Kinh hãi 'bóng ma tốc độ' của Không quân Mỹ
Mẫu máy bay siêu thanh không người lái có thể đạt tốc độ 6.437km/h, trở thành máy bay nhanh nhất từng được phát triển.
Theo dự kiến, mẫu máy bay siêu thanh không người lái SR-72 "Con trai Blackbird", sẽ cất cánh lần đầu tiên trong năm 2025. Đây là dự án tối mật của Không quân Mỹ (USAF).
SR-72 được thiết kế để đạt tốc độ hơn 6.437km/h, trở thành máy bay nhanh nhất từng được phát triển.
SR-72 được coi là máy bay kế nhiệm của mẫu SR-71 "Blackbird" từng lập kỷ lục tốc độ vào năm 1974 và ngừng hoạt động năm 1998 sau khi giữ ngôi máy bay có người lái nhanh nhất.
Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đứng đằng sau SR-72 và giao dự án này cho Lockheed Martin. Cho tới nay, SR-72 là vật mẫu công nghệ để xem liệu những đổi mới có thực sự đem lại hiệu quả hay không.
SR-72 có kích thước tương tự SR-71, dài hơn 30m. Mẫu máy bay sẽ đi vào hoạt động năm 2030.
SR-72 được cho là sẽ bay với tốc độ Mach 6, gấp đôi SR-71 ban đầu. Bản thân SR-71 chưa bao giờ bị bắn hạ hoặc bị hư hại vì đã né được hơn 4.000 tên lửa phòng không trong suốt vòng đời của nó.
Với tốc độ Mach 6, SR-72 có thể bay nhanh hơn các máy bay chiến đấu cũng như tên lửa không đối đất của đối phương. Là một chiếc máy bay không người lái, sẽ không cần phải lo lắng về việc phi công có thể bị bắt nếu SR-72 bị đối phương bắn hạ.
Đâu là máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới?
Máy bay chiến đấu nhanh nhất được đưa vào sử dụng là MiG-25, một tiêm kích đánh chặn, trinh sát và ném bom siêu thanh được phát triển ở Liên Xô trong những năm 1960.
Năm 1972, MiG-25 chính thức được Lực lượng Phòng không Liên Xô sử dụng làm vũ khí cho phép Liên Xô chiến đấu với máy bay ném bom và máy bay trinh sát siêu thanh của Mỹ.
Được NATO định danh là “Foxbat”, MiG-25 trở thành máy bay đánh chặn đầu tiên của Liên Xô có khả năng đạt tốc độ Mach 2,83 (khoảng 3.000 km/h).
Vào tháng 8/1977, phi công thử nghiệm của Liên Xô Alexander Fedotov lái chiếc MiG-25 đã lập kỷ lục thế giới về độ cao cho máy bay phản lực (37.650m). Đến nay, kỷ lục này vẫn chưa bị phá vỡ.
Nhiều biến thể khác nhau của MiG-25 đã được Liên Xô xuất khẩu sang các nước khác. Trong khi một số quốc gia vẫn còn trang bị máy bay chiến đấu MiG-25 cho lực lượng không quân, phần lớn các quốc gia sở hữu đã cho nghỉ hưu loại tiêm kích này, trong đó có cả Nga.
MiG-25 cũng được coi là máy bay duy nhất có khả năng đạt tốc độ trên Mach 3.0 hiện đang được các lực lượng không quân trên thế giới sử dụng.
Máy bay nhanh hơn MiG-25?
Máy bay trinh sát SR-71 Blackbird tốc độ cao do Tập đoàn Lockheed chế tạo cho Không quân Mỹ vào những năm 1960, có thể đạt tốc độ Mach 3,4.
Tuy nhiên, SR-71 không phải là máy bay chiến đấu, mặc dù nó hiện được coi là máy bay phản lực có người lái nhanh nhất thế giới.
Máy bay đánh chặn YF-12, do Lockheed thiết kế, cũng được coi là một trong những chiếc tiêm kích có tốc độ nhanh. Chiếc máy bay này, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1963, cũng có thể vượt tốc độ Mach 3. Nhưng không giống như SR-71 Blackbird, YF-12 có thể mang theo một số tên lửa không đối không.
Tuy nhiên, YF-12 chưa vượt qua giai đoạn thử nghiệm nguyên mẫu. Chỉ có 3 chiếc máy bay YF-12 được chế tạo trước khi Không quân Mỹ dừng phát triển dự án này. Trong khi quân đội Mỹ không còn sử dụng YF-12, chiếc máy bay này đã được NASA sử dụng cho mục đích nghiên cứu.
XB-70 Valkyrie là một nguyên mẫu máy bay ném bom chiến lược siêu thanh do North American Aviation phát triển vào thập niên 1950. Valkyrie có khả năng bay lên trên 20.000m và bay với tốc độ Mach 3 và nhanh hơn một chút. Điều này giúp máy bay khó bị tiếp cận bởi máy bay đánh chặn của đối phương.
Mỹ đã dừng phát triển Valkyrie sau khi giới chức nhận thấy máy bay này không thể chống chọi được với các tên lửa đất đối không do Liên Xô sử dụng. Một số chiếc Valkyrie vẫn được sử dụng cho mục đích nghiên cứu cho đến khi loại máy bay này ngừng hoạt động vào cuối những năm 1960.
X-15, máy bay được trang bị tên lửa của Mỹ do North American Aviation thiết kế, mặc dù đã bay lần đầu cách đây hơn 60 năm, đây vẫn là chiếc máy bay có người lái nhanh nhất từng bay.
Máy bay X-15 được chế tạo cho mục đích nghiên cứu và thử nghiệm, có thể bay với tốc độ Mach 6,7. Chỉ có ba chiếc X-15 được chế tạo trước khi loại máy bay này ngừng hoạt động vào cuối những năm 1960.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kinh-hai-bong-ma-toc-do-cua-khong-quan-my-post1604660.tpo