Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý cho vay ngang hàng
Trên thế giới, cho vay ngang hàng (Peer to peer Lending-viết tắt là P2P Lending) đã phát triển dưới nhiều hình thức kể từ khi xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 2005.
Ở nước ta, cho vay ngang hàng đang dần trở thành ngành tài chính trị giá hàng tỷ USD với những con số ấn tượng về tổng dư nợ, quy mô kết nối, chất lượng hoàn trả tiền vay, số lượng công ty kinh doanh… Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, để quản lý hiệu quả cần tiếp thu kinh nghiệm từ các quốc gia khác.
Xây dựng khung pháp lý và giới hạn đầu tư
Chia sẻ kinh nghiệm từ Liên bang (LB) Nga về tạo lập khung pháp lý cho tài chính và tín dụng vi mô thông qua ứng dụng trực tuyến, ông Artem Andreev, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Tư vấn tài chính LGC cho hay: Ngân hàng Trung ương LB Nga phối hợp với các chuyên gia thị trường xây dựng lộ trình 4 năm điều tiết thị trường tài chính vi mô. Trong đó, xác định tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng đối với những người điều hành và chuyên viên nghiệp vụ của sàn kết nối tài chính. Đồng thời, yêu cầu thiết lập mức vốn tối thiểu cho các tổ chức tài chính vi mô. Về khung pháp lý, bắt buộc báo cáo dữ liệu cho tổ chức thông tin tín dụng quốc gia và thành lập trung tâm thông tin tín dụng chuyên ngành cho các công ty cho vay ngắn hạn; trích lập dự phòng nợ quá hạn đầy đủ hoặc có cơ chế xóa nợ đơn giản theo phương pháp của Ngân hàng Trung ương LB Nga. Ngoài ra, khung pháp lý thiết lập hạn chế mức vay tối đa của khách hàng trong phân khúc vay ngắn hạn, vay nóng; đưa ra các tiêu chuẩn bắt buộc về xử lý nợ, xử lý yêu cầu của khách hàng về tái cơ cấu nợ quá hạn.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Giám đốc Trường Đào tạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Quy định quản lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng tại các quốc gia trên thế giới tập trung vào 3 vấn đề chính, gồm: Quy định về giới hạn đầu tư, mức cho vay của nhà đầu tư; quy định về tiêu chuẩn cấp phép, hoạt động giám sát đối với tổ chức cung cấp nền tảng cho vay ngang hàng; quy định về nhà đầu tư, công bố thông tin và kế hoạch giải quyết trong trường hợp công ty cho vay ngang hàng phá sản. Các quốc gia Đông Nam Á có xu hướng xem việc cho vay ngang hàng như hoạt động cho vay thực sự và cần được quản lý tương tự như hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng. Tại Malaysia, Ủy ban chứng khoán quốc gia quản lý mô hình cho vay ngang hàng đã ban hành quy định trần lãi suất là 18%/năm và mức vốn tối thiểu của công ty tham gia trong lĩnh vực này là 1,2 triệu USD. Ở Trung Quốc, do sự thiếu kiểm soát nên hoạt động cho vay ngang hàng xuất hiện các biến tướng như huy động vốn bất hợp pháp, đa cấp... khiến nhiều công ty phá sản, nhà đầu tư mất vốn.
Siết chặt các quy định về cho vay
Về quy mô, nước ta hiện có khoảng 40 công ty cho vay ngang hàng, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Tima, Công ty Cổ phần Đầu tư HVA, Công ty Cổ phần Lendbiz... Mỗi ngày bình quân có hàng nghìn đơn xin vay vốn được gửi tới các công ty này. Đơn cử, tính đến ngày 27-6-2019, tổng đơn vay trên hệ thống của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tima đạt hơn 5,8 triệu đơn; số người đăng ký vay là hơn 3,5 triệu người; tổng số tiền giải ngân là 72.984 tỷ đồng.
Thạc sĩ Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam nhận định: Cho vay ngang hàng hầu hết là không có tài sản bảo đảm hoặc có thể có bảo đảm nếu công ty cung cấp dịch vụ nền tảng cho vay ngang hàng đứng ra bảo lãnh. Về mặt lợi ích, đối với người đi vay sẽ dễ dàng trong việc tiếp cận nguồn vốn, thời gian nhanh, lãi suất có thể thấp hơn khi đi vay thông qua các trung gian tài chính. Dưới góc độ thị trường, sẽ tạo sự đa dạng về kênh dẫn vốn và tăng tiếp cận tài chính; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển… Nếu quản lý tốt cho vay ngang hàng sẽ thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới sáng tạo phân bổ vốn hiệu quả theo nguyên tắc thị trường, chi phí đi vay sẽ giảm. Tuy nhiên, cho vay ngang hàng cũng có những rủi ro và thách thức nhất định, như: Người cho vay có thể mất trắng tiền khi không có bảo hiểm và hành lang pháp lý bảo vệ; không kiểm soát được mục đích sử dụng sau vay vốn, dẫn tới hình thành nợ xấu; bị tin tặc tấn công làm sập sàn tài chính gây mất dữ liệu…
Để tìm giải pháp hữu hiệu quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, tháng 3-2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan. Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với kiến nghị của các bộ, ngành, cho rằng dự thảo quyết định của Thủ tướng cần quy định về phương thức hoạt động truyền thống của cho vay ngang hàng, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay, đồng thời xem xét việc mở rộng sự tham gia của các tổ chức tài chính. Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đánh giá rõ hơn thực trạng hoạt động của 40 công ty cho vay ngang hàng ở Việt Nam và giao NHNN Việt Nam là cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung cơ bản về khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan.