Kinh hoàng thủy quái dài 10 m, răng đủ nghiền nát rùa biển

Những con cá mập trắng khổng lồ ngày nay vẫn ít nguy hiểm hơn nhiều so với loài thủy quái tổ tiên vừa được khai quật.

Hóa thạch gần như nguyên vẹn hoàn toàn của một loài thủy quái 76 triệu tuổi được phát hiện trong mỏ đá vôi ở Nuevo Léon - Đông Bắc Mexico đã đem lại một cái nhìn rùng mình về những gì từng sống chung với khủng long trên một "địa cầu quái vật" kỷ Phấn Trắng.

Nó được xác định là một loài cá mập đã tuyệt chủng thuộc chi Ptychodus, nhưng đáng sợ hơn tất cả các loài cá mập đang hiện hữu ngày nay rất nhiều.

Thủy quái kỷ Phấn Trắng là một con cá mập khổng lồ - Ảnh: Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences

Thủy quái kỷ Phấn Trắng là một con cá mập khổng lồ - Ảnh: Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences

Tác giả chính - Romain Vullo, nhà nghiên cứu tại Géosciences Rennes (Pháp), nói với Live Science qua e-mail: “Việc phát hiện ra các mẫu vật Ptychodus hoàn chỉnh thực sự rất thú vị vì nó giải quyết được một trong những bí ẩn nổi bật nhất về cổ sinh vật có xương sống”.

Những con cá mập thuộc chi Ptychodus được phát hiện lần đầu tiên vào giữa thế kỷ XVIII. Các mô tả về chi này chủ yếu dựa trên răng của chúng - có thể dài gần 55 cm và rộng 45 cm được tìm thấy ở nhiều trầm tích biển kỷ Phấn Trắng.

Con thủy quái được khai quật ở Mexico lần đầu tiên cung cấp "chân dung" đầy đủ của chúng.

Nó cho thấy một thân hình dài đến 10 m, được bảo quản với hình dáng như đang bơi trong phiến đá cổ đại.

Ảnh đồ họa mô tả loài thủy quái đã tuyệt chủng ở Mexico - Ảnh: Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences

Ảnh đồ họa mô tả loài thủy quái đã tuyệt chủng ở Mexico - Ảnh: Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences

Cá mập Ptychodus có họ hàng gần gũi với cá mập trắng khổng lồ ngày nay, nhưng hóa thạch này cho thấy vị tổ tiên này là sát thủ đáng sợ hơn thế hệ sau rất nhiều.

Đáng chú ý nhất đối với loài này vẫn là hàm răng nhiều lớp tiến hóa để thích nghi với các loài động vật có vỏ cứng.

Thức ăn yêu thích của chúng là những con rùa biển và các động vật có vỏ cứng cỡ lớn đã tuyệt chủng khác.

Ptychodus chiếm một hốc sinh thái đặc biệt ở vùng biển cuối kỷ Phấn Trắng vì nó là loài cá mập duy nhất thích nghi với việc ăn những con mồi có vỏ cứng như rùa.

Điều này có thể giải thích tại sao nó tuyệt chủng khoảng 10 triệu năm trước sự kiện tuyệt chủng do thiên thạch Chicxulub gây nên kết thúc kỷ Phấn Trắng.

Theo các tác giả, vào cuối kỷ Phấn Trắng, siêu cá mập này có thể phải cạnh tranh những con mồi vỏ cứng yêu thích với loài thương long, một nhóm bò sát biển khổng lồ đạt đến giai đoạn hoàng kim vào thời điểm đó, với nhiều loài kích thước to lớn hơn cả Ptychodus.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-hoang-thuy-quai-dai-10-m-rang-du-nghien-nat-rua-bien-196240424114028238.htm