Kinh tế 7 tháng tăng trưởng tích cực

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,48% so với tháng trước; tăng 1,89% so với tháng 12/2023; tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát để thực hiện thành công mục tiêu cả năm 2024 đã được Quốc hội thông qua.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam có nhiều khởi sắc, mang lại tín hiệu tích cực.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam có nhiều khởi sắc, mang lại tín hiệu tích cực.

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng ước đạt 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 10,76 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký. Vốn FDI thực hiện ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua...

Về tình hình xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam đã và đang có nhiều khởi sắc, mang lại tín hiệu tích cực. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD). Các địa phương đã có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường.

Hiện, Bộ Công Thương đang nỗ lực kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE, đồng thời triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu lợi thế từ các FTA đã thực thi. Đồng thời, cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu cho các hiệp hội và doanh nghiệp, giúp họ điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường tiềm năng.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục tăng cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, giải pháp quan trọng là tăng cả tốc độ và chất lượng giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tác động vào việc tăng cầu đầu tư của doanh nghiệp. Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm, quy mô lớn, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng mang tính kết nối sẽ tạo ra các hành lang giao thông và các động lực tăng trưởng kinh tế mới cho nền kinh tế.

Cùng với đó, Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV kiến nghị, tiếp tục phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư công, tiêu dùng); khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...) đồng thời nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/kinh-te-7-thang-tang-truong-tich-cuc-i739293/