Kinh nghiệm của Singapore trong việc bảo vệ nhân viên y tế khỏi COVID-19
Trong cuộc chiến chống COVID-19, nhân viên y tế tại nhiều quốc gia trên thế giới đã đối mặt rủi ro lớn. Tại Singapore, lực lượng nhân viên y tế tại đây có tỷ lệ lây nhiễm vô cùng thấp, vậy bí quyết của 'đảo quốc Sư tử' là gì.
Giờ làm việc dài căng thẳng, thiếu thiết bị bảo hộ… là những nguyên nhân gây khó khăn cho nhân viên y tế trên khắp thế giới trong cuộc chiến chống virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết tại Tây Ban Nha, có hơn 5.400 nhân viên y tế đã nhiễm SARS-CoV-2, chiếm 14% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này.
Tại Italy, nơi có trên 97.000 ca nhiễm, một bác sĩ đã thiệt mạng do không còn lựa chọn khi phải làm việc thiếu găng tay.
Nhân viên y tế tại Mỹ trong khi đó cho biết các cơ sở điều trị đang thiếu hụt khẩu trang, máy hô hấp nhân tạo.
Trong khi đó, Singapore đã ghi nhận 844 trường hợp mắc COVID-19 nhưng chỉ có vài nhân viên y tế tại nước này lây nhiễm bệnh.
Các bác sĩ cho biết Singapore đã có kinh nghiệm từ đại dịch SARS khi nhân viên y tế nước này chiếm 41% trong tổng số 238 ca nhiễm.
Ngay khi xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, các bệnh viện tại Singapore yêu cầu nhân viên ngừng kế hoạch du lịch hoặc nghỉ việc. Bên cạnh đó, những bệnh viện còn chia lực nhân viên thành các nhóm để đảm bảo duy trì đủ nhân lực khi dịch COVD-19 tồi tệ hơn và đảm bảo họ có thời gian nghỉ ngơi.
Tại Bệnh viện Đa khoa Singapore, các bác sĩ được chia thành nhóm 21 người, mỗi nhóm thực hiện ca trực 12 tiếng đồng hồ và không giao tiếp với nhóm khác để tránh lây lan dịch bệnh.
Từ năm 2005, Singapore đã hình thành Kế hoạch Chuẩn bị và Phản ứng đối với Đại dịch cúm. Trong kế hoạch này có chú ý tới kho thiết bị để tránh tình trạng thiếu hụt, một bài học từ dịch SARS.
Các bệnh viện Singapore còn thường xuyên tổ chức diễn tập tình huống xử lý dịch bệnh hoặc đối phó với khủng bố với sự giám sát của Bộ Y tế.
Trong tài liệu về chuẩn bị cho đại dịch xuất bản năm 2008, chuyên gia y tế công cộng Jeffery Cutter cho biết Singapore có đủ nguồn cung thiết bị bảo hộ y tế trong 5-6 tháng đối với các nhân viên y tế ở tiền tuyến.
Singapore có 13.766 bác sĩ, tương đương 2,4 bác sĩ/1.000 dân. Tỷ lệ này tại Mỹ là 2,59, ở Trung Quốc là 1,78 và Đức là 4,2.
Một trường hợp hy hữu là 41 nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Singapore đã đứng ở khoảng cách dưới 2m với bệnh nhân khi thực hiện quy trình đặt ống vào khí quản- thường khiến bệnh nhân ho. Khi đó, họ chưa biết rằng bệnh nhân này mắc COVID-19.
Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm của bệnh nhân, tất cả những nhân viên y tế này tham gia cách ly trong 2 tuần. Cuối cùng, tất cả 41 nhân viên y tế này đều không nhiễm SARS-CoV-2. Lý giải được đưa ra là những nhân viên này đều tuân thủ việc đeo khẩu trang đúng tiêu chuẩn.
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung thiết bị y tế tại nhiều quốc gia, các chuyên gia cho biết điều quan trọng là chia sẻ thông tin và nguồn lực giữa các nước.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam cho biết có khoảng 2.000 nhân viên y tế tại Trung Quốc mắc COVID-19 trong giai đoạn đầu dịch bùng nổ bởi họ không có thiêt bị bảo hộ. Nhưng tình trạng này đã thay đổi khi có thêm thiết bị bảo hộ.
Và Bộ trưởng Y tế Singapore đã đưa ra lời khuyên, đó là rửa tay thường xuyên và duy trì thói quen vệ sinh tốt.