Kinh tế Anh bên bờ vực suy thoái
Nền kinh tế của Vương quốc Anh dường như đang gần đến bên bờ vực suy thoái, khi các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ một Brexit không thỏa thuận trong vài tuần tới, gây ra những gián đoạn thương mại lớn.
Theo kết quả một cuộc thăm dò công bố ngày 3/10, lĩnh vực dịch vụ chủ chốt của nền kinh tế "xứ sở sương mù" trong tháng 9 đã sụt giảm mạnh hơn mọi dự báo.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của lĩnh vực dịch vụ trong tháng 9, do IHS Markit/CIPS công bố, đã giảm mạnh hơn dự báo của bất cứ chuyên gia kinh tế nào, xuống 49.5 - mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây. Tính cả sự suy yếu trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng, mức độ sụt giảm PMI trong mọi lĩnh vực đã từ 49.7 xuống còn 48.8, mức thấp nhất kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân mang tính quyết định về Brexit tháng 6/2016.
Theo IHS Markit, các số liệu trên cho thấy nền kinh tế Anh đã suy giảm 0,1% trong quý III. Chuyên gia kinh tế của IHS Market, ông Chris Williamson cảnh báo: "Đây là dấu hiệu cho thấy Anh đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng lớn". Trước đó, nền kinh tế Anh cũng đã suy giảm 0,2% trong quý II, lần đầu tiên kể từ năm 2012.
Các công ty tham gia cuộc thăm dò trên (không bao gồm các nhà bán lẻ) cho biết khách hàng nước ngoài đang chuyển doanh nghiệp ra khỏi Anh do lo ngại một Brexit không thỏa thuận. Các đơn hàng xuất khẩu mới cũng đã sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 3, hạn chót Brexit đầu tiên khi chưa được kéo dài.
Thăm dò cũng cho thấy những dấu hiệu về lòng tin của người tiêu dùng sụt giảm khi việc làm ngày càng không được đảm bảo. Trong tháng 9, các công ty trong lĩnh vực dịch vụ sa thải nhân viên với tốc độ lớn nhất trong vòng 9 năm qua.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết sẽ đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đúng hạn chót ngày 31/10 tới bất chấp việc Quốc hội thông qua một luật yêu cầu ông đảm bảo một thỏa thuận chuyển tiếp mới để giảm tác động lên nền kinh tế.
Ngày 2/10, ông Johnson đã gửi EU các đề xuất mới về Brexit, và cảnh báo nếu khối không chấp nhận, Anh sẽ ra đi không thỏa thuận vào cuối tháng này. Ra đi không thỏa thuận có thể gây ra những gián đoạn lớn trong thương mại, ít nhất là trong ngắn hạn, do việc áp đặt các mức thuế mới và sự xuất hiện của những điểm kiểm soát hải quan tại các bến cảng.