Kinh tế Ấn Độ đang sụt giảm mạnh

Từng là nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Ấn Độ giờ đây đối mặt với nhiều khó khăn từ trong nước và bên ngoài cùng ập đến cùng một lúc.

 Chủ cửa hàng quần áo lót Tantex ở TP. Tirupur, bang Tamil Nadu, Ấn Độ cho biết doanh số của cửa hàng đang giảm đến 50%. Ảnh: NY Times

Chủ cửa hàng quần áo lót Tantex ở TP. Tirupur, bang Tamil Nadu, Ấn Độ cho biết doanh số của cửa hàng đang giảm đến 50%. Ảnh: NY Times

Làn sóng cắt giảm chi tiêu trên diện rộng

Ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tin rằng khi trải qua các thời kỳ kinh tế khó khăn, điều trước tiên mà nam giới làm là sẽ ngưng mua đồ lót mới để thay thế cho đồ lót cũ sờn, trước khi cắt giảm các khoản mua sắm khác.

Nếu căn cứ vào chỉ số doanh số đồ lót nam giới, kinh tế Ấn Độ thực sự đang suy sụp nghiêm trọng. “Doanh số giảm đến 50%”, Jeffrin Moses, chủ cửa hàng quần áo lót Tantex ở TP. Tirupur, bang Tamil Nadu nói về tình hình kinh doanh hiên tại. Được biết, Tirupur là nơi sản xuất phần lớn đồ lót được bán trên thị trường Ấn Độ.

Không chỉ đồ lót, doanh số ô tô tại Ấn Độ cũng giảm sâu 32% trong tháng 8-2019, mức giảm mạnh nhất trong vòng hai thập kỷ. Các hãng xe ở Ấn Độ đang cảnh báo một triệu công nhân tại các nhà máy lắp ráp ô tô sẽ bị sa thải khi khách hàng đang thắt chặt chi tiêu và xoay sở vay tiền từ các ngân hàng đang siết chặt cho vay.

Macrotech Developers, tập đoàn phát triển bất động lớn nhất Ấn Độ, vừa sa thải 400 nhân viên do nhu cầu ở nhà ở mới giảm mạnh giữa lúc công ty đang gánh núi nợ lớn. Đây là doanh nghiệp từng hợp tác với tập đoàn bất động sản Trump Organization của Tổng thống Mỹ Donald Trump, để xây dựng cao ốc Trump Tower Mumbai cao 78 tầng ở TP. Mumbai.

Thậm chí, các gia đình đang cắt giảm mua bánh quy Parle, món ăn sáng chính ở Ấn Độ cùng với sữa và trà để chuyển sang các loại đồ ăn nhanh rẻ tiền hơn.

Công ty thực phẩm Parle Products, đơn vị đang nắm giữ 35% thị phần bánh quý ở Ấn Độ, tiết lộ doanh số bánh quy của công ty đang giảm 8%. Điều này khiến lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo, nói nếu xu hướng giảm này còn tiếp tục, công ty có thể sa thải đến 10.000 nhân viên.

Đối diện với cuộc khủng hoảng tiền tệ

Khi các nhà đầu tư trên toàn cầu đổ xô mua các tài sản an toàn như đô la Mỹ, đồng rupee của Ấn Độ và tiền tề của các thị trường mới nối khác giảm giá mạnh. Điều này khiến cho giá cả của các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như năng lượng, đồ điện tử, thiết bị nhà máy trở nên đắt đỏ hơn.

Tuần trước, vụ tấn công vào một nhà máy chế biến dầu và một mỏ dầu ở Saudi Arabia đã đẩy giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng vọt, gây áp lực cho những nước nhập khẩu dầu như Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Diễn biến giá dầu tăng cho thấy Ấn Độ và các nước phát triển khác rất dễ tổn thương trước các yếu tố bên ngoài, nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

 Tăng trưởng GDP của Ấn Độ giảm dần đều trong bốn quí vừa qua, rơi về mức 5% trong quí 2-2019 (tức quí 1-2020 theo năm tài chính của Ấn Độ). Ảnh: Money Control

Tăng trưởng GDP của Ấn Độ giảm dần đều trong bốn quí vừa qua, rơi về mức 5% trong quí 2-2019 (tức quí 1-2020 theo năm tài chính của Ấn Độ). Ảnh: Money Control

Cũng giống như Trung Quốc và Indonesia, Ấn Độ đang chất vật giải quyết các hậu quả phát sinh từ nhiều năm khuyến khích cho vay quá mức. Trong trường hợp của Ấn Độ, các khoản nợ xấu ở các ngân hàng cộng với những vụ vỡ nợ gần đây của một số công ty tài chính, đã làm suy kiệt tín dụng dành người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Theo nhận định của các nhà kinh tế và giới lãnh đạo doanh nghiệp, các quyết sách thiếu sáng suốt của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) và các chính quyền bang càng làm trầm trọng thêm tình trạng suy yếu của nền kinh tế đất nước.

Chẳng hạn, các nhà sản xuất ô tô ở Ấn Độ, đang đối mặt với ba khó khăn ập đến cùng một lúc. Thứ nhất, giá ô tô tăng cao vì phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và khí thải mới. Thứ hai, 9 bang nâng thuế giá trị gia tăng với ô tô. Cuối cùng là các ngân hàng và các công ty tài chính bị tê liệt vì cạn kiệt tín dụng nên không thể thoải mái cho các đại lý bán ô tô và khách hàng mua xe vay tiền như trước đây.

Thủ tướng Narendra Modi bị chỉ trích vì phớt lờ các bằng chứng sớm cho thấy tăng trưởng của Ấn Độ suy yếu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Sau khi ông tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng ông sẽ thông qua gói kích thích kinh tế ngắn hạn và giải quyết các vấn đề tồn đọng như cải cách đất đai và cuộc sống nghèo khổ của nông dân.

Song thay vì vậy, ông gây thêm khó khăn cho nền kinh tế với quyết định tăng thuế bất ngờ với các nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ bán tháo cổ phiếu và trái phiếu Ấn Độ, đẩy đồng rupee giảm giá thêm.

Gần đây, chính phủ của ông Modi đã nhận thấy sự cấp thiết phải hành động. Ngoài thông báo gói giảm thuế doanh nghiệp có trị giá lên đến 20 tỉ đô la hôm 20-9, Bộ Tài chính Ấn Độ gần đây cam kêt sẽ can thiệp để hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô. Đồng thời thúc đẩy chi tiêu phát triển hạ tầng và chỉ đạo các ngân hàng nhà nước phải đẩy mạnh hoạt động cho vay. Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ cũng đã rút lại thuế mới đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Điềm báo xấu cho các nước đang phát triển

Triển vọng kinh tế của Ấn Độ càng u ám hơn vì đà tăng trưởng đang chững lại trên toàn cầu. Cụ thể, giá dầu tăng mạnh gần đây do vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia và tác động của các cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump đang phát động với các đối tác thương mại trên toàn cầu bao gồm với Ấn Độ.

Năm ngoái, Ấn Độ, với dân số 1,3 tỉ người, vẫn còn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Quốc gia này thường xuyên đạt mức tăng trưởng GDP 8% mỗi năm hoặc cao hơn. Giờ đây, tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ rơi xuống mức 5% trong quí 2-2019, thấp nhất trong 6 năm qua.

Các thông báo sa thải lao động của các công ty trong nước ngày xuất hiện càng nhiều. Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Đọ cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ ở mức 8,4% trong tháng 8, cao nhất trong 3 năm qua, nhưng vẫn đang tiếp tục tăng.

Tăng trưởng của Ấn Độ đột ngột suy yếu một phần là do các vấn đề trong nước bao gồm khu vực nông nghiệp bị bỏ rơi. Đó điềm báo xấu cho các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin khi họ đang chật vật ứng phó các tác động từ các cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động và tình trạng tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu.

“Tăng trưởng yếu ở Ấn Độ có thể là chỉ báo dẫn đầu. Đó là một dấu hiệu cho thấy của xu hướng kinh tế toàn cầu hiện tại”, Per Hammarlund, Giám đốc chiến lược phụ trách các thị trường mới nổi ở ngân hàng SEB (Thụy Điển), nhận định.

Theo New York Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294381/kinh-te-an-do-dang-sut-giam-manh.html