Kinh ngạc hóa thạch ấu trùng 500 triệu năm tuổi

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra bộ não của nhóm động vật lớn nhất còn nguyên vẹn sau khi tìm thấy hài cốt của một sinh vật cực nhỏ giống loài giun sống cách đây nửa tỷ năm.

Bản quét hóa thạch ấu trùng nguyên thủy (Youti yuanshi). (Ảnh: Yang Jie/Zhang Xiguang)

Bản quét hóa thạch ấu trùng nguyên thủy (Youti yuanshi). (Ảnh: Yang Jie/Zhang Xiguang)

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, sinh vật này chết khi vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, hay giai đoạn ấu trùng, và thuộc về một loài mới có tên là Youti yuanshi (ấu trùng nguyên thủy).

Y. yuanshi sinh sống ở biển Cambri và góp phần tạo ra các loài chân khớp như côn trùng, nhện và cua. Mặc dù chỉ có kích thước bằng một hạt cát, hóa thạch này được bảo quản cực kỳ tốt, tiết lộ những chi tiết chưa từng thấy trước đây giúp giải thích cách các loài chân khớp phát triển bộ não phức tạp.

Tác giả chính của nghiên cứu Martin Smith , phó giáo sư ngành cổ sinh vật học tại Đại học Durham ở Anh, cho biết: "Ấu trùng rất nhỏ và mỏng manh, những tưởng sẽ không bao giờ có cơ hội tìm thấy hóa thạch của nó".

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phục hồi hóa thạch từ khối đá Yu'anshan ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Họ đã quét hóa thạch bằng tia X để tạo ra hình ảnh 3D ảo về cấu trúc bên trong của nó. Theo nghiên cứu, hình ảnh cho thấy một bộ não và hệ tuần hoàn nguyên thủy, bao gồm dấu vết của các dây thần kinh cho chân và mắt đơn giản của ấu trùng.

Nhà nghiên cứu Smith cho biết: "Tôi đã biết rằng hóa thạch đơn giản giống loài giun này có gì đó đặc biệt, nhưng khi tôi nhìn thấy những cấu trúc tuyệt vời được bảo quản dưới lớp da của nó, tôi thực sự kinh ngạc - làm sao những đặc điểm phức tạp này có thể tránh được sự phân hủy và vẫn còn ở đây để chúng ta chiêm ngưỡng sau nửa tỷ năm?"

Trong khi các nhà nghiên cứu không biết chắc làm thế nào mà loài động vật này lại trở thành một hóa thạch đặc biệt như vậy, thì tại một thời điểm nào đó ngay sau khi chết, các mô mềm của nó đã được thay thế bằng phosphate và được bảo quản trong đá. Smith nói rằng, phải có hàm lượng phốt pho cao hơn trong nước, cung cấp nguyên liệu thô để các tế bào của sinh vật này chuyển đổi thành khoáng chất phosphate.

Sự bảo tồn đặc biệt này cho phép các nhà nghiên cứu quan sát được nhiều hơn về giải phẫu của một loài chân đốt thời kỳ đầu so với bình thường. Những bộ não đặc biệt này cho thấy các sinh vật có thể áp dụng nhiều lối sống khác nhau, bao gồm cả việc trở thành những kẻ săn mồi tinh vi.

Hà Thu

Theo Live Science

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kinh-ngac-hoa-thach-au-trung-500-trieu-nam-tuoi-post1659975.tpo