Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững tại thành phố Hồ Chí Minh: Trao 'cần câu', khơi ý chí

Chương trình giảm nghèo của thành phố Hồ Chí Minh thu được nhiều kết quả tích cực nhờ chính sách trao 'cần câu' thiết thực hỗ trợ và cổ vũ để người nghèo tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Qua đó, nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững, không tái nghèo.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hồ Chí Minh huy động sự chung tay của cộng đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và chăm lo cho người nghèo.

Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo

Gia đình ông Mohamach Jacob (dân tộc Chăm, ngụ tại quận Phú Nhuận) có 5 người con. Trước đây, thu nhập của gia đình ông bình quân chỉ hơn 19 triệu đồng/người/năm, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương, gia đình ông Mohamach Jacob đã vươn lên, các con đều học hành và có việc làm. Hiện thu nhập bình quân của gia đình ông đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm, trở thành điển hình thoát nghèo trong cộng đồng người Chăm ở địa phương.

Đầu giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều), quận Phú Nhuận có 623 hộ nghèo (chiếm 1,35% tổng số hộ dân toàn quận) và 709 hộ cận nghèo (chiếm 1,53% tổng số hộ dân toàn quận). Đến đầu năm 2018, quận chỉ còn 65 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,14% tổng số hộ dân toàn quận; số hộ cận nghèo còn lại chiếm tỷ lệ 1,15%. Năm 2020, quận Phú Nhuận phấn đấu hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2019-2020.

Tương tự, quận 6 từ 231 hộ nghèo và 1.680 hộ cận nghèo đầu năm 2019, đến nay đã giảm được 178 hộ nghèo và 971 hộ cận nghèo. Trong đó, gia đình bà Phạm Thị Thanh Hóa (ngụ tại phường 8, quận 6) là một minh chứng tiêu biểu về vươn lên thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng. Chồng mất từ năm 2014, bà Phạm Thị Thanh Hóa với nghề thợ may phải nuôi 3 người con còn ăn học, gia đình rất khó khăn. Nhờ chính quyền hỗ trợ thiết thực như kết nối với Mạnh Thường Quân tặng học bổng cho 3 người con tiếp tục học tập; Đoàn thanh niên quận 6 hỗ trợ 62 triệu đồng xây nhà tình thương. Qua đó đã giúp bà Phạm Thị Thanh Hóa có thêm động lực tích cực làm việc, tăng thu nhập và chủ động xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Phó Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cho biết, chương trình giảm nghèo bền vững bằng phương pháp giảm nghèo đa chiều đã đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo tại địa phương. Các chính sách và giải pháp thúc đẩy giảm nghèo của thành phố được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo an tâm tổ chức sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Năm 2020, quận phấn đấu hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố.
Tuy vậy, là thành phố đông dân nhất cả nước, với nhiều hộ gia đình nhập cư có sinh kế khác nhau nên công tác giảm nghèo bền vững, không để tái nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn những khó khăn. Với khoảng 103.000 hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới cần được hỗ trợ trong giai đoạn 2019-2020, việc thực hiện chính sách giảm nghèo đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành.

Trao “cần câu”

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2019, thành phố đã nâng chuẩn nghèo giai đoạn 2019-2020 là những gia đình có thu nhập bình quân dưới 28 triệu đồng/người/năm và giữ nguyên cách đo lường nghèo đa chiều, chuẩn cận nghèo từ 28 đến 36 triệu đồng/người/năm. Đây là chuẩn nghèo rất cao, gấp 3 lần cả nước.

Năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; trong đó phấn đấu thực hiện giảm 0,25% tỷ lệ hộ nghèo và 0,5% tỷ lệ hộ cận nghèo. Theo đó, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo thành phố còn dưới 0,3% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 0,8% tổng hộ dân của thành phố. Đặc biệt, thành phố phấn đấu trong năm 2020 sẽ có 5 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2019-2020, nâng tổng số quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo giai đoạn 2019-2020 là 8 quận.

Để đạt được mục tiêu trên, công tác giảm nghèo của thành phố trong thời gian tới tập trung theo hướng tạo động lực giảm nghèo thông qua tác động bằng chính sách. Nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình hiệu quả như: Hỗ trợ vay vốn từ các nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo, các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ phương tiện sinh kế... Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố sẽ chú trọng huy động sự chung tay của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong hỗ trợ người nghèo, khơi sức dân để lo cho dân; đồng thời khơi dậy ý chí tự vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo. “Thành phố trao "cần câu", chứ không trao "con cá". Đây là một trong những vấn đề cốt lõi để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững”, ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh.

Theo Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Dung, muốn đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố, các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Vì người nghèo” để hoạt động này thật sự trở thành phong trào thi đua, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp giảm nghèo. Thành phố tiếp tục tăng cường mạnh mẽ các giải pháp, cách làm thiết thực mang tính tác động, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi, tạo cơ hội cho người nghèo an tâm, tự tin tổ chức sinh kế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Trọng Ngôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/966208/kinh-nghiem-giam-ngheo-ben-vung-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-trao-can-cau-khoi-y-chi