Kinh nghiệm chạy bộ an toàn

Phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam thu hút hàng vạn người tham gia. Các giải chạy liên tục được tổ chức nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp vận động viên gặp vấn đề sức khỏe, có trường hợp đã tử vong. Để giảm thiểu những sự cố đáng tiếc này, các chuyên gia, nhà quản lý, tuyển thủ quốc gia chia sẻ kinh nghiệm cũng như đưa ra các giải pháp để chạy bộ là môn thể thao giúp người tập tăng cường sức khỏe nhưng phải đặt sự an toàn lên hàng đầu.

Để tránh biến cố không may khi tham gia những giải thể thao như chạy marathon, các vận động viên cần sự chuẩn bị kỹ.

Để tránh biến cố không may khi tham gia những giải thể thao như chạy marathon, các vận động viên cần sự chuẩn bị kỹ.

Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (VAF) Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: "Ở bất cứ giải chạy nào, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho vận động viên cần đặt lên hàng đầu, trong đó quan trọng nhất là khâu an toàn về sức khỏe cho người chạy. Hiện ở tất cả các giải marathon, quy định để tham dự khá cụ thể. Đó là vận động viên chuyên nghiệp hoặc chân chạy phong trào khi tham gia phải ký cam kết với ban tổ chức tự chịu trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề sức khỏe của bản thân trong lúc thi đấu. Nghĩa là, trách nhiệm của nhà tổ chức cùng trách nhiệm của người tham dự được phân định rõ ràng. Với các giải chuyên nghiệp (như giải điền kinh vô địch quốc gia), các vận động viên phải có giấy khám sức khỏe. Nhưng với giải phong trào, thành phần tham gia giải đấu này thường rất đa dạng, có thể người chạy đến từ nhiều quốc gia, nên khó có thể đòi hỏi giấy khám sức khỏe của cá nhân được”.

Vận động viên Giang Ngọc Hoa (phường Phúc Đồng, quận Long Biên) - một chân chạy phong trào marathon có thâm niên gần 10 năm cho biết: “Đa số trường hợp đột quỵ là do vận động viên không kiểm soát được cơ thể mình khi thi đấu. Phải thường xuyên kiểm tra nhịp tim mình khi chạy xem có đáp ứng được cường độ chạy không. Để có thể chạy được cự ly marathon 42km, cần tập luyện hằng ngày, mỗi ngày một chút, để có sức khỏe, sức bền. Từ chạy 5km, có thể nâng dần 10km, 15km và dần dần tới 42km. Không thể sốt ruột để chạy theo thành tích được. Chỉ có vận động viên chuyên nghiệp họ mới biết thể lực mình chạy được tốc độ bao nhiêu mà thôi”.

Còn theo vận động viên Trần Văn Đảng (đội tuyển điền kinh Hà Nội), trước khi chạy, vận động viên cần phải khởi động rất kỹ bên cạnh việc kết hợp sử dụng dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó các vận động viên cần phải làm quen với đường chạy và điều kiện thi đấu. Đặc biệt các giải ở Việt Nam thường thi đấu đường nhiều dốc và thời tiết nắng nóng nên bước chuẩn bị rất quan trọng nếu không sẽ bị chấn thương, sốc nhiệt... khi tranh tài.

Bất kỳ một hoạt động thể thao nào, nhất là ở những giải thể thao như chạy marathon, việc kiểm tra sức khỏe trước khi thi đấu là bắt buộc. Và để không xảy ra những điều đáng tiếc thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban tổ chức giải đấu và vận động viên tham gia. Chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy cho rằng: “Vận động viên tham dự chạy phải biết khả năng của bản thân nhưng không ai nói trước được điều gì. Để tránh được những rủi ro, việc tính toán các điểm chốt có đội ngũ tiếp nước và đội ngũ y tế trên đường rất quan trọng và phải được tính toán phù hợp để nếu cần sơ cứu thì phải có mặt nhanh nhất. Sơ cứu ban đầu luôn là thời điểm vàng để cứu người".

Bác sĩ Ngô Tiến Thái - Chuyên gia tim mạch, thường xuyên hỗ trợ y tế cho các sự kiện thể thao từ năm 2021, điều hành y tế cho các giải chạy marathon cho hay, hiện nay mỗi giải marathon đều có một bộ phận hỗ trợ y tế cho các vận động viên với đầy đủ xe cấp cứu và các thiết bị hỗ trợ sơ cứu tại chỗ cho các vận động viên. Nhưng để tránh biến cố không may thì các vận động viên cần sự chuẩn bị kỹ từ chính bản thân, đồng thời có phối hợp của vận đông viên và Ban tổ chức. Khi có sự cố xảy ra, nếu chúng ta có đủ nguồn lực, thời gian để cấp cứu sẽ đem lại những điều tốt nhất cho bệnh nhân.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký VAF Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hiện bộ Tiêu chuẩn do VAF xây dựng để áp dụng cho các sân chơi phong trào sẽ nâng cao, bảo đảm an toàn sức khỏe cho các vận động viên. VAF đã xây dựng bộ Tiêu chuẩn về an ninh, an toàn ở các giải chạy và sẽ gửi cho Ban tổ chức các giải đấu từ quý II-2024. Bộ tiêu chuẩn này quy định rất chi tiết vấn đề sơ cứu, cứu thương nếu xảy ra sự cố, hay bảo đảm an toàn về sức khỏe cho vận động viên.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kinh-nghiem-chay-bo-an-toan-664127.html