Kinh doanh giống cây trồng: Cần quản lý chặt
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, toàn tỉnh sử dụng khoảng 1.700 tấn lúa giống, 270 tấn ngô, 850 tấn lạc giống và hàng triệu cây lâm nghiệp, cây ăn quả... Nhiều giống cây trồng mới có chất lượng được đưa vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng người dân mua phải giống cây trồng kém chất lượng vẫn xảy ra, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm nông lâm sản.
Hơn 3 sào ngô vụ hè thu của gia đình ông Đoàn Văn Đường, xóm 5, xã Tân Long (Yên Sơn) khả năng sẽ giảm năng suất, sản lượng do ngô ra nhiều bắp nhưng lại rất ít hạt. Theo ông Đường, vụ ngô năm nay trên diện tích ngô của gia đình rất nhiều cây ra đến 4 bắp, thậm chí là 5 bắp không biết bắp nào chính, bắp nào kẹ. Kinh nghiệm nhiều năm trồng ngô, ông Đường biết những cây ngô cho nhiều bắp năng suất rất kém do cây không đủ chất dinh dưỡng để nuôi bắp cũng như thụ phấn kết hạt. Không chỉ riêng gia đình ông Đường, nhiều hộ trồng ngô của xã Tân Long cũng bị tổn thất do ngô ra nhiều bắp nhưng rất ít hạt.
Trong cuộc kiểm tra diện tích ngô cho nhiều bắp, kết hạt ít tại xã Tân Long, ông Nguyễn Ngọc Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Yên Sơn cho rằng, ngô cho nhiều bắp ít hạt nguyên nhân chính là do giống bị thoái hóa.
Mô hình liên kết trồng hơn 40 ha bạch đàn giữa Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương với người dân cũng đang phải làm hồ sơ để thanh lý sớm, dù mới trồng được 4 năm. Anh Trần Xuân Quảng, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết, năm 2016 keo bị chết, chuyển sang trồng bạch đàn dòng PN2. 2 năm đầu cây phát triển rất tốt nhưng đến năm thứ 3 lá đỏ, xoăn lại và không phát triển. Hiện tại đường vanh của mỗi cây bạch đàn không nổi 20 cm, thậm chí có cây còn 10 cm. Anh Quảng đã mời các giáo sư của Viện Lâm sinh (Bộ Nông nghiệp) lên từng lô rừng để đánh giá, phân tích nguyên nhân được đưa ra là do giống kém chất lượng.
Anh Ma Đức Tiệp, cán bộ thanh tra, Phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 570 cơ sở kinh doanh giống cây trồng. Hiện nay, công tác quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do các văn bản quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh chưa cụ thể, rõ ràng. Ngành vẫn đang áp dụng Pháp lệnh Giống cây trồng từ năm 2004 và Thông tư 18/2012/TT-BNNPTNT quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, trong đó một số điều khoản đã hết hiệu lực. Thêm vào đó, chính quyền các cấp chưa thực sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh giống trên địa bàn quản lý. Cụ thể, mỗi mùa trồng rừng, chỉ các cơ sở quy mô lớn được Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý theo dõi chặt chẽ; đối với các điểm sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ở khắp địa phương vẫn chưa được giám sát, quản lý theo đúng định.
Để hạn chế tổn thất trong sản xuất khi sử dụng các giống cây trồng không đảm bảo chất lượng, ngày 20-6-2018, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1818/UBND-NLN về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các ngành chức năng tổ chức tốt công tác công nhận, quản lý nguồn giống đối với cây trồng; quản lý chặt chẽ chất lượng giống từ khâu sản xuất đến lưu thông, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn. Ngành chức năng thường xuyên công bố công khai các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng đủ điều kiện; danh sách nguồn giống được công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên trang Website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức, cá nhân có nhu cầu về giống biết, lựa chọn sử dụng giống đảm bảo chất lượng.