Kinh nghiệm độc hành xuyên Việt bằng xe máy, chú ý lịch trình và chi phí
(SGTT) – Ngày nay nhiều bạn trẻ chọn đi du lịch xuyên Việt chủ động, tự lên kế hoạch đi dài ngày và thực hiện chuyến đi bằng xe máy. Các phượt thủ đã chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị những điểm cần lưu ý cũng như trải nghiệm tuyệt vời sau hành trình dài độc hành trên đất Việt.
Hành lý gọn nhẹ, không quên đồ nghề sửa xe
Anh Nguyễn Vũ Hoài Sơn hiện là kỹ thuật viên đang công tác ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết mình đã thực hiện hai chuyến đi xuyên Việt trước năm 27 tuổi. Để tiết kiệm chi phí cũng như có thêm nhiều trải nghiệm ở mỗi địa điểm, anh Sơn chọn đi xe máy và tốn khoảng hơn 30 triệu đồng cho hai lần đi vào cuối năm 2018 và giữa năm 2020.
Vì thời gian di chuyển dài ngày và phải đi liên tục qua nhiều địa hình đèo dốc, đường đất… trong lần đi đầu tiên anh Sơn ưu tiên lựa chọn cách đi như “Tây balo”, không cần chuẩn bị cồng kềnh chỉ mang ba bộ quần áo và đồ dùng cá nhân thiết yếu.
Khi đã có kinh nghiệm, lần đi sau anh mang theo bếp, lều, túi ngủ, nồi… để tá túc nhà người dân và cắm trại qua đêm.
Cũng đi xuyên Việt trên con xe Honda Wave vào năm 2020, anh Văn Hoàng Khâm, 31 tuổi cho biết hành lý anh chọn lựa vô cùng đơn giản, vài bộ đồ gọn nhẹ, vải mỏng thông thoáng, thoải mái nhất để mang theo.
“Tôi mang chỉ vài cái quần dài, quần đùi, áo thun và áo khoác, ngoài ra còn có nón, găng tay che nắng, một đôi giày, một đôi dép, đồ dùng, thuốc men phòng hờ và băng cá nhân… tất cả được cho vào ba lô ràng phía sau xe”, anh kể thêm.
Trong quá trình di chuyển, anh Khâm cũng quan tâm đến vấn đề bảo dưỡng xe đảm bảo xe chạy tốt và an toàn khi tham gia giao thông. Khi bắt đầu đi, anh thay nhớt, kiểm tra lại xăng xe, lốp, phanh thắng, chuẩn bị thêm đồ nghề vá xe và phương án “tác chiến” khi trời mưa như bọc ba lô, loại áo mưa một người, bọc giày, kính các loại.
Anh Hoàng Khâm cũng nói thêm về độ an toàn của xe máy, anh chọn vỏ không ruột để dễ dàng tự vá khi bị lủng vỏ. Do xe chạy liên tục những đoạn hành trình dài nên người đi phải chú ý thay nhớt xe thường xuyên, anh thường thay sau khi chạy 2000km, nhông sên xe cũng cần được kiểm tra nhiều lần vì khi đi phượt lên vùng cao sẽ dễ làm căng sên.
Kế hoạch chi tiết, lịch trình rõ ràng
Với những người chưa từng đi du lịch xa và dài ngày tự túc trên xe máy, anh Khâm nhấn mạnh bạn phải lên kế hoạch chi tiết, rõ ràng và tính toán thời gian hợp lý cho chuyến hành trình.
“Tôi đã liệt kê là những điểm chính sẽ ghé, cung đường sẽ đi và món đặc sản phải thưởng thức, đặt trước tour tham quan nếu cần và xem dự báo thời tiết thời điểm đó để chuẩn bị thể lực đồ dùng cần thiết. Luyện tập sức khỏe trước chuyến đi cũng là cách giúp bạn thích nghi tốt hơn với chế độ ăn uống ngủ nghỉ bất thường trên đường đi”, anh chia sẻ.
Gợi ý về cung đường, anh Khâm cho biết du khách có thể tham khảo cung đường miền Tây đi qua An Giang; cung đường biển có những đoạn đẹp như cung Bình Thuận – Ninh Thuận – Khánh Hòa; cung đường biển Quảng Nam – Đà Nẵng – Huế; cung đường Tây Nguyên có thể chọn Đắk Nông – Đắk Lắk – Gia Lai – Kon Tum. Phía Bắc, anh Khâm chinh phục tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, cung biên giới Quảng Ninh – Lạng Sơn cũng là một trong những cung đường ấn tượng.
“Và tất nhiên không thể không nói đến những cung đường quanh Hà Giang, thiên đường của những “kẻ lang thang”. Việc lượn lờ quanh co những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải hay Hoàng Su Phì cũng là một trong những cung đường đáng trải nghiệm”, anh nói thêm.
Riêng anh Hoài Sơn, anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ cung đường xuyên qua khu dân cư địa phương vì không phải ai cũng có thể mạo hiểm đi đường sình lầy, lở núi và đầy sỏi đá. Với những ai tay lái yếu, anh Sơn khuyên mọi người hãy ghi chú và xem trước đường đi để chọn tuyến đường dễ tìm và an toàn.
Theo anh Hoài Sơn, trước khi đi anh ghi chú lại tất cả điểm du lịch, tham quan cắm trại từ Nam ra Bắc trên bản đồ và lưu lại để dành tham khảo trong suốt hành trình.
“Lần đi thứ hai tôi chọn ngủ lều và xin tá túc nhà dân, chùa, nhà thờ hoặc các gia đình của dân tộc thiểu số. Vì phải có chỗ nghỉ sớm nên từ ba giờ chiều tôi đã tìm địa điểm hạ trại, nấu nướng”, anh nhớ lại kể.
Riêng những ai đi du lịch bụi theo cách này, anh Sơn không khuyến khích vì không đảm bảo an toàn cho người mới bắt đầu. Vì đôi khi điểm hạ trại chỉ là một khu vườn, khu rừng vắng không ai lui tới, lúc nghỉ ngơi bạn có thể gặp cướp hoặc sự cố bất ngờ nào đó.
Về chi phí, để đảm bảo cho thời gian lên đến hàng chục ngày di chuyển, phượt thủ nên cân nhắc tính toán trước, dành nhiều tháng chuẩn bị bao gồm cả kinh phí dự trù, phát sinh.
Anh Khâm cũng chia sẻ lộ trình của mình rất đơn giản. Sau khi vạch được hướng đi, anh chọn ghé thăm những danh lam thắng cảnh gần đó để tiện khám phá, những tỉnh nào ít chỗ ghé hoặc địa danh xa trục đường chính thì tạm thời bỏ qua, ưu tiên địa điểm đã lên kế hoạch trước.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng, nhiều phượt thủ đã hoàn thành chuyến độc hành xuyên Việt ở độ tuổi còn rất trẻ và giữ lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm không thể phai mờ nhờ đam mê “xê dịch”.