'Kinh phí làm phim truyền hình miền Nam vẫn như 20 năm trước'

Đạo diễn Đỗ Phú Hải cho rằng với việc đầu tư về kinh phí và nhân lực hạn chế, phim truyền hình miền Nam chưa thể bứt phá.

Đạo diễn Đỗ Phú Hải được khán giả biết tới qua nhiều bộ phim như Con gái vị thẩm phán, Xóm nước đen, Ráng chiều, Thương hoài ngàn năm, Những đứa con thành phố, Bến sông trăng, Lục Vân Tiên... Mới đây, anh tái ngộ khán giả màn ảnh nhỏ qua phim Đường về cồn Nảy. Anh chia sẻ với Zing với những trăn trở về phim truyền hình miền Nam.

"Tôi ưu tiên chọn gương mặt mới"

- Nhiều diễn viên của "Đường về cồn Nảy" thấy bực mình với cách quay chậm của đạo diễn. Bộ phim truyền hình 30 tập quay trong 3 tháng là quá lâu?

- Thời gian ngắn hay dài là do cách làm của mỗi người. Đó là cách làm của tôi. Tôi vốn không thể làm nhanh như các bạn trẻ. Điều này thuộc về quan điểm chứ không có đúng sai. Dĩ nhiên nếu mình làm chăm chút, cẩn thận, trau chuốt từ diễn xuất, động tác máy, khung hình thì mọi thứ sẽ tốt hơn.

Hiện nay, công tác chuẩn bị của phim truyền hình yếu, không thể so sánh với phim chiếu rạp. Vì vậy trong quá trình quay, tôi nghĩ cần phải làm cẩn thận, kỹ lưỡng hơn.

Diễn viên than thở, trách móc, thậm chí giận là điều không tránh khỏi. Có những diễn viên nhiều show, họ phải chạy, không thể tập trung suốt 3 tháng với một phim. Nhưng tôi cũng có giải thích, chia sẻ để diễn viên hiểu. Tôi nghĩ khi mình làm việc cẩn thận ai cũng tôn trọng thôi. Và thực tế, họ cũng thông cảm, chưa ai phản đối cả. Cuối cùng, cả ê-kíp làm việc vẫn là tinh thần hợp tác và muốn phim có chất lượng tốt.

 Diễn viên Linh Sơn trong phim của đạo diễn Đỗ Phú Hải.

Diễn viên Linh Sơn trong phim của đạo diễn Đỗ Phú Hải.

- Theo anh, việc diễn viên than thở vì đạo diễn quay kỹ nói lên thực trạng gì?

- Mỗi người có quan điểm làm việc khác nhau. Thời gian một tháng hay ba tháng chưa hẳn nói lên được điều gì. Có thời gian, các đạo diễn thể hiện bằng khả năng quay nhanh, mỗi ngày đã hoàn thành một tập phim. Và họ cho đó là ưu điểm. Về phía nhà sản xuất, họ rất hài lòng về điều đó. Anh em diễn viên cũng thích vì quay xong sớm, còn có thể chạy show khác.

Tôi không phán xét chuyện đó nhưng bản thân có cách làm riêng. Cuối cùng, đánh giá hay dở vẫn thuộc về khán giả. Có thể cũng vì cách làm đó mà tôi ít được chào mời làm phim.

- Anh đã bị xung đột với nhà sản xuất vì quay chậm?

- Tất nhiên giữa đạo diễn và nhà sản xuất luôn có xung đột. Hai bên có hai quan điểm khác nhau. Nhưng thực ra, tôi có quay chậm hơn nhưng cũng không thể làm vượt dự toán. Nếu có vượt cũng không đáng kể. Kinh phí phim truyền hình vốn rất hạn hẹp, muốn cao hơn cũng không có.

 Gạo nếp gạo tẻ là phim hiếm hoi gây tiếng vang ở miền Nam vào năm 2018.

Gạo nếp gạo tẻ là phim hiếm hoi gây tiếng vang ở miền Nam vào năm 2018.

- Lựa chọn diễn viên mới cũng là một cách anh tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất?

- Đó chỉ là phần nhỏ. Tôi ưu tiên chọn những gương mặt mới. Diễn viên đóng nhiều chắc chắn có sự lặp lại. Tôi thích sự thanh xuân của diễn viên thổi vào nhân vật. Những người còn sự đam mê, tiếp xúc với nhân vật bằng sự rạo rực, cháy bỏng đa số là diễn viên mới. Họ cũng không bị áp lực về thời gian, chạy show lại như các diễn viên nổi tiếng.

Ngược lại, đạo diễn phải mất công khi làm việc với diễn viên mới nhiều hơn. Họ không có nhiều kinh nghiệm, việc hóa thân vào nhân vật chưa nhanh như diễn viên nổi tiếng.

Kinh phí làm phim bây giờ bằng 20 năm trước

- Thực tế, phim truyền hình miền Nam đang rơi vào thoái trào, chưa thể khởi sắc. Anh có thể lý giải vì sao phim truyền hình phía Nam chưa thể bắt kịp với phim của VFC?

- Phim VFC sản xuất 10 phim, có khi thắng tới 7 phim. Trong Nam, phim mới liên tục nhưng tỷ lệ thành công không nhiều. Thực tế, ai cũng biết kinh phí sản xuất dành cho phim VFC cao hơn phim miền Nam 20 triệu/tập. Con số 20 triệu không phải là lớn nhưng nếu tính tổng số 30-50 tập thì kinh phí một phim của VFC lớn hơn phim miền Nam cả tỷ đồng. Điều đó cũng góp phần giúp phim VFC được đầu tư tốt hơn.

Ngoài ra, với độ phủ sóng rộng rãi khắp các tỉnh nên thị phần quảng cáo của phim phát sóng trên VFC cũng lớn hơn. Bên cạnh đó, cách làm phim của VFC đã được chuyên nghiệp hóa. Họ đầu tư bài bản. Phim truyền hình ở miền Nam so với họ như con số không. Đa số phim truyền hình miền Nam có khán giả là nhờ thói quen của họ. Các nhà làm phim, nhà đài không có bất cứ chiến lược PR nào.

 Phim truyền hình của VFC có bước tiến vượt bậc trong thời gian qua.

Phim truyền hình của VFC có bước tiến vượt bậc trong thời gian qua.

- Một yếu tố không thể phủ nhận là kịch bản của phim VFC được trau chuốt hơn?

- Tôi nghĩ cái gì cũng có giá của nó. Đầu tư của VFC rất nghiêm túc. Cát-xê họ trả cho biên kịch lớn. Họ cũng chọn kịch bản rất kỹ. Ngay cả người biên tập, xử lý câu chuyện cũng có đầu tư, chuyên nghiệp.

Trước đây, hãng phim truyền hình của HTV và VTV là hai lực lượng sản xuất tương đối cân bằng. Nhưng 10 năm qua, cán cân đã thay đổi bởi trong miền Nam đã không tìm kiếm được lực lượng kế thừa. Lực lượng làm phim giàu kinh nghiệm, lớn tuổi vẫn làm việc nhưng nếu không có lớp kế thừa cũng khó phát triển được.

Trong khi VFC rất tôn trọng việc đầu tư cho lớp trẻ. Họ đầu tư về con người rất tốt. Vào những năm 2000, họ đầu tư cho đội ngũ làm phim trẻ đi học nước ngoài, được tham gia vào các dự án lớn. Lứa được đầu tư từ năm 2000 bây giờ đã có trình độ cao, đạt được thành quả tốt. Họ vừa có trình độ, tầm nhìn và có đi học chuyên nghiệp.

Ở miền Nam, chuyện này cứ nói mãi nhưng chưa có phương án giải quyết.

- Vậy theo anh, phim truyền hình miền Nam cần từng bước thay đổi thế nào mới có thể chuyển mình?

- Tôi nghĩ cần đầu tư cho đúng. Hiện tại, giá thành đầu tư của phim truyền hình trong nam rất thấp, chỉ bằng cách đây 20 năm. Trong khi bây giờ, vật giá leo thang. Với số tiền đầu tư khiêm tốn làm sao sản xuất phim tốt được. Chúng ta cũng không trách được nhà đầu tư. Khi lợi nhuận thu về không cao thì không ai dám bỏ vốn lớn. Với VFC, họ dám đầu tư hơn vì khả năng thu lợi nhuận cao hơn.

- Nói như thế, tương lai của phim truyền hình miền Nam vẫn bế tắc?

- Đúng là rất khó. Nhưng cuộc đời, sẽ có lúc thay đổi chứ. Có thể lứa của chúng tôi không có đủ tầm, nên sẽ chờ đợi ở các bạn trẻ. Chuyện lên xuống trong nghệ thuật là điều bình thường.

Bích Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-phi-lam-phim-truyen-hinh-mien-nam-van-nhu-20-nam-truoc-post1158324.html