Kinh nghiệm thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh chất lượng

Để thiết kế một bài giảng điện tử có thể khơi dậy sự hứng thú và động lực học tập của học sinh, giáo viên cần kết hợp nhuần nhuyễn nội dung, phương pháp dạy-học-đánh giá và công nghệ.

Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đã khép lại với lễ tổng kết và trao giải đầy cảm xúc cuối tháng 7/2024 vừa qua. Sau nửa năm triển khai, cuộc thi thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên, sinh viên sư phạm Tiếng Anh toàn quốc, với hơn 7.500 tác giả đăng kí dự thi cùng 4.079 tác phẩm. Cuối cùng, Ban giám khảo đã lựa chọn 248 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

Một bài giảng điện tử chất lượng cao sẽ giúp tăng cường chất lượng dạy và học.

Một bài giảng điện tử chất lượng cao sẽ giúp tăng cường chất lượng dạy và học.

Những bài giảng này không chỉ thể hiện trình độ chuyên môn vững vàng mà còn cho thấy sự sáng tạo, kỹ năng ứng dụng công nghệ và tâm huyết của giáo viên, sinh viên sư phạm tiếng Anh. Bên cạnh đó, hàng ngàn bài giảng điện tử chất lượng cao đã được bổ sung vào kho học liệu số, giúp các giáo viên và học sinh toàn quốc tham khảo để nâng cao chất lượng dạy và học.

Qua tổng kết cuộc thi và chia sẻ của các giáo viên, có thể thấy, để thiết kế một bài giảng điện tử chất lượng, các giáo viên luôn cần đầu tư nhiều thời gian và công sức vào việc nghiên cứu tài liệu, chọn lựa nội dung phù hợp và áp dụng những công nghệ tiên tiến trong bài giảng của mình. Một bài giảng điện tử chất lượng không chỉ giúp truyền tải kiến thức hiệu quả mà còn khơi dậy sự hứng thú và động lực học tập. Yếu tố quan trọng để tạo nên một bài giảng điện tử xuất sắc là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung, phương pháp dạy-học-đánh giá và công nghệ.

Trước khi thiết kế bài giảng giáo viên cần xác định rõ mục tiêu học tập cho bài giảng. Điều này giúp giáo viên định hình được những gì cần truyền đạt trong bài giảng nhằm lập kế hoạch giảng dạy phù hợp và chọn lựa phương pháp giảng dạy hiệu quả đồng thời nhận diện được nhu cầu và khả năng của từng học sinh, từ đó có thể điều chỉnh bài giảng và phương pháp dạy học để phù hợp hơn với từng đối tượng.

Ngoài ra, nhằm đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng học sinh khác nhau trong bài giảng, giáo viên có thể chia các đối tượng học sinh thành hai nhóm chính theo hai tiêu chí là năng lực học tập và cách thức học tập.

Cách đơn giản nhất đảm bảo mục tiêu học tập và đáp ứng các đối tượng học sinh khác nhau là thiết kế bài giảng theo các gợi ý trên hoclieu.vn nhưng có mở rộng, thay đổi hoạt động theo hướng hấp dẫn và sáng tạo, chú ý bổ sung các hướng dẫn thêm (dành cho học sinh cần hỗ trợ), thiết kế thêm một vài hoạt động nâng cao dành cho học sinh có năng lực tốt (dưới dạng liên kết trang đến hoạt động nâng cao). Ở mức cao hơn, để bài giảng đạt mục tiêu và đáp ứng các yếu tố năng lực và cách học của các nhóm học sinh, các hoạt động học tập và đánh giá nên được phân hóa theo các nhóm học sinh, để học sinh có thể chọn các hoạt động phù hợp với cá nhân.

Một trong những kinh nghiệm tiếp theo được rút ra là việc ứng dụng phương pháp dạy-học-đánh giá. Theo đó, giáo viên sẽ thực hiện các hoạt động học và đánh giá theo một chuỗi logic, hấp dẫn và sáng tạo giúp học sinh đạt được mục tiêu học tập một cách hiệu quả thông qua cách sắp xếp trình tự hoạt động, qua cách giáo viên dẫn dắt, gợi ý, tìm hiểu năng lực học sinh bằng cách hỏi đáp, giao nhiệm vụ, đánh giá học sinh thực hiện nhiệm vụ và hỗ trợ học sinh.

Hệ sinh thái hoclieu.vn sẽ giúp các giáo viên xây dựng bài giảng nhanh chóng, chất lượng cao.

Hệ sinh thái hoclieu.vn sẽ giúp các giáo viên xây dựng bài giảng nhanh chóng, chất lượng cao.

Để cải thiện hơn nữa chất lượng bài giảng, giáo viên cũng nên chú trọng tạo cơ hội cho học sinh tham gia, tương tác tích cực với bài giảng điện tử. Không chỉ tương tác với bài giảng và giáo viên, người dạy còn có thể tạo điều kiện để học sinh tương tác với bạn học. Ví dụ, thông qua các nền tảng số như trang padlet cho phép học sinh nộp bài và xem/nhận xét về bài làm của bạn khác, hay trang quizizz cho phép học sinh chọn bạn chơi trong các trò chơi ngôn ngữ.

Cuối cùng, công nghệ là yếu tố không thể thiếu trong một bài giảng điện tử . Việc áp dụng các phần mềm soạn bài giảng điện tử, sử dụng đa phương tiện và tích hợp các tính năng liên kết các trang trò chơi, bài tập, thu âm giọng nói, v.v., giúp bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Hy vọng rằng, những kiến thức và kinh nghiệm từ cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh sẽ mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho các thầy cô giáo, giúp thầy cô sáng tạo ra những bài giảng điện tử hấp dẫn và hiệu quả hơn. Những kỹ năng tích lũy được từ sân chơi trí tuệ này sẽ không chỉ cải thiện chất lượng giảng dạy mà còn tạo ra môi trường học tập tương tác và sinh động hơn cho học sinh.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/kinh-nghiem-thiet-ke-bai-giang-dien-tu-tieng-anh-chat-luong-i740997/