Kinh nghiệm 'cán đích' ở Bảo hiểm xã hội huyện Đà Bắc

Đến hết tháng 10/2020, BHXH huyện Đà Bắc đã phát triển được 648/750 người tham gia BHXH tự nguyện, số thu BHXH tự nguyện đạt trên 1,3/1,5 tỷ đồng kế hoạch giao. Đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn huyện chỉ còn 0,6%. Đây sẽ là đơn vị BHXH cán đích đầu tiên trên toàn tỉnh.

 Cán bộ ngành BHXH huyện Đà Bắc "bám làng, bám dân”, gặp gỡ, tiếp xúc với các nhóm đối tượng tiềm năng để tư vấn tham gia BHXH tự nguyện.

Cán bộ ngành BHXH huyện Đà Bắc "bám làng, bám dân”, gặp gỡ, tiếp xúc với các nhóm đối tượng tiềm năng để tư vấn tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng chí Phạm Xuân Hạnh, Phó Giám đốc BHXH huyện cho biết: Trong những năm gần đây, chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH tự nguyện được ngành chú trọng. Năm 2020, BHXH huyện được BHXH tỉnh giao phát triển 750 đối tượng. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với ngành, bởi Đà Bắc là huyện vùng cao, vùng xa, dân số chỉ 55 nghìn người, dân cư phân bố rải rác, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, dẫn đến những rào cản về ngôn ngữ, gây khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, dân trí, nhận thức của đồng bào các dân tộc còn hạn chế, ảnh hưởng phần nào việc tiếp thu và hiểu rõ chính sách BHXH tự nguyện. Đặc biệt, người dân làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định, không đủ điều kiện kinh tế tham gia BHXH, có những trường hợp đã tham gia, nhưng việc đóng tiền thường bị ngắt quãng, hoặc dừng hẳn.

Trước những thách thức đó, ngay từ đầu năm, BHXH huyện giao chỉ tiêu đến các đại lý thu, trong đó, yêu cầu mỗi tháng mỗi đại lý phải vận động được tối thiểu 1 đối tượng tham gia mới. Tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng, ban tuyên truyền đến tận thôn, xóm bằng hình thức hội nghị, loa tuyên truyền 2 lần/tuần. Đa dạng hình thức truyền thông, nhân viên đại lý thu "bám làng, bám dân”, khảo sát, chọn đối tượng, lập kế hoạch gặp gỡ, tiếp xúc với các nhóm đối tượng tiềm năng, tư vấn cho người dân hiểu được những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Nhân viên đại lý thu đã tổ chức hàng nghìn cuộc tới hộ gia đình "đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động để người dân tham gia BHXH tự nguyện. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, nhấn mạnh những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Như thu nhập 1 tháng chỉ có 1 triệu đồng nên đóng BHXH bao nhiêu, sau mấy năm được bao nhiêu... Nội dung ngắn gọn, dễ nhớ lợi ích của BHXH tự nguyện.

BHXH huyện xây dựng cán bộ UBND xã kiêm nhiệm đại lý thu cho ngành, với phương châm đại lý thu là "cầu nối” quan trọng giữa cơ quan BHXH với người dân trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đến nay, ngành đã thành lập được 9/17 đại lý tại UBND các xã, thị trấn. Để nâng cao hiệu quả đại lý thu BHXH, BHYT, BHXH huyện thường xuyên tổ chức lớp đào tạo nhân viên đại lý thu kịp thời hiểu rõ quy định mới, phương pháp tuyên truyền hiệu quả để người dân tích cực tham gia và phối hợp tốt với các đại lý thu BHXH, BHYT tập trung tuyên truyền theo cụm, thôn. Trước hết, lựa chọn những thôn có điều kiện thuận lợi, cùng với cán bộ thôn, cán bộ văn hóa xã đến từng nhà để tư vấn, giải thích. Là huyện có người dân tộc chiếm tỷ lệ trên 90% dân số, do vậy, cán bộ ngành bám sát đội ngũ cán bộ cơ sở để tuyên truyền.

Trong công tác thu nợ, ngành triển khai việc đôn đốc thu hàng tháng các đơn vị sử dụng lao động qua điện thoại, gửi thông báo bằng văn bản trích dẫn chế tài pháp lý… Chuyển hồ sơ những đơn vị cố tình chây ỳ để tiến hành thanh tra chuyên ngành, đột xuất. Đồng thời, BHXH huyện báo cáo tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN cho UBND huyện. Từ đó, UBND huyện gửi công văn chỉ đạo đóng BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định, đánh giá thi đua khen thưởng của đơn vị vào cuối năm. Cùng với công tác phát triển đối tượng, thu nợ, BHXH huyện chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, công nghệ thông tin, tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia các loại hình bảo hiểm.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/147312/kinh-nghiem-can-dich-o-bao-hiem-xa-hoi-huyen-da-bac.htm