Kinh nghiệm sắp xếp cán bộ sau sáp nhập đơn vị hành chính ở huyện Đà Bắc
Triển khai Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh, UBND huyện Đà Bắc đã chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan thông tin đại chúng và các xã, thị trấn tăng cường phổ biến, thông tin, tuyên truyền nội dung nghị quyết tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.
Trước khi sắp xếp, UBND huyện có 20 đơn vị, gồm 19 xã và 1 thị trấn. Quy mô dân số và diện tích ĐVHC cấp xã thuộc huyện có sự chênh lệch lớn, 100% đơn vị chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn ĐVHC theo tiêu chí về dân số, diện tích đất tự nhiên. Việc tổ chức thực hiện sắp xếp các ĐVHC theo Nghị quyết số 830 trên địa bàn huyện được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thực hiện sáp nhập để mở rộng thị trấn Đà Bắc (lấy xóm Tày Măng, Hương Lý, Kim Lý, Mó La, xã Tu Lý (cũ) để thành khu dân cư thuộc thị trấn Đà Bắc); thành lập xã Tú Lý trên cơ sở nhập nhập các xóm còn lại của xã Tu Lý và xã Hào Lý; sáp nhập xã Mường Tuổng vào xã Mường Chiềng; thành lập xã Nánh Nghê trên cơ sở nhập xã Đồng Nghê và xã Suối Nánh.
Đến hết quý II/2020, UBND huyện thực hiện xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tại các xã, thị trấn sau sáp nhập. Sau khi sắp xếp, huyện còn 17 ĐVHC cấp xã, gồm 16 xã và 1 thị trấn. Đến cuối năm 2021, đơn vị cấp xã còn dôi dư 2 người. Đồng chí Trịnh Thị Nguyệt Hoa, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết: Thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện theo đúng chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng chủ trương của Đảng bộ, chính quyền và nguyện vọng của Nhân dân. Quá trình triển khai có sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; có sự quyết tâm, đồng thuận, nhất quán từ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn. Việc sáp nhập, điều chỉnh ĐVHC cấp xã là cơ hội để mở rộng không gian đô thị, ĐVHC mới có quy mô lớn hơn sẽ thuận lợi trong việc tập trung các nguồn lực về đất đai, dân số, tạo điều kiện để quy hoạch, phát triển KT-XH, đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, tránh đầu tư dàn trải, thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của huyện và của tỉnh.
Kinh nghiệm sắp xếp cán bộ dôi dư cho thấy cần phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc những quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu trong các nghị quyết, kế hoạch. Tuyên truyền làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và những tác động tích cực của việc thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC đối với sự phát triển KT-XH của huyện; sự tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; các cơ quan, đơn vị trên thực hiện tốt việc phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước, rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nội dung liên quan sắp xếp ĐVHC. Luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; nhấn mạnh kết quả thực hiện sắp xếp các ĐVHC phù hợp theo quy định là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu. Đồng thời, thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc rà soát, đánh giá, bố trí, sắp xếp, lựa chọn những người có phẩm chất, năng lực; giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho những người bị tác động do sắp xếp, tạo sự đồng lòng từ cán bộ đến Nhân dân.