Kinh doanh thì phải có rủi ro, dù đó là Nhà nước

Đối với doanh nghiệp nhà nước, khi đánh giá cần xem xét tổng thể giá trị họ mang lại chứ không đánh giá từng việc một. Mười quyết định đưa ra, có thể là bảy, tám việc đúng, một, hai việc sai. Đây là thực tiễn trong kinh doanh là phải có được, có mất, không bao giờ được tất cả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói như trên trong buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp sửa đổi. Ông còn nhấn mạnh hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường và quy luật cạnh tranh; can thiệp bằng biện pháp hành chính làm méo mó thị trường và trái với quy luật.

“Kết nối kinh doanh toàn cầu 2024” thu hút gần 100 DN Việt Nam, Nhật Bản và Thái Lan tham dự.

“Kết nối kinh doanh toàn cầu 2024” thu hút gần 100 DN Việt Nam, Nhật Bản và Thái Lan tham dự.

Thật vậy, chỉ cần nhìn vào con số do Tổng cục Thống kê công bố, theo đó mỗi năm có đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa hay phá sản, cũng có thể hình dung làm ăn kinh doanh khó khăn đến mức nào. Đầu tư, kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro và đó là quy luật. Vì vậy, bảo toàn được vốn đã là chuyện không dễ; lãnh đạo doanh nghiệp phải rất xuất sắc thì mười quyết định kinh doanh được đưa ra mới có thể đúng được bảy, tám; đòi quyết đâu phải trúng đó là nhiệm vụ bất khả thi và điều này không bao giờ tồn tại trong nền kinh tế cạnh tranh theo quy luật thị trường.

Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra vấn đề trên khi bàn thảo việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Dù luật pháp Việt Nam không quy định doanh nghiệp có vốn nhà nước phải luôn đúng khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh, nhưng nguy cơ người quản lý hay người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp bị vướng vào vòng lao lý khi thất bại, nhất là khi thất bại với những kế hoạch kinh doanh lớn, vẫn luôn hiện hữu. Điều này gây ra nỗi lo sợ với những người quản lý và điều hành doanh nghiệp. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước thường thấp hơn các thành phần kinh tế khác, cho dù nắm nhiều lợi thế về vốn và thương hiệu.

Theo Bộ Tài chính, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước, bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước, năm 2022 là gần 4 triệu tỉ đồng, trong đó vốn của Nhà nước là 1,845 triệu tỉ đồng - một con số khổng lồ. Nếu đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm “cởi trói” cho nhóm doanh nghiệp này được thực thi, để họ phát huy được hết sức mạnh vốn có của mình, sẽ đem lại động lực phát triển to lớn cho nền kinh tế, còn ngược lại thì sẽ là lãng phí không nhỏ.

Tuy nhiên, để cởi trói cho doanh nghiệp nhà nước thì sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là chưa đủ, mà cần xem xét điều chỉnh thêm nhiều luật khác, bao gồm Bộ luật Hình sự. Với các văn bản pháp luật khác, vấn đề quan trọng là cần giảm hoặc bãi bỏ các quy định mang tính can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp - vốn không chỉ làm khó họ mà còn là mối lo thường xuyên với người quản lý về nguy cơ bị truy tố hình sự với các tội “cố ý làm trái...”. Còn với Bộ luật Hình sự, điều cần xem xét là phân định rõ ràng đâu là rủi ro trong kinh doanh, còn đâu là cố tình làm sai để trục lợi.

Chỉ khi luật pháp được rõ ràng, minh bạch thì những người quản lý doanh nghiệp nhà nước mới không còn lo sợ khi đưa ra các quyết định kinh doanh, khi ấy sức mạnh của doanh nghiệp mới thực sự được giải phóng.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-doanh-thi-phai-co-rui-ro-du-do-la-nha-nuoc/