Kinh tế 8 tháng 2023: Xuất siêu kỷ lục 20,19 tỷ USD, nhưng giá gạo, xăng dầu tăng gây áp lực lên lạm phát

Bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm 2023 cho thấy những tín hiệu phục hồi: số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cao hơn số rút lui khỏi thị trường, xuất siêu kỷ lục với con số 20,19 tỷ USD... Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng chịu áp lực lớn từ mặt hàng gạo và xăng dầu.

Sáng 29/8, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023.

Bình quân một tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp ra đời

Báo cáo cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm 2023 cho thấy những tín hiệu phục hồi.

Bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm 2023 cho thấy những tín hiệu phục hồi.

Tính chung 8 tháng năm 2023, IIP ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,1%), làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

IIP 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 149,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 149,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong tháng 8/2023, cả nước có hơn 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 6,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tương ứng giảm 10,9% và giảm 3,1%; 5.178 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 24,8% và tăng 37,9%; 5.216 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 0,8% và tăng 17,1%; 1.375 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13% và giảm 29,6%.

Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 149,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 124,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 15,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Xuất siêu kỷ lục 20,19 tỷ USD

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2023 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 20,19 tỷ USD.

Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 20,19 tỷ USD.

Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).

Đáng chú ý, trong tháng 8/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính xuất siêu 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2023 đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 17,2% so với tháng trước và gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69,2% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Giá xăng dầu, gạo... khiến CPI tháng 8 tăng 0,88% so với tháng trước

Cũng theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 8 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước.

Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%. So với tháng trước, CPI tháng 8/2023 tăng 0,88% (khu vực thành thị tăng 0,87%; khu vực nông thôn tăng 0,89%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,17%.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm lương thực tháng 8/2023 tăng 3,28% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41% (gạo tẻ thường tăng 4,94%; gạo tẻ ngon tăng 3,09% và gạo nếp tăng 1,24%). Giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp.

Trong tháng 8, giá gạo tẻ thường dao động từ 14.000-16.700 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 19.000-22.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.500-20.900 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.500-34.800 đồng/kg.

Giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến và ngũ cốc khác như giá khoai tăng 4,37%; ngô tăng 1,81%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 1,17%; bột mỳ tăng 0,66%; miến tăng 0,65%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,31%; bột ngô tăng 0,16%.

Giá thực phẩm tháng 8/2023 tăng 0,48% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng trong mùa du lịch vẫn ở mức cao, tập trung chủ yếu ở gía thịt lợn tăng 0,96% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm. Ngày 25/8/2023, giá thịt lợn hơi cả nước dao động khoảng 57.000-60.000 đồng/kg. Theo đó, giá mỡ động vật tăng 2,11% so với tháng trước; thịt quay, giò, chả tăng 0,5%; thịt hộp tăng 0,18%; thịt chế biến khác tăng 0,17%.

Cùng với đó, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8/2023 tăng 3,85% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/8, 11/8 và 21/8 làm cho giá xăng tăng 9,85% so với tháng trước, giá dầu diezen tăng 15,9%.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/kinh-te-8-thang-2023-xuat-sieu-ky-luc-20-19-ty-usd-nhung-gia-gao-xang-dau-tang-gay-ap-luc-len-lam-phat-1094984.html