'Kinh hãi' trước bộ lạc sống chung với thi thể đến khi nào con cháu đủ tiền tỷ làm đám ma thì chôn
Những xác chết teo tóp, xám xịt, chỉ còn mỗi bộ khung xương nhưng vẫn mặc quần áo có thể khiến nhiều người rùng mình nhưng với người dân bộ lạc này thì đó là chuyện hết sức bình thường, ngay cả những đứa trẻ cũng không hề run sợ.
Dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, sinh ra là con người, không ai muốn người thân của mình phải ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng quy luật của cuộc sống là thế, sinh - lão - bệnh - tử, đâu ai tránh được, phải học cách chấp nhận sự thật dù không muốn. Người ta vẫn có thể ôm nỗi nhớ bằng những kỷ niệm đã qua hoặc những kỷ vật mà người quá cố để lại, mạnh mẽ sống tiếp để thời gian xoa dịu nỗi đau nhưng chẳng mấy ai lại nghĩ đến việc giữ lại thi thể người đã chết bên mình suốt một thời gian dài như cách bộ tộc này vẫn làm trong suốt hàng ngàn năm qua.
Đó chính là phong tục kỳ lạ của bộ lạc sống ở khu vực miền núi của Indonesia, bộ lạc Toraja - sinh sống trong một thung lũng đẹp như tranh vẽ Londa, nằm cách trung tâm tỉnh Sulawesi, Indonesia 300km về phía nam đảo Sulawesi.
Thống kê của các nhà chức trách Indonesia cho thấy, hiện nay, có khoảng 1 triệu người Toraja sinh sống chủ yếu ở phía nam đảo Sulawesi.
Tuy ở đây có sự pha trộn nhiều tôn giáo khác nhau, phần lớn là Kitô giáo, một số là Hồi giáo... nhưng thế giới quan của họ đều hướng về những thực thể tâm linh. Đối với người Toraja, sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời không phải khi chào đời, ngày sinh nhật hay lễ thành hôn, mà đó chính là cái chết. Người Toraja coi cái chết như là cách để bước vào thiên đường, tìm một thế giới mới giàu có hơn và tốt hơn thế giới hiện tại, vì thế họ rất coi trọng các nghi thức tang lễ.
Trình tự của một đám ma có tên "Rambu Solo" tốn cả tỷ bạc
Bà Martha Kande qua đời ở tuổi 81 do tuổi cao sức yếu. Nếu như ở hầu hết mọi nơi, người ta sẽ làm lễ tang sau 1-2 ngày và chôn cất thi thể cẩn thận thì ở đây, con cháu của bà Kande lại đặt thi thể trong nhà và "sống chung với xác chết teo tóp, xám xịt, khô khốc" suốt 7 tháng, để chuẩn bị cho một đám tang với nhiều nghi lễ phức tạp - vốn là truyền thống lâu đời của người Toraja.
Cô Meyske Latuihamallo, cháu gái của bà Kande cho biết: "Chúng tôi đặt quan tài của bà trong nhà nhưng vẫn mở ra hàng ngày vì chúng tôi chỉ coi bà như người ốm, vẫn mang đồ ăn và nước uống cho bà hàng ngày".
Sau khi người thân qua đời vài ngày, người Toraja sẽ dùng một lớp dung dịch hóa học gọi là formalin (hỗn hợp của formaldehyd và nước) để ướp xác. Bên cạnh đó, quá trình ướp xác còn sử dụng cả dấm chua và lá trà. Dù vậy, mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc, để giảm bớt mùi, người nhà sẽ đặt nhiều cây khô bên trên.
"Một tuần sau, xác chết sẽ không còn bốc mùi hôi thối nữa", hướng dẫn viên người bản địa tên Lisa Saba Palloan nói với phóng viên hãng AFP.
Người Toraja tin rằng một người chỉ hoàn toàn chết và siêu thoát sau đám tang có tên "Rambu Solo" do người thân tổ chức. Vậy nên dù khá giả hay khó khăn, phải đợi bao lâu đi chăng nữa, họ cũng sẽ cố gắng để tổ chức một đám tang cho người quá cố.
Đối với bà Kande, 7 tháng sau ngày bà qua đời, con cháu mới chuẩn bị được cho bà một đám tang "tươm tất".
Con lợn rừng kêu toáng lên khi bị trói, máu tuôn ra từ họng một con trâu tế thần, đó là những cảnh tượng diễn ra trong đám tang mà gia đình bà Kande chuẩn bị để đưa bà sang thế giới bên kia. Sau đám tang Rambu Solo kéo dài 5 ngày, thi thể của bà Kande được đặt trong một cái hang trên núi, nơi hài cốt của người chết được phân chia theo cấp bậc xã hội. Một số ngôi mộ đặt cạnh những con búp bê gỗ mặc trang phục truyền thống - đại diện cho giới quý tộc, trong khi một số thi hài nằm trong quan tài treo trên vách đá vì không đủ diện tích.
Johanes Singkali, cháu trai 72 tuổi của bà Kande, giải thích: "Đây là tập tục do tổ tiên truyền lại. Chúng tôi cố gắng gìn giữ truyền thống thiêng liêng này khỏi bất kỳ tác động nào từ bên ngoài". Mặc dù hầu hết người Toraja theo đạo Kitô giáo, tuy nhiên họ vẫn giữ gìn các truyền thống trước đó bắt nguồn từ niềm tin duy linh.
Họ hàng kéo hàng chục con lợn vào làng để giết mổ, trong khi các thành viên trong nhà nhảy múa. Tới trưa, một con trâu tế phủ bạt xanh được khiêng vào để cắt tiết - nghi thức công nhận cái chết của bà Kande, thịt trâu trở thành bữa tối cho cả làng. Cuối cùng, gia đình đưa linh cữu bà quanh vùng như để từ biệt láng giềng.
Người Toraja quan niệm lễ càng công phu, linh hồn của người chết càng được tới gần với thánh thần hơn. Vậy nên, dù giàu có hay nghèo khổ, con cháu, người thân của những người đã chết vẫn luôn cố gắng làm một đám tang thật "hoành tráng" để tiễn họ về cõi vĩnh hằng. Chưa đủ tiền chưa làm đám tang!
"Chúng tôi từng là những người duy linh, vì vậy chúng tôi chôn cất người quá cố cùng lợn rừng và trâu để họ có phương tiện đưa tới cõi vĩnh hằng. Thật tốn kém và có rất nhiều thứ phải chuẩn bị, toàn bộ họ hàng không thuộc tộc Toraja cũng phải tới dự", ông Singkali nói.
Theo The Sun, thông thường, các gia đình sẽ cần nhiều thời gian để tiết kiệm tiền tổ chức đám tang Rambu Solo. Với những gia đình khó khăn, đám tang có thể "ngốn" khoảng 700 triệu rupiah Indonesia (tương đương 1,1 tỷ đồng), còn đối với gia đình thượng lưu, đám tang có thể tốn khoảng 3 tỷ rupiah (gần 6 tỷ đồng). Trong đó, số tiền để mua trâu là tốn kém nhất. Bởi có tới 100 con trâu sẽ bị hiến tế trong đám tang của một người thuộc tầng lớp quý tộc và khoảng 8 con với tang lễ của một người Toraja thuộc tầng lớp trung lưu.
Đó mới chỉ là những thống kế sơ bộ nhưng đủ để thấy số tiền làm đám tang quá đỗi xa xỉ ở một đất nước có tới hơn nửa dân số sống ở mức 5,5USD một ngày.
Trong khi đó, người Toraja có thu nhập ở mức thấp, họ còn phải lao động vất vả mới kiếm được hơn 1 triệu rupiah mỗi tháng (1,6 triệu đồng), thế nên họ chẳng còn cách nào khác là phải vay ngân hàng để phục vụ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Những người Toraja trẻ tuổi cũng dần bỏ quê để lên thành phố kiếm việc làm.
Đám tang là sự kiện duy nhất để người chết chính thức được lên thiên đàng - một nơi họ gọi là Puya - và gia đình sẽ chấp nhận rằng họ đã chết. Đám tang ở bộ lạc này giống một lễ kỷ niệm hơn là khóc lóc bi ai tiễn đưa người quá cố.
Con cháu càng bảo quản thi thể tốt càng gặp may mắn
Theo phong tục của người Toraja, một thi thể được bảo quản tốt sẽ mang lại may mắn, vì vậy gia đình sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo những người đã chết vẫn ở trong trạng thái tốt nhất có thể.
Trước khi đám tang Rambu Solo diễn ra, xác chết được bọc trong chăn và đặt trên giường. Những gia đình giàu có hơn sẽ đặt xác chết nằm trong một tongkonan - gọi là ngôi nhà tổ tiên. Tongkonan có kiến trúc cổ điển với mái nhà hình chiếc thuyền để nước mưa chảy ra. Họ sẽ ở lại như thế trong thời gian rất lâu cho đến khi đám tang được chính thức tổ chức, thời gian có thể kéo dài nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ.
Yohana Palangda, một phụ nữ người Toraja đã trả lời phỏng vấn với National Geographic, về lợi ích của phong tục giúp giảm đau buồn cho mọi người khi nhà có người chết: "Mẹ tôi đột ngột qua đời, vì vậy chúng tôi chưa sẵn sàng để bà ra đi. Tôi không thể chấp nhận việc chôn cất bà quá nhanh".
Đào mộ để gặp người đã chết, thay quần áo mới cho sạch sẽ
Khi đã làm đám tang thì ai cũng nghĩ rằng đó sẽ là lần cuối được nhìn thấy người đã khuất nhưng đối với người Toraja thì ngay cả khi người chết đã được chôn cất thì đó cũng không phải là lần cuối gia đình được gặp họ.
Bạn bè và gia đình dù ở phương xa cũng cố gắng tụ họp đông đủ vào dịp này để gặp lại người đã mất. Đây cũng là dịp để con cháu, những đứa trẻ trong nhà có cơ hội được gặp tổ tiên, ông bà của mình. Họ chẳng ngại chụp ảnh cùng xác chết để kỷ niệm. Sau ngày kỷ niệm ấy, người chết sẽ được đưa trở lại quan tài và người thân sẽ để lại một số món đồ mới như đồng hồ, trang sức để họ dùng.
Phong tục kỳ dị rùng rợn nhưng lại là "mỏ vàng" thu hút khách du lịch
Các nhà nghiên cứu cho rằng những nghi thức này của người Toraja được bắt đầu từ năm 9 sau Công Nguyên. Phong tục kì lạ này thu hút không ít sự quan tâm của truyền thông nước ngoài, các nhà nghiên cứu lịch sử và cả du khách, đặc biệt là ở châu Âu và Úc.
Nghi thức này không dành cho những người yếu tim, nhưng chàng thanh niên 29 tuổi người Mỹ Ellie Eshleman, lại có cái nhìn khá triết lý: "Tôi đam mê tìm hiểu về cái chết. Tôi muốn giúp khôi phục vị thế tâm linh của nó trong thế giới phương Tây. Vì thế tôi đến đây để xem những tập tục dành cho người quá cố, tìm hiểu cách một đám tang trở thành lễ kỷ niệm như vậy".
Chính phủ Indonesia đang nỗ lực quảng bá tập tục của bộ tộc Toraja nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch ở đảo quốc này. Ít ai biết rằng, khu vực người Toraja sinh sống đón hàng chục nghìn lượt khách hàng năm.
Việc phát triển du lịch Toraja vẫn vấp phải nhiều rào cản dù người dân bản địa dường như không phản đối. Bởi cơ sở hạ tầng nghèo nàn và không có sân bay khiến việc di chuyển lên vùng núi này trở nên vô cùng khó khăn. Hơn nữa, du khách khó lòng lên kế hoạch để tận mắt chứng kiến Rambu Solo, bởi ngày giờ có thể thay đổi nếu gia đình không có đủ tiền tổ chức.
Dẫu vậy, nhiều du khách vẫn bất chấp tất cả, chớp cơ hội vàng lái xe hàng giờ từ sân bay gần nhất để tham dự một trong những nghi thức tâm linh độc đáo nhất thế giới.
Harli Patriatno, giám đốc Sở văn hóa và du lịch của vùng Bắc Toraja, phát biểu: "Toraja là thiên đường hạ giới. Vẻ đẹp tự nhiên kết hợp với những nghi thức tâm linh của người Toraja là điều vô cùng ấn tượng và hết sức phi thường".