Kinh nghiệm từ Nhật Bản trong khắc phục tình trạng khan hiếm hàng hóa

Nhật Bản là quốc gia chịu nhiều thiên tai-thảm họa nên cũng có những biện pháp hiệu quả trong ngăn chặn tình trạng đổ xô mua hàng tích trữ gây khan hiếm thị trường trong thảm họa.

Hướng dẫn trên website Japan Living Guide về loại hàng và định lượng tích trữ cần thiết đề phòng thiên tai, thảm họa. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Hướng dẫn trên website Japan Living Guide về loại hàng và định lượng tích trữ cần thiết đề phòng thiên tai, thảm họa. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Nhật Bản là quốc gia chịu nhiều thiên tai-thảm họa, từ những cơn bão dữ dội đến những thảm họa động đất khó dự đoán trước.

Chính vì vậy, đây là quốc gia có công tác chuẩn bị để đề phòng thảm họa thiên tai rất bài bản, trong đó có hoạt động chuẩn bị đồ dùng lương thực và hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt, Nhật Bản cũng có những biện pháp hiệu quả trong ngăn chặn tình trạng đổ xô mua hàng tích trữ gây khan hiếm thị trường trong thảm họa.

Tích trữ đề phòng thảm họa

Tại Nhật Bản, chính phủ trung ương cũng như nhiều chính quyền địa phương từ cấp quận trở lên đều công bố trên website hướng dẫn chi tiết về các mặt hàng cần được tích trữ để đề phòng trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên tai. Các mặt hàng được mua nhiều nhất trong thời điểm này thường là lương thực-thực phẩm, nước đóng chai, đồ dùng vệ sinh thiết yếu, túi nylon.

Về thực phẩm, các hướng dẫn đề nghị mua những các loại thực phẩm ăn liền, thực phẩm khô có thời hạn sử dụng lâu như mỳ ăn liền, thực phẩm sấy khô, thực phẩm đóng hộp hoặc đồ ăn nhẹ, các loại thanh năng lượng hay thanh thực phẩm..

Một trận động đất lớn có thể gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở cung cấp nước và làm gián đoạn nguồn cung cấp. Việc khôi phục dịch vụ nước có thể mất nhiều thời gian, dẫn đến tình trạng mất nước kéo dài, vì vậy điều quan trọng là phải tích trữ nước để đảm bảo luôn có đủ nước để uống và sử dụng tại nhà. Trong trường hợp xảy ra thảm họa, chính phủ khuyến nghị mọi người nên có ý thức tiết kiệm nước và sử dụng ít nhất có thể.

Ngoài ra, hướng dẫn cũng liệt kê các mặt hàng cần thiết cho việc vệ sinh cá nhân trong trường hợp đang mắc kẹt trong thảm họa như túi nilon các kích cỡ và bồn vệ sinh di động.

Trong tình hình bình thường, các mặt hàng nhu yếu phẩm luôn có trên các quầy hàng của các cửa hàng và siêu thị. Tuy nhiên, khi có cảnh báo thiên tai hay trong thảm họa, ban đầu thường xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.

Khi dịch COVID-19 mới bùng phát tại Nhật Bản đầu năm 2020, trong thời gian đầu đã xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang, giấy vệ sinh, các dung dịch sát khuẩn...

 Siêu thị Life ở Tokyo treo thông báo quy định mỗi người chỉ được mua 1 túi gạo 5kg sau khi chính phủ ban hành cảnh báo về nguy cơ siêu động đất ở Rãnh Nankai. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Siêu thị Life ở Tokyo treo thông báo quy định mỗi người chỉ được mua 1 túi gạo 5kg sau khi chính phủ ban hành cảnh báo về nguy cơ siêu động đất ở Rãnh Nankai. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Cảnh báo về siêu động đất Rãnh Nankai đầu tháng 8/2024 và trận bão Shanshan đổ bộ vào nước này cuối tháng Tám vừa qua cũng đã khiến người dân đổ xô đi mua hàng, gây ra tình trạng thiếu một số mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, giấy vệ sinh, nước đóng chai tại một số thời điểm nhất định ở một số khu vực.

Các biện pháp khắc phục tình trạng tích trữ quá đà

Các cấp chính quyền Nhật Bản cũng như doanh nghiệp luôn có hàng hóa tích trữ đề phòng thảm họa, đặc biệt là đề phòng động đất, loại hình thiên tai xảy ra bất ngờ, khó dự đoán trước và thường gây hậu quả nặng nề về gián đoạn nguồn cung.

Cùng với đó, nhận thức tầm quan trọng của việc tích trữ tại mỗi hộ gia đình, nhà chức trách Nhật Bản cũng thường có những hướng dẫn và phản ứng kịp thời để định hướng hoạt động tích trữ cũng như điều tiết tình hình cung cầu trên thị trường.

Tích trữ thường xuyên và đúng định lượng

Song song với việc đưa ra các hướng dẫn về chủng loại hàng hóa nên mua, các cấp chính quyền ở Nhật Bản cũng có hướng dẫn cụ thể về cách thức tích trữ và số lượng tích trữ cần thiết.

Về cách thức tích trữ, hướng dẫn đề nghị mọi người mua hàng nhiều hơn một chút so với mức bình thường tiêu thụ mỗi ngày và lần lượt tiêu thụ hàng cũ trước rồi bổ sung hàng dự trữ thường xuyên. Việc làm này là nhằm mục đích trong nhà luôn có sẵn những mặt hàng thiết yếu đồng thời đảm bảo không để cho hàng hóa lưu trữ bị quá hạn sử dụng. Đây được gọi là “tích trữ thường xuyên,” được coi là phương pháp hiệu quả vì mọi người đang tích trữ những thực phẩm ăn hàng ngày.

Về số lượng tích trữ, đối với các doanh nghiệp, các tụ điểm công cộng, các địa điểm có thể trở thành cơ sở lánh nạn, chính phủ quy định rõ ràng về số lượng nhu yếu phẩm được tích trữ thường xuyên.

Theo yêu cầu của chính phủ, các doanh nghiệp phải dự trữ ít nhất 3 ngày lương thực cho mỗi nhân viên. Ngoài ra nên dự trữ nhiều hơn khoảng 10% so với mức tối thiểu trong trường hợp có khách đến văn phòng khi thảm họa xảy ra. Đối với nơi trú ẩn tạm thời, cần dự trữ số nhu yếu phẩm đủ dùng trong 3 ngày, với số người lánh nạn mà cơ sở chứa được. Các loại nhu yếu phẩm thường xuyên được tiêu thụ và bổ sung thay thế để tránh hàng bị quá hạn sử dụng.

Đối với các hộ gia đình, hướng dẫn ghi rõ định lượng tích trữ của từng loại hàng. Website Japan Living Guide đã đưa ra định lượng tích trữ cho 2 người lớn trong một tuần để làm căn cứ. Với ước tính mỗi người tiêu thụ 3 lít nước/ngày, định lượng cần thiết là 4 thùng nước đóng chai loại 6 chai 2 lít/thùng.

Với dự đoán một người tiêu thụ 75 gram gạo/bữa, hướng dẫn khuyến nghị là dự trữ 2 túi gạo loại 2kg/túi, 6 hộp cơm, 6 mỳ cốc ăn liền, 2 túi mỳ somen kiểu Nhật loại 300 g/túi, 2 túi mỳ pasta loại 600 g/túi. Ngoài ra, các hướng dẫn cũng khuyên để cung cấp đủ protein, định lượng dự trữ khoảng 18 hộp thực phẩm đóng hộp, 6 túi sốt pasta…

 Dòng người xếp hàng dài tại siêu thị trong đợt khan hiếm hàng đầu tháng 8/2024 do tâm lý tích trữ hàng để phòng nguy cơ xảy ra siêu động đất ở Rãnh Nankai. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Dòng người xếp hàng dài tại siêu thị trong đợt khan hiếm hàng đầu tháng 8/2024 do tâm lý tích trữ hàng để phòng nguy cơ xảy ra siêu động đất ở Rãnh Nankai. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản thường xuyên kêu gọi mọi người không nên tích trữ quá mức dẫn đến nhu cầu các nhu yếu phẩm hàng ngày tăng đột biến, gây ra tình trạng khan hiếm. Các hướng dẫn chi tiết về số lượng và thời gian tích trữ là căn cứ quan trọng để tránh trường hợp mua quá nhiều, vượt quá mức cần thiết dẫn đến thừa thãi, gây lãng phí.

Điều tiết cung cầu

Điều tiết cung cầu trên thị trường kịp thời là một biện pháp quan trọng khác để khắc phục tình trạng khan hiếm hàng.

Trong đợt mới bùng phát dịch COVID-19 đầu năm 2020, ngay sau khi xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang, các dung dịch sát khuẩn, các cửa hàng và siêu thị ngay lập tức áp dụng quy định hạn chế như mỗi khách chỉ được mua một túi khẩu trang.

Đầu tháng 8/2024, khi chính phủ Nhật Bản ban hành cảnh báo nguy cơ siêu động đất, một số siêu thị như Life đã ngay lập tức đưa ra quy định mỗi khách hàng chỉ được mua một túi gạo 5kg.

Các siêu thị, bao gồm Ito-Yokado thuộc sở hữu của Seven & i Holdings Co., đã giới hạn số lượng bán nước uống ở mức 12 chai nhựa loại 2 lít/chai cho mỗi gia đình để ngăn chặn tình trạng tích trữ.

Trong trường hợp tình trạng khan hiếm hàng chưa đến mức quá trầm trọng, chính phủ sẽ tổ chức họp với các doanh nghiệp liên quan để điều tiết nguồn cung phù hợp. Các công ty sản xuất các loại nhu yếu phẩm như gạo, nước, sữa… sẽ cân nhắc kế hoạch tăng sản lượng. Trong trường hợp khẩn cấp, chính phủ sẽ tính đến việc mở kho dự trữ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ví dụ, đối với tình trạng một số nơi khan hiếm gạo trong tháng 8/2024, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp với nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, nhà bán buôn và nhà sản xuất thực phẩm vào đầu tháng 9/2024, để trao đổi về việc đảm bảo nguồn cung gạo ổn định.

Tại cuộc họp, các công ty giao hàng cho biết đang chuẩn bị cho các lô hàng gạo mới thu hoạch vụ mùa năm 2024 để đảm bảo phân phối nhanh chóng đến các siêu thị, cửa hàng. Tình trạng khan hiếm gạo được khắc phục nhanh chóng chỉ sau vài ngày.

Tích trữ đồ dùng thiết yếu cho những tình huống cấp bách là công tác cần thiết nhằm đảm bảo cho cuộc sống trong trường hợp xảy ra sự cố, thiên tai. Tuy nhiên, tâm lý tích trữ quá đà sẽ đồng thời dẫn tới tình trạng găm hàng hóa khiến giá cả tăng cao, ảnh hưởng tới chính người dân.

Nắm vững các thông tin về cách thức và số lượng cần tích trữ cùng với sự phối hợp đồng bộ từ chính phủ đến doanh nghiệp trong điều tiết cung cầu chính là biện pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng khan hiếm hàng trong thiên tai, thảm họa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kinh-nghiem-tu-nhat-ban-trong-khac-phuc-tinh-trang-khan-hiem-hang-hoa-post976748.vnp