Kinh nghiệm xuất bản sách trên Amazon thành công của tác giả Việt
Mô hình tự xuất bản, in theo lượng đặt mua và giao hàng tận nơi của Amazon giúp tác giả từ mọi nơi trên thế giới đều có thể tự xuất bản cuốn sách của mình một cách dễ dàng.
Những năm qua, một số tác giả Việt đã thử sức đưa sách của mình giới thiệu đến quốc tế bằng việc xuất bản sách tiếng Anh tại thị trường Mỹ và trên các nền tảng như Amazon.
Những đầu sách phi hư cấu được độc giả quốc tế đón nhận
Năm 2020, sách du ký Through Asia: A whisper from the East (tạm dịch: Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông) của tác giả Nguyễn Huy Tâm trở thành sách bán chạy top đầu trong mảng sách du lịch trên Amazon. Quá trình viết cuốn sách bằng tiếng Việt, sau đó dịch sang tiếng Anh và xuất bản hoàn thành trong 2 năm.
Trong một phỏng vấn với Tri Thức - ZNews, anh cho biết đã gửi đi ít nhất là 70 email cho 70 đối tác ở Mỹ, Canada và Anh. Từ khi có nhà xuất bản nhận lời đến khi cuốn sách ra mắt mất hai tháng. Nguyễn Huy Tâm nhận được nhuận bút tương đương 10% giá bìa cho mỗi cuốn bán ra.
Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, tháng 4/2023, sách Meandering Sobriety (tạm dịch: Lang thang trong sự tỉnh thức) của tác giả Vương Quân Hoàng (Trường Đại học Phenikaa) trở thành tựa sách nhận được nhiều đơn hàng nhất tại Amazon Bestseller trong hạng mục sách Triết học.
Một trường hợp khác là Huyền Chip, tác giả Việt nhiều năm qua sinh sống, học tập và làm việc tại Mỹ với cuốn sách Machine Learning Systems Design (tạm dịch: Thiết kế hệ thống học máy) ra mắt tháng 5/2022. Cuốn sách bán 10.000 bản và được mua bản quyền dịch ra 11 thứ tiếng sau một tháng phát hành, trụ rất lâu trong top sách bán chạy hạng mục sách máy tính và công nghệ. Tuy nhiên, trường hợp của Huyền Chip tương đối khác biệt với các tác giả kể trên vì chị ra mắt sách tại Mỹ, khó gọi là "ra thế giới".
Gần đây nhất, cuốn sách Profit-driven markeitng digital marketing tác giả Quân Võ cũng lọt top bán chạy hạng mục marketing quốc tế trên Amazon. Tác phẩm này được anh xuất bản một năm sau khi bản tiếng Việt Digital marketing cho nhà quản lý phát hành và bán được hơn 5.000 bản.
Dễ nhận thấy những đầu sách trên đây có điểm chung đều là sách phi hư cấu, có đối tượng độc giả khá cụ thể. Nhìn vào số ít những trường hợp rất cá biệt này, dường như việc xuất bản sách tiếng Anh vẫn còn xa lạ với tác giả Việt, có lẽ đến từ nhiều yếu tố rào cản của việc tiếp cận thị trường sách quốc tế.
Trò chuyện với Tri Thức - ZNews, tác giả Quân Võ kể về quá trình đưa cuốn sách của mình đến với độc giả quốc tế qua nền tảng Amazon và kỳ vọng chia sẻ kinh nghiệm của mình để mở đường cho những tác giả cùng tham vọng "xuất khẩu tri thức Việt".
Nền tảng tự xuất bản của Amazon
Việc xuất bản sách tiếng Anh vốn nằm trong dự định ngay từ ban đầu của Quân Võ: "Từ khi quyết định làm sách, tôi đã có định hướng là không chỉ dừng lại ở phiên bản tiếng Việt, mà đưa cuốn sách ra với độc giả quốc tế".
Tại Việt Nam, anh Quân Võ làm việc cùng đội ngũ công ty sách Giver books. Như các đơn vị xuất bản khác, Giver books hỗ trợ tác giả biên tập nội dung, thiết kế bìa, xin giấy phép xuất bản, in ấn, phát hành, quảng bá cuốn sách.
Nhưng để xuất bản cuốn sách tiếng Anh, thay vì tìm một đơn vị phát hành hỗ trợ "trọn gói" như trên tại nước ngoài mà có lẽ cũng không dễ dàng gì, anh Quân chọn cách tìm một đội ngũ riêng giúp mình làm bìa, thiết kế, biên tập để đảm bảo cuốn sách phù hợp với thị trường quốc tế.
Song song, anh mày mò tìm hiểu nền tảng Kindle Direct Publishing (KDP) hỗ trợ tác giả tự xuất bản của Amazon. Nền tảng này ra đời từ năm 2007 và đến nay đã nhiều tác giả trên khắp thế giới sử dụng, nhưng còn tương đối xa lạ với tác giả Việt.
Trên website của KDP có những hướng dẫn chi tiết cho tác giả: cách tạo tài khoản; thông tin về thuế; format cuốn sách theo các định dạng khác nhau như bìa mềm, bìa cứng, sách điện tử... và bản đọc thử sách theo yêu cầu của Amazon; thông tin về nhuận bút, đánh giá của khách hàng... Thậm chí, KDP còn có bộ công cụ hướng dẫn tác giả quảng bá cuốn sách, mở rộng hệ thống phân phối...
Mức nhuận bút của tác giả sẽ tùy thuộc vào hình thức cuốn sách bán được là bìa mềm, bìa cứng hay sách điện tử, dao động từ 35% đến 60% giá niêm yết của cuốn sách. Nhuận bút Amazon chi trả cho người dùng sẽ được tính bằng cách lấy tổng doanh thu bán sách trừ đi chi phí in ấn (với trường hợp sách in) và thuế tùy theo quốc gia, vùng lãnh thổ. Nếu muốn Amazon hỗ trợ phân phối đến các nhà bán lẻ, tác giả cũng có thể trả thêm một khoản phí.
"Biên lợi nhuận mà tác giả nhận được cho mỗi cuốn sách không cao, nhưng bù lại mình chỉ cần làm các bước đưa file sách, file thiết kế bìa lên nền tảng thì Amazon sẽ đảm trách phần còn lại", anh Quân nói.
Theo đó, tự xuất bản trên Amazon cho phép cách thức phân phối sách print-on-demand (in theo lượng đặt mua): chỉ cần có người đặt mua cuốn sách bản in, dù chỉ duy nhất một cuốn, Amazon sẽ cho in theo số lượng file đã được tác giả gửi lên hệ thống và giao hàng tận nơi.
Cách làm này giúp tác giả chủ động được lượng sách in ra phù hợp với nhu cầu người mua, từ đó tiết kiệm chi phí in ấn. Ngoài ra, đến nay Amazon cũng có nhà máy in tại một số nước khác nhau, mạng lưới xưởng in ấn này nếu mở rộng có thể thay đổi sâu sắc ngành xuất bản khi những cuốn sách không cần được vận chuyển một cách "vật lý" qua các biên giới quốc gia nữa.
Kindle Direct Publishing đang ngày một xóa nhòa những rào cản xưa nay trong thủ tục xuất bản sách, trải rộng đường đưa những cuốn sách đến gần độc giả.
Ngày 5/7, tác giả Quân Võ có buổi talkshow "Hành trình xuất khẩu tri thức" nơi anh sẽ chia sẻ về kinh nghiệm làm sách và bán sách ở Việt Nam và thế giới. "Tôi kỳ vọng giúp những bạn có tham vọng giống mình đưa được sách Việt ra thế giới không phải mò mầm như tôi cách đây nửa năm. Đó không phải chuyện dễ dàng, nhưng hoàn toàn không phải chuyện không thể", anh Quân Võ nói.