Kinh doanh phòng tập thể hình thời COVID-19: Đầu tư 12 tỷ đồng, cắt lỗ chưa được 1/4

Trong hơn 1 năm xuất hiện đại dịch COVID-19, với 2 lần Hà Nội tạm ngừng một số ngành nghề kinh doanh không cần thiết, các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi phòng tập thể hình, phòng gym có lẽ là một trong những loại hình kinh doanh... đen đủi nhất.

Ở thời điểm hiện tại, trong khi UBND Hà Nội đã quyết định nới lỏng một số hoạt động kinh doanh như dịch vụ ăn uống, cà phê, các công viên cũng được mở cửa để đón người dân, thì các phòng tập thể hình vẫn nằm “bất động”, chưa biết bao giờ mới được hoạt động trở lại.

3 phòng thì đóng cửa 1 phòng

Tại nhiều phòng tập thể hình, sau hơn 1 tháng ngừng hoạt động, các máy móc, thiết bị hỗ trợ cho việc tập luyện đã phủ đầy một lớp bụi dày, do lâu không có khách tập luyện.

Ngành kinh doanh phòng tập thể hình đang gặp khó.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, bà Quỳnh Văn, Giám đốc Stellar Fitness khẳng định: Đại dịch COVID-19 chính là “cơn ác mộng” đối với ngành kinh doanh phòng tập thể hình. Và cho tới nay, “cơn ác mộng” này chưa kết thúc.

Bà Quỳnh Văn khẳng định: Ở thời điểm hiện tại, do không có doanh thu, các phòng tập dưới 3 sao, phòng tập bình dân đã đóng cửa vĩnh viễn rất nhiều. Riêng tại Hà Nội, cứ 3 phòng tập, thì có 1 phòng thanh lý máy móc, nhằm gỡ gạc lại chút vốn.

Bà Văn tiết lộ: Tại Hà Nội, có 1 phòng tập 4 sao, thời điểm mới đầu tư là khoảng 12 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 1 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19, chủ phòng tập chấp nhận thanh lý với giá chỉ 4 tỷ đồng, tức là chỉ bằng 1/3 tổng số vốn ban đầu bỏ ra.

Thậm chí, có hiện tượng, do thua lỗ kéo dài, chủ phòng tập phải “bỏ của chạy lấy người”, biếu không cho người khác, hoặc sang nhượng với giá 0 đồng.

Giải thích rõ hơn về hiện tượng này, bà Văn nói: Kinh doanh phòng tập thể hình, điều bắt buộc là phải thuê mặt bằng rộng, tùy thuộc vào phân khúc. Do đó, kinh phí nặng nhất chính là tiền thuê mặt bằng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phải đóng cửa dài ngày như hiện nay, doanh thu không có, khách hàng không có, nhưng chủ phòng vẫn phải “è cổ” ra trả tiền mặt bằng hàng tháng. Đó là còn chưa kể, doanh nghiệp buộc phải có dòng vốn lưu động để chi trả nhân viên chủ chốt, hoặc chi trả cho việc bảo hành, bảo dưỡng máy móc;...

“Đối với doanh nghiệp có dòng vốn kém, để duy trì, chủ phòng bắt buộc phải vay mượn khắp nơi, có người còn vay nặng lãi. Đến một thời điểm nào đó, khi không thể xoay sở được nữa, chủ phòng buộc phải sang nhượng với giá siêu rẻ, thậm chí biếu không người khác, chỉ mong họ gánh hộ các khoản nợ trước đó”, bà Văn nói.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp “mạnh”, kinh doanh chuỗi phòng tập cao cấp, 5 sao cũng phải đối mặt với việc thua lỗ kéo dài, hàng nghìn người động vì thế là mất việc làm.

“Phải tự cứu lấy mình”

Các doanh nghiệp kinh doanh phòng tập thể hình đã trải qua 2 đợt tạm ngừng hoạt động. Đợt 1 là giai đoạn giãn cách toàn xã hội vào đầu tháng 4/2020. Đợt 2 là lần bùng phát dịch thứ 4, xảy ra vào đầu tháng 5/2021 và kéo dài cho tới nay.

Các doanh nghiệp kinh doanh phòng tập thể hình đã trải qua 2 đợt tạm ngừng hoạt động.

Trong hai đợt, thì lần này để lại hậu quả nghiêm trọng hơn, do thời gian kéo dài và chưa biết bao giờ mới hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn giãn cách toàn xã hội, nhờ sự chỉ đạo gắt gao của Chính phủ, cùng một số Bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh phòng tập thể hình đã nhận được một số gói hỗ trợ cần thiết để cầm cự.

Trái ngược, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh phòng tập thể hình đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Bà Quỳnh Văn, Giám đốc Stellar Fitness tiết lộ 3 khó khăn lớn nhất, mà bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh phòng tập thể hình nào đều đang gặp phải.

Thứ nhất là áp lực về tài chính, trong đó, chi phí nặng nhất là tiền thuê mặt bằng, tiền nhà.

Giám đốc của Stellar Fitness cho biết: Trong đợt đầu ngừng hoạt động, nhiều chủ nhà, chủ mặt bằng chấp nhận hỗ trợ giảm tiền thuê nhà, thuê mặt bằng lên tới 40% - 50%, thậm chí là miễn phí vài tháng.

Tuy nhiên, trong đợt này, bản thân các đơn vị cho thuê mặt bằng cũng chịu thiệt hại nặng, sau hơn 1 năm dịch bệnh, vì vậy, hiếm có chủ mặt bằng nào giảm sâu như đợt trước.

Với một số doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng thuê mặt bằng, trước khi dịch bệnh xảy ra, chủ nhà có thiện chí giảm bao nhiêu, thì người thuê phải chấp nhận, không được đòi hỏi quyền lợi. Nếu không, người thuê sẽ phải trả mặt bằng, và mất luôn cả cọc.

Cũng có trường hợp, doanh nghiệp thuê mặt bằng vào thời điểm đã xuất hiện dịch bệnh, trong hợp đồng luôn có quy định rõ ràng về tỷ lệ hỗ trợ, giảm giá thuê, nếu có bất kỳ trường hợp xấu nào xảy ra.

“Với trường hợp này, doanh nghiệp có thể tự thỏa thuận, đàm phán với chủ nhà để nhận được hỗ trợ. Từ đó, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Ngược lại, với những trường hợp đã ký hợp đồng trước năm 2020, và không có điều khoản kèm theo, việc mất cả chì lẫn chài là xảy ra thường xuyên”, bà Văn nói.

Thứ hai liên quan tới vấn đề nhân sự. Các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm tối đa nhân viên, để giảm bớt gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, khi hoạt động trở lại, các phòng tập lại gặp khó khi tuyển dụng lại từ đầu.

Cuối cùng liên quan tới vấn đề tiếp cận với các gói vay với lãi suất ưu đãi. Bà Văn khẳng định: Dù làm việc nhiều lần với các các ngân hàng lớn trong nước, nhưng chẳng ai giang tay ra hỗ trợ họ.

“Tôi đã nhiều lần làm việc với các ngân hàng, để vay với lãi suất ưu đãi. Nhưng khi làm việc cả 10 ngân hàng, thì cả 10 nơi từ chối, do họ không đánh giá cao sự hồi phục của ngành thể hình. Ngay cả khi chúng tôi thế chấp máy móc, họ cũng không đồng ý, vì tỷ lệ thanh lý máy móc phòng tập không cao và rất rẻ”, bà Văn nói.

Chính vì lý do đó, nhiều lãnh đạo đã phải cầm cố nhà cửa, cầm xe hơi để có dòng vốn lưu động, tạm thời cầm cự trước đại dịch.

“Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh phòng tập thể hình phải tự cứu lấy mình, chờ tới ngày được phép hoạt động trở lại. Nhưng để hồi phục trong giai đoạn mới, chúng tôi dự kiến phải mất tới 2 - 3 năm, thậm chí là hơn nữa”, bà Văn chia sẻ.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-doanh-phong-tap-the-hinh-thoi-covid-19-dau-tu-12-ty-dong-cat-lo-chua-duoc-1-4-post141418.html