi thực hiện việc bán phải có liên hệ trực tuyến hoặc bằng điện thoại để xác định có thuộc trường hợp được bán thuốc không, tư vấn sử dụng trước khi bán thuốc cho người mua,…

Cơ sở phải thông báo tới cơ quan có thẩm quyền trước khi kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.

Song song với các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử, Cục Quản lý Dược cũng đang rà soát để đề xuất bổ sung các hành vi và biện pháp xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thương mại điện tử trong kinh doanh dược.

Giai đoạn đầu triển khai Luật, chắc chắn các hoạt động thương mại điện tử sẽ được ưu tiên kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các quy định được thực hiện đúng, đầy đủ, giúp người dân sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Theo Cục Quản lý Dược, việc pháp quy hóa hoạt động thương mại điện tử trong kinh doanh dược cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ hoặc các công ty bán buôn vì không chỉ để có thêm một kênh bán hàng mà còn mở ra thị trường mới, quảng bá sản phẩm, tăng cường khả năng nhận diện thượng hiệu và mở rộng khả năng kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận thông tin và mua thuốc dễ dàng hơn.

VNeID sắp có tính năng mua thuốc trực tuyến

Như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, ngày 13/12, FPT Long Châu và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR) thuộc Cục C06 - Bộ Công an đã tổ chức công bố triển khai dịch vụ xác thực điện tử của nhà thuốc FPT Long Châu qua VNeID. Với sự hợp tác này, người dân sẽ có thể mua thuốc trực tuyến an toàn, tiện lợi thông qua giải pháp kết nối app-to-app giữa ứng dụng Nhà thuốc Long Châu và VNeID.

Đây là một tiện ích thiết yếu để người dân chủ động theo dõi lịch sử khám chữa bệnh, toa thuốc và mua thuốc tập trung trên VNeID. Trong tương lai, khi Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID được triển khai và sử dụng rộng rãi, người dân sẽ được thụ hưởng rất nhiều lợi ích thiết thực.

Thời gian qua, nhiều tiện ích đã lần lượt được triển khai trên VNeID để phục vụ người dân sau những bước kiểm tra, đánh giá, sàng lọc và chuẩn bị thật kỹ càng.

Một tiện ích thiết yếu để người dân chủ động theo dõi lịch sử khám chữa bệnh, đơn thuốc và mua thuốc.

Một tiện ích thiết yếu để người dân chủ động theo dõi lịch sử khám chữa bệnh, đơn thuốc và mua thuốc.

Để triển khai việc mua thuốc trực tuyến trên VNeID, FPT Long Châu đã phối hợp với Trung tâm RAR tích hợp hệ thống, nâng cấp về hạ tầng công nghệ và ứng dụng nhiều giải pháp hiện đại để có thể kích hoạt tiện ích mua thuốc trực tuyến phục vụ người dân trên khắp 63 tỉnh/thành.

Quy trình mua thuốc qua VNeID được tối ưu hóa với các bước đăng nhập nhanh chóng, giúp hoàn tất giao dịch chỉ trong vài thao tác. Giải pháp này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo tính minh bạch, an toàn và bảo mật thông tin nhờ hệ thống công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại, tạo ra sự tiện lợi và an tâm cho khách hàng.

Bên cạnh đó, khi mua thuốc trực tuyến từ VNeID, các cơ quan quản lý có thể định danh được người mua, người bán bằng mã số định danh và các tính năng xác thực; thông tin đơn hàng chi tiết đến từng loại thuốc, thành phần, giá bán, số lượng; ghi nhận được lịch sử giao dịch giữa người mua, người bán. Tình huống có sự cố ngoài ý muốn thì sẽ có thể truy xuất đường đi của hàng hóa một cách chính xác.

Thái Bình/ Ảnh: Huỳnh Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/kinh-doanh-duoc-online-nguoi-dan-duoc-tiep-can-thong-tin-va-mua-thuoc-de-dang-hon-169241215121742679.htm