Kinh nghiệm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh: Nhà nước cần tạo cơ hội để sản xuất ra những bộ phim tốt
Theo kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực, để phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là công nghiệp điện ảnh, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Điện ảnh mang đến cơ hội phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế
Ông Jacob Neiiendam - Trưởng ban Quốc tế tại Viện phim Đan Mạch (DFI) khẳng định, Đan Mạch không thể có nền công nghiệp điện ảnh nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo ông Jacob, từ năm 1972, Luật Điện ảnh nước này đã được xây dựng, trong đó có chính sách đầu tư cho các dự án điện ảnh tiêu biểu, đặc thù hoặc phim có thể bán hơn 100.000 vé…
"Tuy nhiên, thay vì đầu tư 100%, với các dự án tốt, nhà làm phim Đan Mạch chỉ được đầu tư một phần nào đó, có thể ưu tiên đối với các dự án ngắn, những người làm phim đầu tay… Chẳng hạn, các phim dành cho trẻ em có thể được hỗ trợ 25%; các phim đầu tay của đạo diễn, chất lượng đạt yêu cầu có thể được hỗ trợ từ 25 - 30% tổng ngân sách của phim... Với sự hỗ trợ này, đội ngũ làm phim có thể sử dụng để phát triển dự án, hoặc dùng để kêu gọi thêm tài trợ từ các nguồn khác. Chúng tôi gọi đó là cơ chế thương mại'- ông Jacob Neiiendam chia sẻ.
"Điều quan trọng hơn, Nhà nước không chỉ chi tiền đầu tư sản xuất mà còn tạo mạng lưới, kết nối cơ hội cho những nhà làm phim trẻ... Sau cùng, để giải bài toán làm sao để phim được chiếu tại rạp càng lâu càng tốt, chiến lược marketing là điều quan trọng. Tức là, Nhà nước trực tiếp tham gia, hỗ trợ từ khâu sản xuất đến khâu cuối cùng là phát hành phim", ông Jacob Neiiendam cho hay.
Ông Jacob Neiiendam cũng cho rằng, Đan Mạch không tài trợ 100% mà chỉ một phần, còn ở Việt Nam lại tài trợ 100% cho phim đặt hàng nhưng phim thương mại và phim tư nhân thì lại chưa quan tâm, điều này là chưa hợp lý.
Theo ông Jacob Neiiendam, nhà nước đã tài trợ thì có quyền lựa chọn, có quyền phát triển, dự án tốt thì có thể tài trợ 100%, nhưng nếu chúng ta tài trợ 1 phần, người làm phim có thể tìm thêm các nguồn hỗ trợ khác, bởi nếu như bạn đầu tư 100% bạn sẽ kiểm soát về phim đó, nhưng nếu có người khác làm phim đó tốt hơn thì sao? "Cần phải tạo cơ hội sáng tạo cho họ, để họ có thể hợp tác quốc tế, và điều hỗ trợ 100% không dành cho phim Đan Mạch"- ông Jacob Neiiendam khẳng định.
Ông AJ.Kissada Kamyoung, Nhà sản xuất phim, cán bộ nghiên cứu chủ chốt của Dự án Thúc đẩy kết nối và Thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim do UNESCO tài trợ tại Thái Lan cho biết, Thái Lan là một trong những quốc gia có nền điện ảnh phát triển nhất khu vực Đông Nam Á. Nền điện ảnh Thái Lan bắt đầu phát triển từ những năm 1930. Cho đến năm 2005 Thái Lan đã có tới 9 phim vượt mốc doanh thu 1 triệu USD toàn cầu. Phim nội địa có doanh thu cao nhất mọi thời đại của điện ảnh Thái đang là "Pee Mak Phra Khanong" ra mắt năm 2013, đạt doanh thu 30 triệu USD (gần gấp đôi "Bố già" – phim ăn khách nhất Việt Nam vừa qua với doanh thu 18 triệu USD).
Theo ông AJ.Kissada Kamyoung, Luật Điện ảnh của Thái Lan cũng có những quy định chặt chẽ, khắt khe và được luật hóa rõ ràng để làm căn cứ xử lý những sai phạm trong điện ảnh tại nước này. Ví dụ các cảnh khỏa thân, hút thuốc, sự xuất hiện của rượu hay chĩa súng vào người khác, cảnh bạo lực, máu me cũng sẽ bị cấm chiếu. Các hình ảnh trên phải được che mờ và dán nhãn. Đã có rất nhiều bộ phim nước ngoài mất đi nội dung vì những quy định khắt khe tại Thái Lan và hiện nay đang có nhiều tranh cãi ví dụ như bộ phim "Hội chứng thế kỷ" năm 2006 có cảnh một nhà sư chơi guitar phải bị cắt bỏ song đạo diễn người Thái đã không cắt nên phim đã không được chiếu trên Thái Lan. Riêng với các vấn đề tình dục trên phim, mãi cho đến sau năm 1973, các nhà làm phim mới được tự do hơn trong việc thể hiện.
Chia sẻ nghiên cứu của mình, ông AJ.Kissada Kamyoung thông tin thêm, ngành công nghiệp điện ảnh Thái Lan cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như việc tìm kiếm nguồn tài trợ tài chính, phúc lợi, an toàn khi làm, sự hỗ trợ của Chính phủ với điện ảnh, hay việc quảng cáo… Đặc biệt gần đây ở Thái Lan, điện ảnh trở nên nhạy cảm, liên quan đến sự tự do biểu đạt, người làm điện ảnh Thái Lan thiếu sự tự do biểu đạt để làm những bộ phim nghệ thuật. Ngoài ra, chuỗi rạp chiếu phim của Thái Lan cũng đang trở nên khó khăn hơn để chiếu các phim khác nhau.
Tuy nhiên, theo ông AJ.Kissada Kamyoung, công nghiệp điện ảnh ở Thái Lan rất phát triển nhờ chính sách thu hút phim quốc tế đến quay phim ở Thái Lan. Chính phủ Thái giảm thuế, hoàn thuế đến 15% cho các đoàn làm phim, giảm thêm 5% nếu sử dụng nhiều nhân lực của Thái Lan khi thực hiện phim.
Theo ông AJ.Kissada Kamyoung, Việt Nam cần xem xét ngành điện ảnh theo cách là một ngành tổng hợp bởi điện ảnh là sự tăng cường, đa dạng, mang đến cơ hội, chìa khóa để phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế.
Cuối cùng, ông AJ.Kissada Kamyoung cho rằng điều quan trọng nhất trong phát triển công nghiệp điện ảnh ở khu vực Đông Nam Á thì phải có sự kết nối để cho các nhà sản xuất phim kết nối với nhau, khó khăn cho chúng tôi có thể hợp tác với nhau liên quan đến ngân sách tài chính, tài trợ. Hỗ trợ từ chính phủ ở các nước khác, nhưng có lẽ sự hỗ trợ như vậy cần có nhiều hơn, vì nguồn lực đó vẫn hạn chế, tôi nghĩ rằng cuối cùng các diễn đàn phim điện ảnh cần tổ chức để có sự kết nối giữa quốc gia với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, thiết lập những giá trị tốt nhất.
Tạo sức hút với các nhà làm phim quốc tế
Bà Vivian Idris- Chuyên gia điện ảnh cao cấp, Phó Chủ tịch Hội đồng điện ảnh Indonesia cho biết, hiện nay, quốc gia này cũng có nhiều chính sách để thu hút nhà làm phim trong nước sáng tạo đồng thời thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Indonesia. Chính phủ Indonesia cũng có những hỗ trợ cho các nhà làm phim đi nước ngoài, tham gia liên hoan phim, hỗ trợ cho sản xuất..
Nhà biên kịch, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, điện ảnh Việt Nam còn yếu khâu quảng bá ra thế giới. Theo đó, ở các quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh, khi tổ chức những hội chợ điện ảnh, liên hoan phim đều có gian hàng quốc gia, đây là nơi mà các quốc gia giới thiệu nền điện ảnh của mình với thế giới. Tất cả những thông tin nhà làm phim quốc tế cần đều sẽ có. Rất tiếc, Việt Nam chưa có gian hàng nào.
"Thông tin về nền điện ảnh Việt Nam ở các liên hoan phim, các hội chợ phim hầu như mọi người không biết. Điều chúng ta phải làm bây giờ là phải có gian hàng quốc gia giới thiệu tất cả những thông tin về điện ảnh Việt Nam, điểm đến của bối cảnh phim, chính sách ưu đãi cho các nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam, các kịch bản cần chào bán….. Ngoài ra chúng ta phải xem những hãng phim, bối cảnh, luật điện ảnh như thế nào, cơ quan nào cần để xin giấy phép, làm thành một bộ thông tin để cung cấp cho các nhà làm phim, chúng ta chưa có. Tôi hy vọng trong thời gian tới sớm cho nhưng bộ thông tin như vậy. Nền điện ảnh của chúng ta cũng sẽ rất thu hút, hấp dẫn, nếu chúng ta cung cấp thông tin, xúc tiến, và đảm bảo Việt Nam là điểm đến an toàn, xinh đẹp, thân thiện với những đoàn làm phim quốc tế"- Biên kịch, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ./.