Kinh tế 2019: Điều hành và cải cách đứng trước đòi hỏi và thách thức mới

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,82%; tăng trưởng xuất khẩu dự báo khoảng 8,02% với thặng dư thương mại 0,8 tỷ USD; lạm phát bình quân tăng 3,38%...

Bức tranh kinh tế 2019 theo dự báo của CIEM, được đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn” diễn ra sáng nay, 12/7, cho thấy năm nay, nước ta có thể đạt được hầu hết mục tiêu kế hoạch đã đề ra - một góc nhìn đầy tích cực.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo có thể tiếp tục gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ...

Hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo có thể tiếp tục gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ...

Điểm lại kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, CIEM lưu ý rằng tăng trưởng GDP quý II đạt thấp hơn quý I nhưng vẫn là tương đối cao so với các nước trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những đổi thay khá nhanh và khó đoán định.

Theo CIEM, có được kết quả này là do công tác điều hành chính sách, cải cách kinh tế của đất nước cũng xuất hiện không ít điểm sáng. Trong đó, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh; yêu cầu các bộ, ngành chủ động theo dõi, cập nhật và dự báo những diễn biến từ bên ngoài được thực hiện thường xuyên hơn.

So với giai đoạn kinh tế suy giảm những năm 2008-2009, CIEM đánh giá Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến xấu của kinh tế thế giới.

“Có thể xuất phát từ môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện và Việt Nam đã đi vào thực hiện CPTPP và chuẩn bị cho việc thực hiện EVFTA”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, nói. “Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận Việt Nam gia tăng sự hấp dẫn tương đối trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”.

Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện CPTPP và vận động ký kết EVFTA, theo ghi nhận của CIEM, cũng có những chuyển biến mới. Đồng hành với những chuyển biến này, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp có phần rõ nét hơn. Các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên bên cạnh đó, báo cáo cũng cho rằng thực tiễn cải cách và điều hành chính sách trong 6 tháng đầu năm 2019 vẫn bộc lộ một số hạn chế. Trước hết, sự lưu tâm đối với cải cách môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 02 ít nhiều đã giảm sút.

Năng suất và chất lượng lao động được đề cập nhiều, song tính mới và cụ thể trong các đề xuất chính sách và cơ chế thực thi còn hạn chế, trong bối cảnh sự đối đầu giữa các công nghệ mới và tư duy quản lý truyền thống ngày một phức tạp hơn.

Nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế chưa được truyền tải vào hệ thống chính sách, quy định trong nước. Sự hứng khởi với EVFTA và EVIPA chưa đi kèm với tâm thế chuẩn bị cho các cải cách thể chế kinh tế liên quan. Việc chuẩn bị cho CPTPP còn chậm, dù Hiệp định này đã thực thi.

Và có một biểu hiện được chỉ ra đó là một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân có tâm lý bài trừ cực đoan đối với hàng hóa, vốn đầu tư từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh hiệu quả giải trình chính sách còn chậm được cải thiện, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cân nhắc, điều chỉnh chính sách của một số bộ, ngành…

Trong bối cảnh dự báo hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo có thể tiếp tục gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ... thì đây cũng là một thách thức nữa cho điều hành chính sách.

Từ đó, Hội thảo nhấn mạnh lại thông điệp: Chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Linh Ly

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/kinh-te-2019-dieu-hanh-va-cai-cach-dung-truoc-doi-hoi-va-thach-thuc-moi-89928.html