Kinh doanh hàng giả, hàng nhái: Vì sao vẫn tồn tại?
Mặc dù, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tục kiểm tra, thu giữ và xử phạt, song tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại các địa bàn 'nóng' vẫn tái diễn. Để 'diệt' tận gốc hàng giả cần có sự phối hợp, đồng lòng của các cơ quan chức năng, người dân, đặc biệt sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.
Vẫn công khai bày bán
Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT bày bán công khai tại một số địa bàn, tụ điểm vẫn tiếp tục diễn ra. Điều đáng nói, ngay cả các trung tâm mua sắm lớn, cao cấp, nổi tiếng như Saigon Square, Lucky Plaza, Chợ Bến Thành ngay giữa trung tâm TP. Hồ Chí Minh hay The Manor (Hà Nội) cũng có những “chiêu trò hô biến hàng giả thành hàng thật”, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.
Nhằm tiếp tục đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã trực tiếp chỉ đạo Cục Nghiệp vụ QLTT và Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh (Đội QLTT số 3 và số 4) phối hợp kiểm tra đột xuất 20 quầy hàng tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square và Chợ Bến Thành. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện 1.500 sản phẩm hàng hóa là túi xách, túi đeo, ba lô, ví (bóp), giầy, đồng hồ đeo tay, kính mắt, thắt lưng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Adidas, Gucci, Cartier, Rolex, Calvin Klein, Prada, Montblanc... với tổng trị giá hàng hóa khoảng 146.195.000 đồng.
Tại Lạng Sơn, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Lạng Sơn) cũng đột xuất kiểm tra đồng loạt 3 điểm bán sản phẩm mắt kính giả nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh, phát hiện và thu giữ 110 chiếc kính mắt, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Các sản phẩm đều có dấu hiệu giả các nhãn hiệu Dior, Gucci, Lacoste, Chanel…
Trước đó vào cuối tháng 2, một lượng lớn hàng hóa nghi giả mạo thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Chanel, Gucci, Prada, Hermes, Montblanc Watch, Valentino, Rolex, Cartier… đã bị lực lượng QLTT phát hiện tại 10 cơ sở kinh doanh ở The Manor (khu đô thị Mỹ Đình 1, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Cần sự quyết liệt của chính quyền địa phương
Để giải quyết triệt để vấn nạn này, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đã công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố. Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLcho rằng, việc kiểm tra công khai này giúp chính quyền địa phương biết, vẫn còn tồn tại những tụ điểm như thế tại địa phương. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong vấn đề này. “Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương”- ông Trần Hữu Linh cho hay.
Thực tế, những tụ điểm này không phải mới, mà tồn tại rất nhiều năm nay, hầu như mọi người đều biết. Theo ông Trần Hữu Linh, việc chống hàng giả, hàng nhái cần được đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trước, với cách làm: Tuyên truyền - ký cam kết - kiểm tra - tái kiểm tra. Tổng cục QLTT đã lên phương án tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là hộ kinh doanh không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền SHTT, sau đó hướng dẫn họ cách thức phân biệt hàng giả, hàng nhái. Bước tiếp theo, tiến hành ký cam kết với lực lượng QLTT, thậm chí dán bản ký cam kết ấy tại sạp, ki-ốt để nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các hộ kinh doanh, cửa hàng ấy.
Lực lượng QLTT sẽ lên kế hoạch cụ thể, đồng loạt kiểm tra thường xuyên, liên tục và đột xuất để tránh hiện tượng “cứ lực lượng đi kiểm tra, xử phạt, nộp phạt, sau đó được một thời gian, lại tái bán hàng giả”.