Kinh nghiệm nghị viện một số nước về tham vấn chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động của Quốc hội
Theo Ths. Chu Thị Thanh Hương, Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, việc huy động 'chất xám' của chuyên gia, nhà khoa học được Quốc hội các nước đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong các hoạt động của Quốc hội nhằm cung cấp, cập nhật các kiến thức khoa học, các kết quả nghiên cứu mới nhất trong quá trình xem xét các dự án Luật và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Chuyên gia, nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, chuyên gia, nhà khoa học sẽ đưa ra các số liệu, dữ liệu nghiên cứu để phân tích và đánh giá, nhận định về tình hình thực tế, từ đó cung cấp góc nhìn với hàm lượng khoa học. Trong hoạt động của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia “đóng góp” vào các quyết sách trên mọi lĩnh vực, từ lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; giúp các đại biểu Quốc hội có thể đưa ra quyết định chính xác và hiệu quả. Việc huy động “chất xám” của chuyên gia, nhà khoa học được Quốc hội các nước đặc biệt quan tâm. Tùy thuộc vào tình hình thực tiễn, thể chế chính trị mà sự tham gia của giới học thuật vào hoạt động của nghị viện mỗi nước có những cách thức khác nhau. Mục đích là đều nhằm hướng đến sự chuẩn hóa trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng và mọi quyết sách phải được bảo đảm tính chính xác, tính hợp lý cao nhất gắn với quy luật vận động và chứa đựng hàm lượng khoa học cao.
1. Kinh nghiệm của một số nước về tham vấn chuyên gia, nhà khoa học vào hoạt động Nghị viện
1.1. Kinh nghiệm của Nghị viện Anh
Tại Vương quốc Anh, Nghị viện thành lập Nhóm Nghiên cứu Nghị viện hoặc cơ quan, bộ phận nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ khoa học phục vụ cho nhu cầu khai thác thông tin của Nghị viện. Ngoài ra ở Anh còn có Văn phòng Khoa học và Công nghệ Nghị viện (POST), Thư viện Hạ viện cũng cung cấp dịch vụ thông tin khoa học cho Nghị sĩ.
Ở Anh, Nhóm Nghiên cứu Nghị viện (Study of Parliament Group - SPG) được thành lập từ năm 1964 với mục đích tập hợp các học giả, những người quan tâm đến hoạt động của Nghị viện có thể liên kết với những người làm việc thực tế, phục vụ hoạt động của Nghị viện. Nhiệm vụ của Nhóm Nghiên cứu Nghị viện là tổ chức các sự kiện, hội nghị, chủ trì bài giảng định kỳ hằng năm, tham dự một số cuộc họp tại Nghị viện; nghiên cứu, phục vụ các Ủy ban chuyên môn, viết bài nghiên cứu học thuật cho các tạp chí hoặc tham gia biên tập sách, bài viết dành cho độc giả nói chung về chủ đề hiện đại hóa Nghị viện. Thành viên của Nhóm bao gồm: (i) chuyên gia hoạt động trong các tổ chức nghiên cứu về chính trị, (ii) các luật sư hiến pháp, (iii) các học giả về nữ quyền, (iv) một số nhà nhân chủng học… Nhóm Nghiên cứu còn có sự tham gia của nhân viên Thư viện Hạ viện và nhân viên của các cơ quan lập pháp được ủy quyền ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Thông thường, thành viên của Thượng viện và Hạ viện không được mời làm thành viên của Nhóm nhưng có thể được mời thuyết trình hoặc tham dự, phát biểu tại hội nghị thường niên hoặc các sự kiện khác do Nhóm tổ chức.

Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Anh tại thủ đô London. Ảnh: AFP/TTXVN
Bên cạnh đó, các Ủy ban của Nghị viện thường xuyên tổ chức các phiên điều trần và các hoạt động khác với sự tương tác, tham gia rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu nhằm cung cấp luận chứng khoa học phục vụ hoạt động của Ủy ban. Để các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hiệu quả, chuyên sâu vào các hoạt động Nghị viện thì vai trò của các Ủy ban của Nghị viện là rất quan trọng. Việc các Ủy ban sớm xác định chủ đề của phiên điều trần, các vấn đề, lĩnh vực cần quan tâm nghiên cứu, thời hạn cần cung cấp các luận chứng khoa học và có kế hoạch dài hạn cho các cuộc điều trần sẽ giúp các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu chủ động hơn khi tham gia sâu hơn vào các hoạt động cụ thể của Ủy ban. Đồng thời, các Ủy ban cũng đưa ra nhiều luận cứ, phản biện dựa trên bằng chứng mà các chuyên gia, nhà khoa học cung cấp để minh chứng rằng sự tham vấn mà các Ủy ban thực hiện là yếu tố thực sự quan trọng, củng cố sắc bén cho các ý kiến phát biểu và quyết định của nghị sĩ. Ngược lại, việc tham vấn chuyên gia, nhà khoa học và vận dụng các luận chứng khoa học để sử dụng trong các cuộc điều trần còn thể hiện sự công nhận của các Ủy ban đối với những đóng góp của giới học thuật và sẽ khuyến khích sự tham gia tích cực hơn nữa trong hoạt động của Nghị viện.
Tại Anh, các khuyến nghị, kết luận của Ủy ban được cho là có giá trị mạnh mẽ nhất khi có sự kết hợp với công trình nghiên cứu học thuật tiên tiến và chuyên nghiệp. Trung tâm nghiên cứu Changing Europe được thành lập từ năm 2015 và do Hội đồng nghiên cứu kinh tế và xã hội tài trợ. Trung tâm này cung cấp quan điểm, bằng chứng (cả văn bản và lời nói) cho những người tìm kiếm thông tin tham chiếu và phân tích về quan hệ Anh-EU. Những thông tin, phân tích của Changing Europe có tính độc lập, không đứng trên quan điểm hay luận cứ của bất kỳ đảng phái nào.

Bên cạnh việc thu hút chất xám của các chuyên gia, nhà khoa học từ Nhóm Nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu, Nghị viện Anh còn duy trì sự hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo thông qua các chương trình đào tạo, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các chương trình thực tập và tham quan học tập cho sinh viên. Mô-đun Nghiên cứu Nghị viện là mô-đun giáo dục đại học do giảng viên của trường đại học và công chức của Nghị viện, nghị sĩ đồng giảng dạy. Đây là mô-đun giáo dục đại học duy nhất được Hạ viện phê chuẩn; cung cấp cho sinh viên chi tiết kiến thức về cách thức hoạt động của Nghị viện cả về lý thuyết và thực hành. Nghị viện Anh thường hợp tác với các Đại học nổi tiếng như Hull, Keele, Essex, Sheffield, Strathclyde và trường Royal Holloway thuộc Đại học London. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm cung cấp bài giảng lý thuyết và nội dung có tính học thuật về Nghị viện. Còn Nghị viện cung cấp những bài giảng thực tế về công việc, quy trình và hoạt động của Nghị viện.
Nghị viện Anh cũng tăng cường liên kết, hợp tác với cộng đồng nghiên cứu thông qua các nhóm chủ trì nghiên cứu chuyên đề của Nghị viện (Parliamentary Thematic Research Leads - TRL). Các nhóm này gồm các nhà nghiên cứu làm việc 03 ngày/tuần tại Nghị viện, được duy trì học hàm, học vị về học thuật đang nắm giữ. Mục đích của TRL là tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao việc sử dụng các luận chứng nghiên cứu và kinh nghiệm trong Nghị viện (ở cả Hạ viện và Thượng viện) thông qua trao đổi kiến thức, tương tác trong mỗi quá trình hoạt động. Mỗi TRL phụ trách về một lĩnh vực, chính sách cụ thể. Để hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của Nghị viện, TRL tiến hành ba hoạt động chính là: (1) hỗ trợ chiến lược cho việc tạo ra và cung cấp các bằng chứng nghiên cứu khoa học cho Nghị viện về các chính sách lớn, quan trọng; (2) hỗ trợ sự phát triển và đổi mới nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy sự trao đổi kiến thức giữa Nghị viện và cộng đồng nghiên cứu khoa học; (3) sự tham gia vào mạng lưới các Nhóm chủ trì nghiên cứu chuyên đề để chia sẻ thông tin và hiểu biết sâu sắc trên các lĩnh vực chính sách.
1.2. Kinh nghiệm của Quốc hội Ấn Độ
Tại Ấn Độ, mối quan hệ giữa thế giới học thuật với Nghị viện là mối quan hệ năng động, cộng sinh và mật thiết dựa trên sự có lợi cho cả hai bên. Với mục tiêu của nền dân chủ nghị viện, dân chủ xã hội thì sự hợp tác giữa nghị viện và các chuyên gia, nhà khoa học chứa đựng nhiều tiềm năng.

Một phiên họp của Nghị viện Ấn Độ.
Các Ủy ban của Nghị viện Ấn Độ (Thượng viện và Hạ viện), đặc biệt là các Ủy ban thường trực phụ trách các vấn đề liên quan đến các Bộ và Ủy ban chuyên môn, khi xem xét một dự luật hoặc vấn đề nhất định, thường duy trì sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, nhất là các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực liên quan để tìm hiểu, khai thác các quan điểm khác nhau về nội dung cần xem xét.
Các chương trình thực tập và tham quan học tập tại Nghị viện dành cho sinh viên là một phần trong nỗ lực tiếp cận cộng đồng học thuật của Nghị viện. Cả Rajya Sabha (Thượng viện) và Lok Sabha (Hạ viện) đều cung cấp các chương trình thực tập cho sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học để giúp họ có được trải nghiệm phong phú về hoạt động của nền dân chủ Nghị viện ở Ấn Độ. Thượng viện có hai chương trình là “Chương trình thực tập tại Thượng viện” và “Chương trình tham quan học tập” nhằm cung cấp cho học sinh, sinh viên đại học cơ hội tiếp xúc trực tiếp với hoạt động của Nghị viện. Tương tự, Chương trình học bổng của Thượng viện mang đến cho các học giả cơ hội tham gia nghiên cứu, thực nghiệm và so sánh về hoạt động của Nghị viện với các tổ chức dân chủ khác; đồng thời phân tích những đóng góp của Nghị viện cho sự chuyển đổi kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, học sinh, sinh viên tại các trường phổ thông, cao đẳng và đại học được phép đến thăm khu phức hợp Nghị viện theo từng đợt cùng với giáo viên của mình trong các chuyến đi có hướng dẫn viên nhằm làm quen với hoạt động của Nghị viện.
Quốc hội Ấn Độ còn thu hút các học giả nghiên cứu từ các tổ chức học thuật với tư cách là cộng tác viên nghiên cứu và thực tập sinh. Điều này cho phép Nghị viện sử dụng dịch vụ của một nhóm các nhà nghiên cứu có kiến thức, trình độ về lĩnh vực cụ thể, với quan điểm mới mẻ và được trang bị kỹ năng nghiên cứu nâng cao để thực hiện nghiên cứu của Quốc hội độc lập và không mang màu sắc chính trị, đảng phái.
1.3. Kinh nghiệm Nghị viện Thụy Sĩ
Cơ chế thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học phụ thuộc rất lớn vào cơ cấu tổ chức, hoạt động của Nghị viện. Bắt nguồn từ thể chế và cơ cấu tổ chức của Nghị viện Liên bang Thụy Sĩ và dựa trên quan điểm rằng bản thân mỗi Nghị sĩ đã đóng vai trò là chuyên gia về lĩnh vực vì xuất phát từ nền tảng chuyên môn của họ. Nghị quyết Liên bang Thụy Sĩ hoạt động bán thời gian. Các Nghị sĩ hoạt động nghề nghiệp của mình cùng với sự nghiệp hoạt động tại Nghị viện (như tại Việt Nam thì được hiểu là nghị sĩ hoạt động kiêm nhiệm). Nghị sĩ thường xuất thân từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, do đó kiến thức chuyên môn thực tế của Nghị sĩ sẽ được áp dụng vào quá trình hoạch định chính sách. Ngoài ra, các chính sách được hoạch định còn phụ thuộc nhiều vào ý kiến đóng góp từ các nhóm có lợi ích liên quan, như các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế. Cơ chế để thu hút chuyên gia, nhà khoa học từ các nhóm này (đặc biệt trong giai đoạn trước khi “sang sân” của Nghị viện) được tận dụng tối đa và luôn bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc “hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng”.

Nghị viện Liên bang Thụy Sĩ thường xuyên tổ chức các phiên điều trần và lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia bên ngoài để thẩm định những phần, nội dung quan trọng của dự thảo Luật. Theo đó, trước khi thảo luận các dự thảo Luật lớn, các Ủy ban sẽ tổ chức lấy ý kiến đại diện của các nhóm lợi ích có liên quan, tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu. Thư ký Ủy ban hoặc nghị sĩ là thành viên các Ủy ban sẽ đề xuất danh sách chuyên gia, nhà khoa học. Các chuyên gia, nhà khoa học được lựa chọn theo chuyên môn mà không phân biệt việc họ đại diện cho tổ chức nào. Điều đó cho thấy, Nghị viện Liên bang Thụy Sĩ rất coi trọng “chất xám” của chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực và đề cao yếu tố khoa học trong hoạch định chính sách.
Nghị viện Liên bang Thụy sĩ không có bộ phận nghiên cứu trực thuộc hoặc các tổ chức nghiên cứu tương đương như tại Nghị viện nước khác. Thay vào đó, để tận dụng chuyên môn khoa học khi cân nhắc về chính sách tại dự thảo Luật hoặc các hoạt động khác của Nghị viện, các Ủy ban được cấp ngân sách để thực hiện hoạt động điều tra, khảo sát (chủ yếu dưới hình thức tham vấn chuyên gia pháp lý) hoặc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu nhất định. Trong những năm gần đây, Nghị viện Liên bang đã tăng cường nguồn lực cho các Ban thư ký của Ủy ban thuộc Nghị viện để đảm bảo việc cung cấp thông tin nghiên cứu, hỗ trợ cho các Ủy ban hoạt động thực chất hơn, bám sát với các chính sách được đề ra tại dự thảo Luật. Bộ phận Kiểm soát Hành chính của Nghị viện (The Parliamentary Control of the Administration - PCA) là cơ quan đánh giá của Nghị viện Liên bang, có nhiệm vụ tiến hành các nghiên cứu để cung cấp thông tin, phục vụ các Ủy ban giám sát về tính hợp pháp, tính thiết thực và hiệu quả trong hoạt động của Chính phủ. Các Nghị sĩ có thể yêu cầu Chính phủ tiến hành điều tra hoặc ủy thác điều tra theo một số chủ đề nhất định.
Ngoài ra, Nghị viện Thụy Sĩ còn duy trì sự hợp tác với Quỹ học bổng khoa học chính trị. Từ năm 2002, hằng năm, hai học bổng được trao cho học giả trẻ tuổi. Các cá nhân giành được học bổng sẽ làm việc tại các cơ quan của Nghị viện trong một năm, thường là ở một hoặc nhiều Ban Thư ký Ủy ban. Bên cạnh đó, các tổ chức học thuật tại Thụy Sĩ còn thành lập mạng lưới để đảm bảo rằng các phát hiện khoa học có thể được đưa vào quá trình hoạch định chính sách một cách tối đa. Ví dụ, các học viện nghệ thuật và khoa học Thụy Sĩ thường xuyên xuất bản các bản tóm tắt chính sách và tuyên bố về các chủ đề khác nhau; các tổ chức tư vấn, diễn đàn và hiệp hội cũng như các tổ chức nghiên cứu tư nhân đóng vai trò là cố vấn chính sách. Một lượng lớn các diễn đàn không chính thức được các trường đại học và đơn vị nghiên cứu tổ chức để trao đổi giữa các nhà khoa học và chính trị gia. Các Nghị sĩ cũng có thể tham gia các hội thảo với các chuyên gia học thuật do các trường đại học tổ chức, như việc tham gia hội thảo do Trường Quản trị Công Thụy Sĩ tổ chức. Một ví dụ điển hình cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà khoa học và các chính trị gia, các nghị sĩ là về vấn đề biến đổi khí hậu. Năm 2022, tại Thụy Sĩ, cuộc “Đối thoại về khí hậu” được tổ chức, có khoảng 30 nhà khoa học từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã gặp gỡ các nghị sĩ để thảo luận và đề ra các giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng về khí hậu. Đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, cơ quan hành chính của Quốc hội sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa cộng đồng học thuật với Nghị viện bằng việc thay mặt các nhà khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất để các Ủy ban có cơ sở hoạch định chính sách.

Tòa nhà Nghị viện Thụy Sĩ tọa lạc ở thung lũng sông Aare
* Qua kinh nghiệm tại nghị viện một số nước, trước hết, cần khẳng định mọi hoạch định chính sách từ Quốc hội, nghị viện đều cần dựa trên bằng chứng khoa học. Để bảo đảm các chính sách do Quốc hội thực sự xuất phát từ thực tiễn và được khoa học “dẫn đường” thì việc tăng cường công tác phối hợp giữa Nghị viện, Quốc hội và các chuyên gia, nhà khoa học hay cơ chế tham vấn chuyên gia, nhà khoa học là hết sức cần thiết. Tùy thuộc vào thể chế chính trị, cơ cấu tổ chức của Quốc hội và tình hình thực tiễn, Nghị viện, Quốc hội các nước có những cơ chế rất khác nhau và rất linh hoạt trong huy động nguồn lực từ chuyên gia, nhà khoa học. Ví dụ như: lập nhóm nghiên cứu tại chính Nghị viện, Quốc hội; tập hợp tổ chức có sự tham gia hỗn hợp các nhà khoa học, các học giả, giảng viên trường đại học và nghị sĩ hoặc hợp tác với tổ chức nghiên cứu độc lập, phi chính trị, phi đảng phái…
2. Cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học vào hoạt động Quốc hội Việt Nam, một số khuyến nghị từ kinh nghiệm các nước
2.1. Các quy định về cơ chế thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học tại Quốc hội Việt Nam
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 quy định trong thành phần Ban soạn thảo dự án luật, dự thảo nghị quyết có các chuyên gia và nhà khoa học (khoản 1 Điều 53).
- Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13 quy định chuyên gia có thể được mời tham gia đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban, Đoàn đại biểu Quốc hội để tư vấn (Điều 16, Điều 27, Điều 41, Điều 52, Điều 53); chuyên gia, nhà khoa học có thể được mời tham dự và phát biểu tại phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban (Điều 43)…
- Luật Tổ chức Quốc hội quy định việc đại biểu Quốc hội có thể thuê chuyên gia (Điều 41); Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có thể mời chuyên gia tham gia hoạt động của Hội đồng, Ủy ban (khoản 4 Điều 87).
- Ngày 16/02/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15/2022/UBTVQH15 quy định việc sử dụng chuyên gia của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Trong đó, chuyên gia bao gồm: nguyên đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, người làm công tác quản lý, nghiên cứu, hoạt động thực tiễn ở trong nước và ngoài nước; có điều kiện và tiêu chuẩn bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết. Việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sử dụng chuyên gia đã khẳng định sự cần thiết và mối quan hệ không thể thiếu giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại Quốc hội Việt Nam, việc thu hút chất xám của chuyên gia, nhà khoa học được thực hiện rất linh hoạt, phong phú qua nhiều kênh khác nhau:
+ Thư viện Quốc hội (thuộc Văn phòng Quốc hội) được thực hiện thuê, khoán chuyên gia để cung cấp các dịch vụ nghiên cứu, dịch vụ thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội.
+ Viện Nghiên cứu lập pháp cũng được sử dụng chuyên gia để cung cấp thông tin đến đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời tổ chức nghiên cứu khoa học dựa trên nhu cầu thực tiễn.
+ Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được thực hiện thuê, khoán chuyên gia để phục vụ hoạt động của mình tại Quốc hội. Một số trường hợp đã thuê, khoán chuyên gia chính là nguyên đại biểu Quốc hội đã từng hoạt động lâu năm tại các Ủy ban, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc công chức Văn phòng Quốc hội đã nghỉ hưu.
+ Các chuyên gia, nhà khoa học có thể tham gia thời vụ thông qua việc được mời dự, phát biểu tại Hội thảo, tọa đàm do các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức…
2.2. Một số khuyến nghị cho Quốc hội Việt Nam
Có thể thấy, hình thức huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học vào hoạt động của Quốc hội là rất phong phú. Tuy nhiên, tại các nước, vai trò của các tổ chức giáo dục và nghiên cứu; các tổ chức tư vấn chính sách; học giả; giáo sư; các chuyên gia, nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; giảng viên luật, luật sư nhằm đóng góp cho hoạt động của Quốc hội rất được chú trọng. Với kinh nghiệm của nghị viện một số nước, có một số khuyến nghị cho Quốc hội Việt Nam như sau:

Các chuyên gia, nhà khoa học có thể tham gia qua việc được mời dự, phát biểu tại Hội thảo, tọa đàm do các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức.
- Cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong các hoạt động của Quốc hội nhằm cung cấp, cập nhật các kiến thức khoa học, các kết quả nghiên cứu mới nhất cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét các dự án Luật và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
- Đơn vị làm công tác nghiên cứu, cung cấp thông tin khoa học, bên cạnh việc thực hiện chức năng nghiên cứu, cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối giữa các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký với đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, học giả về những lĩnh vực khác nhau. Theo đó, cần nghiên cứu xây dựng được mạng lưới các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về từng lĩnh vực để tham vấn, đề xuất cho các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký khi cần huy động họ tham gia vào các nội dung cụ thể đang được thảo luận tại Quốc hội.
- Mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia thực tế tại các phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu có thể tham gia, đóng góp ý kiến chuyên môn sâu sắc, gắn với thực tiễn.
- Nghiên cứu hợp tác với một số cơ sở đào tạo (Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Luật thuộc các Đại học, Học viện pháp lý, Học viện tư pháp…) nhằm xây dựng các bài giảng, khóa học chuyên sâu về hoạt động của Quốc hội với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên trường đại học và các cán bộ, công chức của Quốc hội. Đồng thời, tổ chức các chương trình nghiên cứu, tham quan, thực tập, trao học bổng cho các nghiên cứu về hoạt động của Quốc hội nhằm khuyến khích và cung cấp các kiến thức chi tiết về quy trình, cách thức hoạt động của Quốc hội cả về lý thuyết và thực hành.
Ths. Chu Thị Thanh Hương
Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội
Tài liệu tham khảo
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 63/2020/QH14.
- Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13.
- Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2020/QH14.
- Nghị quyết số 15/2022/UBTVQH15 ngày 16/02/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc sử dụng chuyên gia của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
- Phát huy vai trò chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội. Nguồn: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=78755
- Liam LAURENCE SMYTH, Thư ký cơ quan lập pháp của Hạ viện Anh, Mối quan hệ giữa giới học thuật và nghị viện, ASGP 2024.
- Philippe SCHWAB, Tổng Thư ký Nghị viện Liên bang Thụy Sĩ, Mối quan hệ giữa giới học thuật và nghị viện, ASGP 2024.
- Pramod Chandra MODY, Tổng Thư ký Thượng viện Ấn Độ, Mối quan hệ giữa giới học thuật và nghị viện, ASGP 2024.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/goc-nhin.aspx?itemid=91583