Kinh hoàng hủ tục 'Giết người danh dự' ở các đất nước Hồi giáo

Hủ tục 'Giết người danh dự' - (honour killing) ở nhiều nước Hồi giáo như Pakistan, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ấn Độ... luôn là nỗi ám ảnh của những phụ nữ nơi đây. Chỉ trong vòng 5 năm qua, đã có hàng nghìn người phụ nữ bị ném đá, bị đập chết bởi chính người thân trong gia đình như chồng, anh em trai, cha.

Những cái chết vì danh dự...

Tháng 9/2004, khi cô Samia Sarwar - 29 tuổi, bị bắn chết ngay trong một văn phòng luật sư đã khiến cho dư luận thế giới chú ý. Kẻ ra lệnh bắn chết Samia Sarnar chính là bố mẹ cô sau khi cô quyết định ly dị chồng. Sự việc nghiêm trọng đến mức Tổng thống Penvez Musharraf hồi đó phải tung ra chiến dịch chống nạn "giết người danh dự".

Năm 2010, tại Ấn Độ, nữ nhà báo Nirupama muốn thành hôn với một nhà báo khác nhưng người thanh niên này lại thuộc đẳng cấp thấp hơn nên gia đình đã phản đối. Tuy nhiên, Nirupama đã mang thai. Sau khi về nhà với cố gắng cuối cùng nhằm thuyết phục gia đình, Nirupama Pathak nhắn tin với bạn trai là cô đang bị gia đình nhốt trong buồng tắm và khóa chặt cửa. Ngày 29/4/2010, người ta phát hiện Nirupama đã chết.

Một vụ "Giết người danh dự"

Một vụ "Giết người danh dự"

Gia đình tuyên bố Nirupama tự sát, và còn đệ đơn kiện bạn trai của nữ nhà báo xấu số tội cưỡng bức và xúi giục tự sát. Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Nirupama chết do ngạt thở. Cảnh sát đã bắt giữ người mẹ ác độc Sudha Pathak. Vụ án hiện đang được tòa án xét xử công khai. Vụ án này sau đó đã đẩy vấn đề giết người vì danh dự vào trung tâm các cuộc tranh cãi của mọi người dân Ấn Độ.

Gần đây, vào ngày 27/5/2014 dư luận thế giới lại kinh hoàng trước vụ giết người vì danh dự ở Pakistan. Nạn nhân là Farzana Iqbal, 25 tuổi, đang mang thai tháng thứ ba. Farzanal Iqbal đã bị nhiều người, kể cả các thân nhân trong gia đình của cô ném đá cho đến chết ở bên ngoài Tòa Thượng Thẩm Lahore hôm thứ Ba.

Nguyên nhân đưa đến sự việc dã man là vì cô đã kết hôn với người đàn ông mà cô yêu thương thay vì với người mà gia đình đã chọn. Farzana bị đa chấn thương, nặng nhất ở vùng đầu và đã tử vong trước khi được đưa tới bệnh viện. Sau khi cô con gái bị ném đá đến chết, gia đình Farzana đã bỏ trốn trừ cha cô thừa nhận gây ra cái chết của con gái chỉ vì “danh dự”.

Mỗi năm gần 1000 người bị giết

Hãng Mirror thông tin, theo thống kê của tổ chức nhân đạo Aurat Foundation, hàng năm ở Pakistan có khoảng 1000 phụ nữ bị chính gia đình mình giết chết với lý do tương tự. Con số này trên thực tế còn cao hơn như vậy. Những cuộc hôn nhân không do gia đình sắp đặt thường không thể chấp nhận được về mặt văn hóa trong một số khu vực ở Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập... Trong khi gia đình nạn nhân hầu hết đều đồng tình, thậm chí tiếp tay với những kẻ đã xúm vào ném chết con, cháu họ.

Biểu tình chống "Giết người danh dự" ở các đất nước Hồi giáo

Biểu tình chống "Giết người danh dự" ở các đất nước Hồi giáo

Đối với xã hội Pakistan, ở đây họ không thể dung thứ tội zina (ngoại tình hay quan hệ tình dục trước hôn nhân). Theo luật Zina, phụ nữ (cả đàn ông) mắc tội sẽ bị ném đá đến chết hay đưa ra nơi công cộng để chịu hình phạt đánh 100 roi. Tại Pakistan, theo “lý thuyết” phụ nữ mắc tội zina sẽ bị chính quyền bắt giam chờ ngày xét xử. Tại trại giam họ học kinh Koran, may thêu và hình thức giải trí duy nhất được cho phép là xem truyền hình.

Trong thực tế, nạn nhân thường bị xử “nội bộ” trước khi sự việc đưa ra chính quyền. Nếu phạm tội lớn như zina thì chịu hình phạt đã đành, có những trường hợp không hề cần gì mấy đến “danh dự” và “gia phong” nhưng nữ giới càng bị "trừng phạt'' một cách vô lý. Chẳng hạn, nếu một cô gái trốn nhà để tránh cuộc hôn nhân sắp đặt, bố cô lập tức trình báo và lúc đó cảnh sát lại săn lùng cô hệt như một tội phạm!

Thật khó có thể tưởng tượng ở thế giới của thế kỷ 21 lại tiếp tục tồn tại những bi kịch vô nhân đạo như vậy.

Kim Oanh

(Tổng hợp từ Mirror, Guardian, BBC)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/the-gioi/kinh-hoang-hu-tuc-giet-nguoi-danh-du-o-cac-dat-nuoc-hoi-giao-20140531065253478.htm