Kinh hãi những bãi thải xỉ nhôm bao vây làng tái chế nhôm lớn nhất miền Bắc

Người dân Văn Môn nhiều năm phải sống chung với môi trường ô nhiễm trầm trọng từ rác thải, khói bụi, nay lại thêm vấn nạn đổ trộm chất thải xỉ nhôm độc hại ra đường.

Video: Khói bụi, rác thải bủa vây "làng ung thư" Mẫn Xá ở Bắc Ninh

Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) được coi là làng nghề tái chế nhôm có quy mô lớn nhất miền Bắc với hơn 300 hộ dân làm nghề cô đúc nhôm.

Nghề thu mua phế liệu, tái chế, cô đúc nhôm những năm qua giúp đời sống kinh tế người dân xã Văn Môn ngày một khấm khá, giàu có. Tuy nhiên, đi kèm với đó là tình trạng rác thải công nghiệp từ việc tái chế, cô đúc nhôm bị đổ tràn ra khắp các ngả đường, cánh đồng, khiến môi trường làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực.

Những lò cô đúc nhôm của hàng trăm hộ dân Mẫn Xá hoạt động suốt ngày đêm, xả khói đen độc hại.

Những lò cô đúc nhôm của hàng trăm hộ dân Mẫn Xá hoạt động suốt ngày đêm, xả khói đen độc hại.

Theo báo cáo của UBND xã Văn Môn, mỗi năm làng Mẫn Xá tái chế ra khoảng 10.000 tấn nhôm thỏi, lượng chất thải xỉ nhôm qua bao năm lên đến hàng trăm nghìn tấn, chất thành núi. Mỗi ngày các hộ ở đây có thể tái chế từ 500kg đến 2.000kg phế liệu. Cứ 1 tấn phế liệu tái chế, người dân thu được từ 700-850kg nhôm, còn lại 150-300kg xỉ nhôm thải loại.

Do chưa có khu xử lý nên người dân thôn Mẫn Xá cứ vô tư mang chất thải xỉ nhôm độc hại ra các bãi đất trống vứt bỏ, tạo ra những ngọn núi rác thải khổng lồ bao quanh làng.

Là một trong nhiều hộ cô đúc nhôm theo hướng truyền thống, ông M.V.K (ở thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn) cho biết, việc cô đúc nhôm thủ công gây ô nhiễm mội trường trầm trọng bởi khi cô nhôm sẽ tạo ra lượng xỉ nhôm, khói bụi rất lớn. Đáng nói, lượng xỉ này lại không có chỗ xử lý nên người dân tự thu gom, mang đi đổ ra các chỗ đất trống.

“Do làng nghề phát triển mà không có chỗ xử lý rác thải nên chúng tôi buộc phải đổ ra ngoài môi trường. Chúng tôi biết việc đổ ra ngoài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe nhưng người dân ở đây không còn lựa chọn khác. Thấy người khác vứt ở đâu thì chúng tôi vứt ở đấy thôi, còn chính quyền cấm đoán thì chúng tôi mang đi đổ trộm”, ông K. nói.

Người dân Mẫn Xá đổ trộm bã, xỉ nhôm ra môi trường khi chưa được xử lý.

Người dân Mẫn Xá đổ trộm bã, xỉ nhôm ra môi trường khi chưa được xử lý.

PV VTC News ghi nhận tại khu vực tỉnh lộ 277, đoạn qua xã Đông Thọ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) thường xuất hiện hàng trăm bao tải lớn, nhỏ chứa xỉ nhôm được đổ trộm xuống ven đường. Uớc tính, mỗi bao chất thải xỉ nhôm này nặng khoảng 40-50kg.

Mặc dù đang trong giai đoạn sửa chữa, nâng cấp nhưng dọc tỉnh lộ 277 qua địa phận thôn Bình An, xã Đông Thọ cũng trở thành nơi đổ trộm xỉ nhôm của những hộ cô đúc nhôm… gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Bình An, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong) cho biết, cứ mỗi sáng bà lại thấy lượng rác thải được chất đầy hơn hôm trước mà không biết là ai đổ để nhắc nhở vì họ toàn đổ trộm vào ban đêm.

Hiện rác thải cứ ngày càng đầy lên, chất thành đống bốc mùi hôi thối khiến cuộc sống cũng như môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ đổ trộm ở các tuyến đường, người dân thôn Mẫn Xá còn mang bã xỉ, xỉ nhôm ra những khu đồng ven làng đổ bừa bãi.

Xỉ nhôm đổ bừa bãi, chất cao như núi khiến cây cối chết khô.

Xỉ nhôm đổ bừa bãi, chất cao như núi khiến cây cối chết khô.

"Trước kia những người cô đúc nhôm ở Mẫn Xá còn mang xỉ nhôm ra đổ một chỗ, nhưng khoảng vài tháng nay họ cứ thấy chỗ nào đất trống đổ được thì họ đổ, từ ven đường đến những các khu đồng. Những chất thải họ mang ra đổ trộm ban đêm, cứ đổ bừa ở đây khiến chúng tôi làm ruộng chán quá rồi. Loại chất thải này giống như đất đèn này khi gặp nước có mùi rất khó chịu, chúng tôi khó canh tác, năng suất giảm", ông Nguyễn Văn Hải (ở thôn Phù Xá, xã Văn Môn) ngao ngán.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Đức Chiều, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ, huyện Yên Phong xác nhận thời gian gần đây trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng người dân đổ trộm chất thải công nghiệp tại các tuyến đường của thôn Đông Bích, thôn Bình An (giáp ranh làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá). Qua kiểm tra có hơn 100 tấn xỉ nhôm đổ tràn lan ra các trục đường, khu đất trống và ven cánh đồng.

"Chúng tôi giao lực lượng công an xã phối hợp với công an xã Văn Môn tuần tra, mật phục để xử lý các đối tượng đổ trộm rác thải sang địa bàn xã Đông Thọ. Các đối tượng đổ trộm rác thải hoạt động rất tinh vi, đổ trộm rác vào những lúc vắng người và liên tục đổi thời gian, khi bị phát hiện là bỏ cả xe máy, xe điện bỏ chạy gây khó khăn cho việc xử lý. Chúng tôi chỉ được phạt hành chính những hành vi đổ trộm rác thải nên tình trạng trên vẫn nhức nhối, gây bức xúc cho người dân", ông Chiều cho biết thêm.

Những bao xỉ nhôm vứt bừa bãi ven tỉnh lộ 277, đoạn qua thôn Bình An, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.

Những bao xỉ nhôm vứt bừa bãi ven tỉnh lộ 277, đoạn qua thôn Bình An, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.

Còn ông Bùi Đức Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết, các hộ sản xuất tại Mẫn Xá chủ yếu theo kiểu hộ gia đình truyền thống, tự phát nên việc kiểm soát ô nhiễm môi trường không được chú trọng. Mỗi ngày, làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá có từ 5 đến 7 tấn xỉ nhôm chưa xử lý được người dân mang ra đổ xung quanh làng.

Dù làng nghề tồn tại trên 50 năm, nhưng đến nay chưa có khu tập kết, xử lý chất thải nên người dân thôn Mẫn Xá cứ vô tư mang ra các bãi đất trống để đổ. Từ tháng 3/2012, sau khi UBND xã Văn Môn rào chắn, không cho người dân đổ xỉ nhôm ra khu đồng Cậy thì người dân bắt đầu mang đi đổ trộm ở các trục đường giao thông, khu đất trống và các cánh đồng ven làng và các các xã lân cận.

"Chúng tôi đang xây dựng cụm công nghiệp làng nghề có diện tích 29,7ha; phấn đấu đưa các hộ cô, đúc nhôm trong cụm dân cư ra ngoài đấy sớm nhất để từng bước khắc phục triệt việc đổ xỉ nhôm ra môi trường. Đồng thời, chính quyền khảo sát vị trí phù hợp để xây dựng nhà máy xử lý chất thải cứng và rác sinh hoạt của xã", ông Thuyên chia sẻ.

Văn Chương - Tiến Dũng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/kinh-hai-nhung-bai-thai-xi-nhom-bao-vay-lang-tai-che-nhom-lon-nhat-mien-bac-ar643108.html