Kinh nghiệm thúc đẩy phụ nữ tham chính của một số nước
Theo cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), sự tham gia chính trị của phụ nữ là điều kiện tiên quyết cơ bản cho bình đẳng giới và dân chủ thực sự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia trực tiếp của phụ nữ vào quá trình ra quyết định công.
Bài viết xin giới thiệu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về thúc đẩy phụ nữ tham chính.
Canada là nước có nhiều biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và địa vị của phụ nữ như chỉ định Nội các liên bang cân bằng giới tính; bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt như Lãnh đạo Hạ viện, Lực lượng Cảnh sát hoàng gia, Tư lệnh Đại học Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Thẩm phán...; sửa đổi luật quản trị doanh nghiệp để gia tăng sự tham gia của phụ nữ vào hội đồng quản trị và ở các vị trí quản lý cấp cao; có chương trình kèm cặp, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm từ các chính trị gia có kinh nghiệm…
Pháp thực hiện cân bằng giới trong bầu cử. Luật năm 1999 đã đưa ra một hệ thống chỉ tiêu để đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong nền chính trị Pháp. Hiện tại, các đảng chính trị phải có số ứng cử viên nam và nữ tương đương trong các cuộc bầu cử thành phố (ngoại trừ các thị trấn có ít hơn 3.500 người). Ngân sách của một đảng sẽ bị hạn chế nếu phụ nữ không chiếm ít nhất 49% số ứng cử viên trong bầu cử.
Thụy Điển tuyên bố là quốc gia đầu tiên có Chính phủ nữ quyền và theo đuổi chính sách ngoại giao nữ quyền. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Nghị viện và các vị trí lãnh đạo cấp Bộ rất ấn tượng. Năm 2020, Thụy Điển có 46,1% nữ giới trong quốc hội. Để có thể thực hiện chính sách nữ quyền, Chính phủ đã thực hiện lồng ghép giới trong mọi công đoạn của chính sách và ở mọi cấp, trong đó ba yếu tố quan trọng là khả năng, năng lực của người thực hiện công tác bình đẳng giới; ngân sách dành cho các hoạt động đảm bảo bình đẳng giới và sự đồng thuận trong nhận thức và hành động. Thụy Điển cũng thực hiện "Chiến lược đôi" nhằm đạt bình đẳng giới trong xã hội, nghĩa là vừa có chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vừa xây dựng các dự án/kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới; quy định cụ thể và bắt buộc đối với tất cả số liệu thống kê phải có tách biệt giới.
Na Uy là một trong những quốc gia có chỉ số về nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ hàng đầu thế giới. Năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử Na Uy có nữ Bộ trưởng Ngoại giao và 3 vị trí quan trọng nhất trong Chính phủ (Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính) đều do nữ đảm nhiệm. Các chỉ số về sự tham chính của phụ nữ cao và đồng đều. Na Uy ban hành Luật Bình đẳng giới từ năm 1979, trong đó có quy định: "Khi thành lập và bổ nhiệm, bầu cử các thành viên của một cơ quan nhà nước, ủy ban, hội đồng, ban… có từ 4 thành viên trở lên thì mỗi giới phải có đại diện với tỷ lệ ít nhất là 40%. Đối với ủy ban có từ 2 đến 3 thành viên thì phải có đại diện cả hai giới trong các ủy ban này".
Ngoài các nước phát triển nêu trên, một số quốc gia khác ở châu Mỹ - Latinh và châu Phi cũng có những nỗ lực và đạt nhiều kết quả ấn tượng trong thúc đẩy phụ nữ tham chính như: Thượng viện Mexico thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 2019 dành 50% các vị trí trong chính quyền các cấp cho phụ nữ; Tỷ lệ phụ nữ Cuba tham gia trong chính trị là 51,5% ở các vị trí lãnh đạo trong Đảng và Chính phủ; Năm 2013, Đảng Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO) - Đảng cầm quyền tại Namibia đưa vào Điều lệ Đảng nguyên tắc 50-50 để đảm bảo sự tham gia bình đẳng của nam và nữ trong Đảng, đồng thời các danh sách lãnh đạo đều theo mô hình "ngựa vằn" - có sự đan xen nam nữ để khắc phục việc phụ nữ chỉ đảm nhiệm cấp phó. Tháng 10/2018, Ethiopia và Rwanda đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Phi mà phụ nữ chiếm 50% thành viên Nội các.