Kinh phí hỗ trợ kém hấp dẫn

Nguồn kinh phí hỗ trợ thấp, kém sức hấp dẫn là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh không mặn mà với chính sách khuyến công.

Về hạn chế này, đại diện Sở Công Thương Quảng Ngãi chỉ rõ, nguồn kinh phí thực hiện công tác khuyến công chủ yếu từ ngân sách trung ương và địa phương. Trong đó, việc bố trí ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công thấp so với kế hoạch đề ra, định mức hỗ trợ chưa đáp ứng để triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung của hoạt động.

 Ưu tiên các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất

Ưu tiên các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất

Cùng đó, nhận thức và tiềm lực tài chính để đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp CNNT còn hạn chế. Một số doanh nghiệp có khả năng đầu tư công nghệ mới lại không mặn mà với chính sách khuyến công do nguồn kinh phí hỗ trợ quá thấp.

Thiếu vốn đang gây khó cho công tác khuyến công của Quảng Ngãi, số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2014 - 2020, tổng kinh phí thực hiện chương trình của tỉnh là trên 243 tỷ đồng nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách chỉ đạt trên 20,74 tỷ đồng. Còn lại là vốn đầu tư từ các cơ sở thụ hưởng.

Với nguồn kinh phí trên, tỉnh đã thực hiện 6 nội dung khuyến công, trong đó xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất chiếm kinh phí lớn, với hơn 6,22 tỷ đồng; 32 đề án được thực hiện. Tuy vậy, các doanh nghiệp thụ hưởng chủ yếu có quy mô sản xuất và nguồn lực tương đối, với những cơ sở sản xuất nhỏ - đối tượng thực sự cần hỗ trợ từ khuyến công lại không đủ điều kiện thụ hưởng. Hơn nữa, nhóm đối tượng này có rất ít dự án đầu tư mới nên càng khó tiếp cận nguồn vốn.

Trước những hạn chế trên, Sở Công Thương đã xây dựng định hướng khắc phục cho công tác khuyến công giai đoạn tới. Theo đó, trong 5 năm (2021 - 2025) tỉnh huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển CNNT và dịch vụ khuyến công. Dự kiến nguồn ngân sách hỗ trợ cho triển khai các hoạt động 67,28 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với giai đoạn trước. Đây sẽ là nền tảng tốt cho Quảng Ngãi nâng sức hấp dẫn cũng hiệu quả công tác khuyến công.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi tiếp tục ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho phát triển sản xuất CNNT thông qua các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất. Nội dung này được kỳ vọng thay đổi năng lực sản xuất cũng như khả năng cạnh tranh cho sản phẩm CNNT. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá mở rộng đầu ra cho sản phẩm CNNT; đào tạo nâng cao tay nghề và năng lực quản lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu và đào tạo nâng cao nhân lực thực hiện công tác khuyến công…

Dù đã xây dựng giải pháp khắc phục điểm yếu, tuy nhiên để khuyến công đạt hiệu quả như mong muốn, thực sự trở thành động lực phát triển CNNT, đại diện Sở Công Thương Quảng Ngãi đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương ban hành Quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương và quy định mức chi cụ thể cho hoạt động khuyến công làm căn cứ phân bổ kinh phí hàng năm. Bố trí thêm kinh phí cho công tác khuyến công, tạo động lực khuyến khích các cơ sở CNNT đẩy mạnh sản xuất, đầu tư ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đại diện Sở Công Thương Quảng Ngãi cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ nhiều hơn nữa kinh phí khuyến công quốc gia cho tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Nguồn kinh phí đó tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại các địa bàn khó khăn trên địa bàn; sớm giao kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm, tạo điều kiện cho tỉnh sớm triển khai đề án.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 của Quảng Ngãi là 225,9 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách hỗ trợ 67,58 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của các đối tượng thụ hưởng là 188,62 tỷ đồng.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-phi-ho-tro-kem-hap-dan-140003.html