Kinh doanh kiểu 'núp bóng'

Mấy năm gần đây, tình trạng lợi dụng hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện như karaoke, quán bar, nhà nghỉ, khách sạn… để mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép ma túy, mại dâm, đánh bạc… xuất hiện nhiều, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, văn hóa đô thị và đời sống người dân. Tuy nhiên, số vụ việc được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều dư luận quan tâm hơn là việc xử lý các cơ sở vi phạm không triệt để nên sức răn đe không cao và sự phát triển của loại hình kinh doanh kiểu 'núp bóng' đang lan rộng đến cả các thị trấn, thị tứ vốn dĩ bình yên.

Vừa qua, tôi đến công tác tại một địa phương. Khi tiếp xúc với người dân để hỏi thông tin về một số vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự, một ông cán bộ đã nghỉ hưu nói: Nhà báo có biết người dân trong tổ dân phố chúng tôi khổ thế nào không? Mấy năm trước, tuyến phố này còn yên bình, sạch sẽ, nhưng nay, nhiều nhà phải bán nhà đi nơi khác sống chứ không thể sống nổi ở đây. Những hộ như chúng tôi không có điều kiện kinh tế thì cố bám trụ, nhưng tối đến là phải đóng cửa sớm, không dám ra ngoài.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông cán bộ hưu trí liền cầm tay tôi kéo ra đường chỉ vào một số quán karaoke, massage, spa, gội đầu… nói tiếp: Đấy, có một đoạn phố thế thôi mà cả trăm quán, giờ ban ngày thế này thì yên ả lắm, nhưng đêm đến thì tấp nập vô cùng. Quán nào cũng có vài ba cô gái ăn mặc “thiếu vải” đứng cửa đón khách, thấy ai đến là các cô gái kéo ra lả lơi, ôm ấp phản cảm lắm. Nhìn vào ai chả biết đây là các cơ sở mại dâm trá hình. Không chỉ vậy, việc các cơ sở kinh doanh này còn gây mất an ninh, trật tự, tình trạng đánh chửi nhau, sử dụng ma túy dẫn đến ngáo đá, phê ma túy diễn ra thường xuyên.

Tôi hỏi lại, vậy sao người dân trong phố không phản ánh lên cơ quan chức năng về tình trạng này? Ông cán bộ hưu trí phủi tay, nói tiếp: Chúng tôi có ý kiến lên chính quyền rồi, thậm chí tiếp xúc cử tri cũng phản ánh, nhưng cứ lần nào nói nhiều thì tình hình lại im một thời gian, sau đó vài bữa đâu lại vào đấy. Có lần dân chúng tôi phản ánh gay gắt quá thì có đoàn công tác của cơ quan chức năng và chính quyền đi kiểm tra, nhưng không hiểu sao hôm đó tất cả lại im ắng lạ thường, thậm chí các cán bộ còn đem cả máy đo cường độ âm thanh gì đấy để đo và kết luận là cường độ “đề xi ben” không vượt ngưỡng phải xử lý và các cơ sở đều có giấy phép kinh doanh hợp pháp, vậy là hòa cả làng!

Có lần tôi gặp một cán bộ của cơ quan liên quan để phản ánh, vị này còn nói: “Bác ơi, mình là đất du lịch, phải có nhiều dịch vụ thì du khách mới đến và ở lại với mình chứ, nhất là các dịch vụ giải trí như ở phố của bác”. Vậy, nói như anh cán bộ kia hóa ra đất du lịch phải có cả những dịch vụ phản cảm kia sao?

Câu chuyện của ông cán bộ hưu trí vừa kể trên giờ không hiếm gặp ở một số địa phương, thậm chí ngày càng diễn biến phức tạp, với nhiều hoạt động biến tướng. Việc nhiều cơ sở kinh doanh kiểu “núp bóng” quán karaoke, massage, spa, gội đầu… chỉ là hình thức, mục đích chính vẫn là kinh doanh những mặt hàng cấm, ngành nghề “nhạy cảm” mang lại siêu lợi nhuận. Dư luận luôn đặt câu hỏi cho cơ quan chức năng và chính quyền các cấp làm gì để ngăn chặn thực trạng này?

Tùng Lâm

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-de-cung-ban-luan/kinh-doanh-kieu-nup-bong-z89n20191217085332581.htm