Kinh nghiệm truy vết doanh nghiệp mua bán hóa đơn từ Chi cục Thuế TP. Thủ Đức

Từ kết quả kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn, Chi cục Thuế TP. Thủ Đức (Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh) nhận thấy, doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn là những doanh nghiệp có doanh thu trong tháng lớn, thường xuyên chuyển địa điểm kinh doanh, tạm ngưng kinh doanh hoặc thậm chí là giải thể.

Dấu hiệu từ doanh nghiệp có doanh thu theo tháng lớn

Nhằm đấu tranh với hoạt động mua bán hóa đơn trên địa bàn, ngay từ khi Chi cục Thuế TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp, hợp nhất 3 chi cục thuế (năm 2022), ban lãnh đạo đơn vị đã thống nhất triển khai kế hoạch kiểm tra hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) và kiểm tra thực tế tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) nhằm phát hiện các DN được thành lập với mục đích chủ yếu là mua bán hóa đơn.

Công chức Chi cục Thuế TP. Thủ Đức kiểm tra thông tin tờ khai thuế GTGT của doanh nghiệp. Ảnh: Đỗ Doãn

Công chức Chi cục Thuế TP. Thủ Đức kiểm tra thông tin tờ khai thuế GTGT của doanh nghiệp. Ảnh: Đỗ Doãn

Khi phát hiện dấu hiệu, cơ quan thuế ban hành thông báo giải trình, nếu DN không giải trình, hoặc giải trình không hợp lý thì tiến hành kiểm tra thực tế hoạt động DN. Đợt đầu, Chi cục Thuế TP. Thủ Đức đã chọn các DN có doanh thu kê khai trên tờ khai thuế GTGT quý IV/2021 và riêng tháng 12/2021 từ 10 tỷ đồng trở lên; sau đó mở rộng đến các tháng, quý khác của năm 2021 và 2022.

Theo nhận diện từ Chi cục Thuế TP. Thủ Đức, doanh nghiệp có dấu hiệu buôn bán hóa đơn là những doanh nghiệp có doanh thu lớn và luôn sử dụng các kỹ thuật để tránh né sự kiểm tra của cơ quan thuế như: chuyển địa điểm kinh doanh, giải thể, tạm ngưng kinh doanh.

Với cách thức trên, trong năm 2022 chi cục đã kiểm tra được 2.102 DN cả về hồ sơ khai thuế lẫn thực tế hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Thống kê kết quả kiểm tra cho thấy, nhóm rủi ro cao có đến 688 DN, chiếm tỷ lệ 32,73%. Trong nhóm này, có 361 DN chuyển cơ quan thuế quản lý, chiếm tỷ lệ 17,17%; 5 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm tỷ lệ 0,24%; 86 DN đang làm thủ tục giải thể, chiếm tỷ lệ 4,09%.

Đáng chú ý có 236 DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, chiếm tỷ lệ 11,23%. Với số DN này, chi cục đã chuyển 108 hồ sơ sang cơ quan công an và cơ quan công an sau đó đã yêu cầu cung cấp thêm 32 hồ sơ.

Cùng chính quyền địa phương xác minh hoạt động thực tế

Theo chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Thuế TP. Thủ Đức, để nắm được những DN này, công chức thuế đã phải đeo bám và phải kiên quyết xử lý mới đạt được kết quả như mong muốn. Chẳng hạn như khi ban hành thông báo giải trình, DN lập tức nộp hồ sơ giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để không phải giải trình theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Chuẩn bị hồ sơ kê khai thuế tại Chi cục Thuế TP. Thủ Đức. Ảnh: Đỗ Doãn

Chuẩn bị hồ sơ kê khai thuế tại Chi cục Thuế TP. Thủ Đức. Ảnh: Đỗ Doãn

Ứng phó với tình huống này, chi cục đã tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương xác minh thực tế hoạt động của DN trước khi giải thể, qua đó phát hiện nhiều DN không có bất kỳ hoạt động gì tại địa chỉ đăng ký kinh doanh trước đó. Từ kết quả xác minh như vậy, chi cục thuế đã thực hiện thông báo DN không hoàn tất nghĩa vụ giải thể và cảnh báo rủi ro về hóa đơn gửi cho các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như chuyển tin báo cho cơ quan công an phối hợp xử lý.

Cũng có DN khi nhận được thông báo yêu cầu giải trình từ cơ quan thuế đã gần như ngay lập tức nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Với tình huống này, chi cục thuế đã tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương xác minh thực tế hoạt động của DN (vì tạm ngừng kinh doanh không đồng nghĩa với không hoạt động).

Trường hợp kết quả phối hợp xác minh thực tế DN không hoạt động trước và sau khi đăng ký tạm ngừng kinh doanh thì chi cục thuế ban hành thông báo DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; đồng thời ban hành văn bản cảnh báo rủi ro về hóa đơn gửi cho các cơ quan quản lý nhà nước và chuyển tin báo cơ quan công an phối hợp xử lý.

Theo khuyến nghị của lãnh đạo Chi cục Thuế TP. Thủ Đức, công chức thuế phải đeo bám doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm để đề nghị cơ quan công an cùng cấp tham gia xử lý. Rủi ro về trách nghiệm khi quản lý các đối tượng này rất cao và công tác quản lý cũng rất vất vả. Mặc dùy vậy, nếu công chức thuế không quyết liệt, không thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình thì rủi ro về trách nhiệm rất lớn.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-nghiem-truy-vet-doanh-nghiep-mua-ban-hoa-don-tu-chi-cuc-thue-tp-thu-duc-122162.html