Kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết vụ án liên quan đến thu hồi đất

Khi được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ án liên quan đến thu hồi đất, Kiểm sát viên cần căn cứ vào Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành để làm rõ nội dung vụ án, trên cơ sở đề xuất quan điểm giải quyết phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.

VKSND tối cao vừa ban hành Thông báo số 128/TB-VKSTC thông báo một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Trong đó, đã đề cập cụ thể đến kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết vụ án liên quan đến thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối với vụ án liên quan đến thu hồi đất, Kiểm sát viên cần lưu ý đến căn cứ thu hồi. Cụ thể, người sử dụng đất chỉ bị Nhà nước thu hồi đất khi có các căn cứ theo quy định tại các Điều 61, 62, 63, 64 và 65 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, người sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi trong các trường hợp: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai và thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Kiểm sát viên cần nắm vững nội dung này để nhận định việc thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đúng quy định của pháp luật về đất đai hay không, từ đó đưa ra quan điểm về yêu cầu của người khởi kiện đối với quyết định, hành vi thu hồi đất bị khởi kiện là có căn cứ hay không có căn cứ.

Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần lưu ý đến thẩm quyền thu hồi đất. Thẩm quyền thu hồi đất là một trong những căn cứ đảm bảo hoạt động thu hồi đất đúng hay không đúng pháp luật, việc xác định thẩm quyền thu hồi đất cũng là cơ sở xác định người bị kiện trong vụ án hành chính khi Tòa án thụ lý để giải quyết.

 Kiểm sát viên VKSND tỉnh Cà Mau kiểm sát cưỡng chế giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. (Ảnh minh họa - VKS Cà Mau)

Kiểm sát viên VKSND tỉnh Cà Mau kiểm sát cưỡng chế giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. (Ảnh minh họa - VKS Cà Mau)

Theo quy định tại Điều 66 Luật Đất đai năm 2013, hoạt động quản lý nhà nước về đất đai nói chung, hoạt động thu hồi đất nói riêng chủ yếu được thực hiện bởi chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện, cụ thể là cơ quan UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện, vì vậy có thể nói đây là hai chủ thể chính với tư cách người bị kiện trong các vụ án hành chính liên quan đến thu hồi đất.

Tùy vào từng trường hợp pháp luật đất đai quy định về thẩm quyền thu hồi đất mà có thể xác định người bị kiện trong vụ án hành chính về thu hồi đất tương ứng. Kiểm sát viên lưu ý trường hợp xác định thẩm quyền thu hồi đất khi khu vực thu hồi đất có cả những trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện thì theo quy định của Luật Đất đai, thẩm quyền thu hồi đất sẽ thuộc UBND cấp tỉnh.

Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định, có sự tham gia của các chủ thể có liên quan để thực hiện một số hoạt động nhất định như tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý đất (bao gồm tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND cấp xã theo quy định tại Điều 68 Luật Đất đai...) hay sự tham gia với tư cách là người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước (Chủ tịch UBND cấp huyện trong trường hợp ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định tại Điều 71 Luật Đất đai...).

Việc thực hiện các hoạt động liên quan đến thu hồi đất của các chủ thể này bị khởi kiện thì họ cũng sẽ trở thành người bị kiện trong vụ án hành chính đó. Kiểm sát viên cần nắm vững các quy định của pháp luật về thẩm quyền của từng chủ thể đối với hoạt động thu hồi đất để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Về trình tự, thủ tục thu hồi đất, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính về thu hồi đất. Thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về đất đai cho thấy Nhà nước thu hồi đất chủ yếu nhằm mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, việc thu hồi đất trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai năm 2013.

Đối với trình tự, thủ tục thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người và thu hồi đất do có vi phạm pháp luật về đất đai, Kiểm sát viên căn cứ các quy định tại Điều 65, 66 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai; khoản 43, 44 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để đối chiếu, đánh giá tính hợp pháp của thủ tục thu hồi đất đối với khiếu kiện đang được Tòa án giải quyết.

Hồ sơ thực hiện hoạt động thu hồi đất trong các trường hợp thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 2/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

Đặc biệt, khi kiểm sát trình tự, thủ tục thu hồi đất, Kiểm sát viên cần lưu ý trường hợp thực hiện nội dung cưỡng chế thu hồi đất (bao gồm việc ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất), đây là nội dung thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa cơ quan nhà nước với công dân khi thực hiện việc thu hồi đất.

Đối với trường hợp này, Kiểm sát viên cần làm rõ nội dung về căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất (Điều 69 Luật Đất đai năm 2013); điều kiện cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất; thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế; trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất (Điều 71 Luật Đất đai năm 2013).

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/kinh-nghiem-kiem-sat-viec-giai-quyet-vu-an-lien-quan-den-thu-hoi-dat-107120.html