Trận Trường Bình diễn ra từ năm 262 TCN - 260 TCN, là trận đánh lớn giữa nước Tần và nước Triệu thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Trong trận này tướng Bạch Khởi của nhà Tần đã giết 400.000 hàng binh nhà Triệu. Phía sau vụ thảm sát này có một khía cạnh đạo đức ít được nhắc đến.
Theo đó, Bạch Khởi đã đồng ý tha chết cho những người lính Triệu bại trận, họ mới đầu hàng. Tuy vậy, quân Triệu đầu hàng quá đông, đông hơn của quân Tần, nên Bạch Khởi lo lắng rằng sẽ không thể kiểm soát được họ. Ông đã bàn với thuộc tướng của mình là sẽ giết hết số hàng binh này.
Một kế hoạch đánh lừa công phu đã được thực hiện. Bạch Khởi đem hàng binh Triệu chia làm mười doanh, sai 10 viên tướng Tần thống suất, hợp với 20 vạn quân Tần, ban cho trâu rượu, ăn uống.
Bạch Khởi cho truyền tin rằng người thuộc quân Triệu nào khỏe mạnh đánh trận được, thì cấp cho khí giới và đem về nước Tần sai dụng, còn người già yếu đều cho về Triệu. Quân Triệu mừng rỡ, không mảy may nghi ngờ.
Đêm ấy, Bạch Khởi truyền mật lệnh cho 10 viên tướng rằng: Quân Tần đều dùng vải trắng phủ đầu, nếu đầu không có vải trắng, thì tức là quân Triệu, đều phải giết đi.
Quân Tần theo lệnh, cùng ra tay một lúc. Hàng binh nước Triệu khi biết bình đã mắc bẫy, dù đông nhưng lại không có khí giới, nên đều bó tay chịu chết.
Có nhiều mô tả khác nhau về cách thức quân Tần thảm sát đối phương. Nhiều tài liệu cho rằng quân Tần đã dồn hàng binh xuống các hố lớn và chôn sống họ, nhưng cũng có nguồn viết họ chết vì bị chém giết.
Đánh giá về sự kiện này, các sử gia hậu thế cho rằng, việc giết người trong chiến tranh là khó tránh khỏi, nhưng giết những người đã đầu hàng, đặc biệt là khi đã tuyên bố tha chết cho họ, là một việc làm phi đạo đức, một tội lỗi lớn...
T.B (tổng hợp)