Kinh nghiệm để có chữ Thật trong giáo dục của một Hiệu trưởng ở Bình Dương

Cô giáo Lê Thị Kim Thúy cho rằng để đạt được chữ 'Thật' trong giáo dục, cần sự vào cuộc của toàn xã hội mà trước tiên là Hiệu trưởng các trường.

Tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Ðào tạo ngày 6/5 về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành giáo dục, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nêu yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật” là một nhiệm vụ trọng tâm, cần phải làm ngay của ngành giáo dục hiện nay.

Tới đây, yêu cầu này chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm của ngành giáo dục, nỗ lực, quyết tâm để phấn đấu đạt được.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý và giáo viên đã chia sẻ trên các phương tiện truyền thông về những cách làm hay, kinh nghiệm quý báu, góp ý tích cực để góp phần giúp nền giáo dục nước nhà ngày càng tốt hơn.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Lê Thị Kim Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hòa 3 (phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã đưa ra quan điểm và cách làm riêng của mình để có học thật, thi thật và để có học sinh giỏi thật.

Cô giáo Lê Thị Kim Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hòa 3 (phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Hữu Đức

Cô giáo Lê Thị Kim Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hòa 3 (phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Hữu Đức

Cô giáo Lê Thị Kim Thúy cho rằng: “Trước hết phải thừa nhận, kết quả học tập thật hay giả là do yếu tố con người. Xét trong phạm vi hẹp là trường học thì Hiệu trưởng là nhân tố quan trọng nhất, kế đến là hiệu phó, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Nếu Hiệu trưởng không xác định mục tiêu học thật, dạy thật, thi thật, kết quả thật thì làm sao có thể kêu gọi mọi người đồng lòng thực hiện mục tiêu tốt đẹp của giáo dục.

Nói vậy, để thấy rằng điều tiên quyết nhất là phải làm thật tốt công tác giáo dục tư tưởng, tạo lập ý thức tích cực của đội ngũ trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục ở trường. Tất nhiên, để làm tốt công tác này là điều rất khó, nhưng không thể không làm.”

“Trường hợp tư tưởng đã thông suốt, lúc đó kết quả có học thật, thi thật hay không là tùy thuộc vào năng lực lãnh đạo của người đứng đầu đơn vị trường học”, cô Kim Thúy nhấn mạnh thêm.

Theo quan điểm cá nhân cô Kim Thúy, học thật, dạy thật và thi thật là ba khâu quan trọng có liên quan mật thiết với nhau và quyết định đến chất lượng giáo dục, đến sự đánh giá năng lực, giá trị của con người trong xã hội.

Khi tổ chức thi thực chất, các thầy giáo, cô giáo sẽ tập trung vào dạy thực chất và học sinh phải học thực chất...

Do đó, với cương vị là Hiệu trưởng trường, cô Kim Thúy ưu tiên tìm mọi giải pháp để làm sao thi phải thật.

Mà để thi thật, theo cô Kim Thúy, ngay từ đầu năm, Hiệu trưởng nhà trường phải triển khai đến toàn thể, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh một cách rõ ràng, chi tiết nội quy, quy định của nhà trường về việc đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Một khi đã công khai từ đầu, phụ huynh sẽ hoàn toàn ủng hộ cách làm của trường và không có những thắc mắc.

Giáo viên Trường Tiểu học Phú Hòa 3 thực hiện đánh dấu khóa bài thi của học sinh. Ảnh: Hữu Đức

Giáo viên Trường Tiểu học Phú Hòa 3 thực hiện đánh dấu khóa bài thi của học sinh. Ảnh: Hữu Đức

Về cách làm cụ thể của mình, cô Kim Thúy cho biết:

Thứ nhất, thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 22 tháng 9 năm 2016.

Theo đó, nhà trường quy định tất cả giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn phải lập sổ tay theo dõi đánh giá thường xuyên quá trình học tập của từng em học sinh, chậm nhất là 1 tuần phải thông tin quá trình học tập của các em cho phu huynh thông qua tin nhắn hoặc báo trực tiếp.

Toàn bộ kết quả quá trình học tập của học sinh sẽ được tập hợp lại vào cuối năm. Sau đó, quá trình học của từng em sẽ đưa ra công khai trước cả lớp học để có bình xét, đánh giá cuối cùng về quá trình học tập của học sinh.

Cô Kim Thúy lưu ý thêm, đối với trường tiểu học Phú Hòa, kết quả quá trình học tập của từng học sinh rất quan trọng.

Trường hợp, kết quả thi chênh lệch lớn (chênh lệch khoảng trên 3 điểm) so với kết quả quá trình học tập, thì nhà trường sẽ họp các bộ phận liên quan để đi đến thống nhất quyết định hủy kết quả thi và yêu cầu học sinh phải thi lại.

Khi thực hiện thi lại, nhà trường sẽ tạo điều kiện tốt để kết quả thi phản ánh đúng năng lực các em học sinh, loại bỏ các yếu tố khách quan ảnh hưởng quá trình làm bài thi như: sức khỏe học sinh không đảm bảo, tiếng ồn, bạn học chỉ bài, copy bài, cán bộ coi thi tác động vào bài thi, đề thi không chuẩn,…

“Tôi cho rằng, đây là cách hữu hiệu nhất để loại bỏ kết quả thi không thật. Mặc dù trên thực tế, số lượng bài thi có điểm chênh lệch không nhiều (từ 2 đến 3 bài so với cả trường) nhưng phải làm như vậy để loại bỏ động cơ gây ra vấn đề gian lận trong thi cử”, cô Kim Thúy nhấn mạnh.

Tất cả các bài thi của học sinh Trường Tiểu học Phú Hòa 3 đều được đánh dấu khóa ngay sau khi thi xong. Ảnh: Hữu Đức

Tất cả các bài thi của học sinh Trường Tiểu học Phú Hòa 3 đều được đánh dấu khóa ngay sau khi thi xong. Ảnh: Hữu Đức

Nói về việc quan trọng thứ hai phải làm, cô Thúy cho biết: “Nhà trường phải tổ chức chặt chẽ công tác thi, từ khâu ra đề thi, bảo vệ đề thi, coi thi, niêm phong, chấm thi, phúc khảo…

Về ra đề thi, Trường Tiểu học Phú Hòa 3 quy định mỗi giáo viên phải ra đề thi gửi về tổ chuyên môn xem xét, sau đó gửi lên hiệu phó chuyên môn lọc lại và cuối cùng là trình hiệu trưởng duyệt đề thi.

Để tăng tính khách quan khi coi thi, nhà trường cử cán bộ coi thi theo phương pháp “chéo khối khác”, tức giáo viên khối này bắt buộc phải gác thi đối với học sinh khối khác. Đặc biệt, ngay lập tức sau khi thi xong, toàn bộ các bài thi của các em đều được đánh dấu khóa lại để tránh trường hợp giáo viên chấm thi sửa bài thi.

Theo quy định nhà trường, những người làm nhiệm vụ đánh dấu khóa bài thi phải là cán bộ văn phòng của trường (không phải giáo viên bộ môn) để nhằm mục đích tránh trường hợp chính cán bộ làm công tác khóa bài thi lại chính là người sửa bài thi.

Riêng về việc chấm thi, phải thực hiện đúng theo nguyên tắc chấm “chéo lớp”, tức giáo viên lớp này buộc phải chấm thi lớp khác.

Kết quả chấm thi sau khi hoàn tất vẫn chưa được xem là kết quả cuối cùng mà phải đợi nhà trường chấm lại theo nguyên tắc chọn lựa ngẫu nhiên 20% tổng số bài thi. Nếu kết quả kiểm tra chấm thi chuẩn xác thì lúc đó mới công bố kết quả thi”.

Cuối cùng, cô Kim Thúy có thể tự tin khẳng định rằng với cách làm của trường mình, nhà trường đã kiểm soát chặt chẽ công tác thi, từ đó loại bỏ hoàn toàn gian lận trong quá trình thi.

Hơn nữa, động cơ gian lận trong thi cử hầu như cũng bị triệt tiêu do kết quả thi sẽ bị hủy nếu không phản ánh đúng với kết quả quá trình học tập của học sinh.

Công bằng mà nói, độ chuẩn xác về điểm số thi là không tuyệt đối, đôi khi cũng có sai lệch nhỏ nhưng không đáng kể, và tất nhiên không thể nào có chuyện “học tài thi phận” hay trường hợp điểm thi cao bất thường.

Hữu Đức

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/kinh-nghiem-de-co-chu-that-trong-giao-duc-cua-mot-hieu-truong-o-binh-duong-post218122.gd