Kinh nghiệm quốc tế trong nâng cao năng lực số cho công chứcBài 1: Từ 'công chức thời @' sang 'công chức thời AI'
Nếu thế kỷ XX là thời kỳ của 'công chức đánh máy' thì thế kỷ XXI là kỷ nguyên của 'công chức học máy'. 'Làm sao để đào tạo công chức biết làm chủ AI một cách đúng đắn, hiệu quả và nhân văn' là câu hỏi mà nhiều chính phủ đang tìm cách giải quyết bằng các chiến lược kịp thời, hiệu quả.
Malaysia: đưa AI đến mọi bàn làm việc của công chức
Trong một động thái bất ngờ, vào tháng 5 vừa qua, Malaysia đã công bố chiến lược đào tạo AI cho công chức trong khuôn khổ chương trình AI at Work 2.0 (AI nơi công sở), hợp tác cùng Google Cloud với đích đến là con số 445.000 công chức được trang bị kỹ năng AI trước năm 2026.
Chương trình bao gồm: khóa học cơ bản về AI qua nền tảng trực tuyến (Google Cloud Skill Boost); các phiên “Train-the-trainer” (đào tạo người đào tạo) nhằm huấn luyện cho 200 công chức cấp cao trở thành “đại sứ AI”, những người có sứ mệnh lan tỏa kiến thức về AI trong bộ máy công vụ; thực hành ứng dụng AI vào các tác vụ như lập báo cáo, xử lý khiếu nại, phân tích dữ liệu dân cư.

Nguồn: TTXVN
Mục tiêu mà Bộ Kỹ thuật số Malaysia đưa ra rất rõ ràng: đưa AI đến mọi bàn làm việc trong cơ quan nhà nước, không phân biệt cấp bậc hay chức danh. Một báo cáo đánh giá nội bộ cho biết: nhờ AI, trung bình mỗi công chức tiết kiệm 3,25 giờ/tuần, tương đương hàng triệu giờ lao động được giải phóng.
Ireland: lãnh đạo học trước, nhân viên theo sau
Ireland chọn hướng tiếp cận từ trên xuống. Kể từ năm 2024, hơn 500 lãnh đạo cấp cao của nước này đã hoàn thành khóa học đặc biệt về AI trong hành chính công. Nội dung không đơn thuần là kỹ thuật, mà còn tập trung vào đạo đức, minh bạch, và các kịch bản chính sách ứng dụng AI.
Bộ trưởng Bộ Cải cách hành chính Ireland từng phát biểu: “Chúng tôi muốn lãnh đạo không sợ AI - mà biết cách dùng nó để cải cách”. Sau giai đoạn thí điểm, chương trình đã được mở rộng xuống cấp quản lý trung và nhân viên cơ sở.
Ấn Độ: đào tạo AI cho từng bang
Quốc gia đông dân nhất thế giới triển khai chính sách AI không theo kiểu “trên rót xuống”, mà chia nhỏ theo từng bang để thích ứng thực tế. Bang Odisha, trong chính sách AI đến năm 2029, đặt mục tiêu đào tạo 75% công chức cơ bản về AI, hướng tới 100% vào năm 2036. Mỗi khóa học đều bao gồm kỹ năng đạo đức số, phân tích dữ liệu và lập trình cơ bản.
Tại bang Uttar Pradesh, chính quyền tổ chức khóa đào tạo mang tên AI Pragya từ tháng 5/2025 cho các lãnh đạo cấp vụ. Bên cạnh kiến thức chung, khóa học còn cung cấp kỹ năng sử dụng ChatGPT để xây dựng nội dung truyền thông chính sách và giám sát triển khai dự án công. Một lãnh đạo tại bang này cho biết: “Khi tôi thấy AI tự động hóa được việc giám sát hàng trăm trường học trong vùng, tôi biết nó sẽ thay đổi toàn bộ quản lý nhà nước”.
Mỹ: gần 5.000 công chức hoàn thành khóa đào tạo AI
Là quốc gia đi đầu về công nghệ, nhưng chính phủ liên bang Mỹ cũng từng đối mặt với sự “lỗi nhịp” giữa bộ máy hành chính và tốc độ phát triển của AI. Để thu hẹp khoảng cách này, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Đào tạo AI (2023), yêu cầu Văn phòng Quản lý nhân sự phối hợp cùng Văn phòng Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình đào tạo AI cho nhân viên liên bang. Nội dung đào tạo bao gồm: nguyên lý cơ bản về AI, học máy; cách áp dụng AI trong hoạch định chính sách và cải cách dịch vụ công; đạo đức và quản trị AI, đặc biệt là các vấn đề thiên vị thuật toán và quyền riêng tư.
Tính đến đầu năm 2025, hơn 4.800 công chức thuộc 78 cơ quan liên bang đã hoàn thành chương trình này. Một số bộ, như Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Môi trường, đã đưa AI vào quy trình xử lý văn bản, phân tích dữ liệu môi trường và đánh giá rủi ro thiên tai. Báo cáo tháng 5/2025 cho thấy: 67% cán bộ hành chính sau khóa học đã tăng năng suất cá nhân từ 10 - 20%.
Canada: “Trường học số” dành riêng cho công chức
Canada không ồn ào, nhưng lại rất bài bản. Từ năm 2019, chính phủ nước này đã thành lập Học viện Kỹ thuật số - một đơn vị đào tạo chuyên biệt trực thuộc Trường Dịch vụ công Canada. Học viện này vận hành theo mô hình học tập linh hoạt, bao gồm các khóa học trực tuyến đến workshop chuyên đề. Các khóa học nổi bật gồm: “AI 101” dành cho công chức mới bắt đầu; “AI in Policy” hướng dẫn ứng dụng AI vào xây dựng chính sách công; Các dự án thực tế để công chức giải quyết bài toán từ chính đơn vị mình như tóm tắt văn bản pháp luật, phân tích nhu cầu công dân, tối ưu quy trình cấp giấy phép.
Mỗi công chức đều có “lộ trình AI cá nhân hóa”, và được khuyến khích chia sẻ lại nội dung học cho đội nhóm, từ đó tạo nên văn hóa số lan tỏa từ dưới lên.
Singapore: không để công chức tụt lại phía sau
Với tham vọng trở thành “Quốc gia AI dẫn đầu Đông Nam Á”, Singapore đầu tư mạnh mẽ vào con người, mà đầu tiên là đội ngũ công chức. Trong Chiến lược AI Quốc gia 2.0, công bố cuối năm 2023, Chính phủ Singapore nhấn mạnh đến việc đưa AI vào chương trình đào tạo bắt buộc cho công chức mới tuyển dụng; xây dựng lộ trình phát triển kỹ năng AI theo từng nhóm chức năng: hoạch định, vận hành, quản trị, kiểm tra; kết hợp huấn luyện với các dự án thử nghiệm như chatbot hỗ trợ công dân, mô hình dự đoán rủi ro trong y tế công.
Đặc biệt, Chính phủ đã triển khai hệ thống AI Talent Pipeline, nơi các công chức tiềm năng được “chuyển đổi nghề nghiệp” để trở thành chuyên gia dữ liệu, nhà khoa học chính sách hoặc cố vấn AI trong nội bộ khu vực công.
UNESCO: định hình khung năng lực AI công vụ toàn cầu
Không chỉ có các nước riêng lẻ, UNESCO cũng tham gia cuộc chơi bằng việc thiết lập Khung năng lực AI dành cho khu vực công, áp dụng thử nghiệm tại Nigeria, Rwanda, Ấn Độ và EU. Từ tháng 4/2025, chương trình này đã huấn luyện 37 cán bộ từ 19 quốc gia tại Sao Paulo, Brazil, tập trung vào AI nhân bản, đạo đức, hoạch định chính sách và dịch vụ công thông minh.
UNESCO khuyến nghị chính phủ nên tập trung vào ba trụ cột: đào tạo nền tảng AI kỹ thuật; giáo dục đạo đức và trách nhiệm xã hội trong sử dụng AI; ứng dụng AI trong hoạch định và triển khai chính sách.
Dù mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau, điểm chung nổi bật là: AI không chỉ là câu chuyện công nghệ - đó là câu chuyện con người. Khi công chức được trang bị kiến thức, kỹ năng và tư duy AI, chính phủ mới có thể vận hành hiệu quả, linh hoạt và nhân văn hơn trong kỷ nguyên số.