Kinh tế Anh đang trả giá vì nền chính trị hỗn loạn

Đằng sau sự ồn ào trong những ngày qua nơi chính trường Vương quốc Anh, nền kinh tế quốc gia này đã phải trải qua một trong những tuần tồi tệ nhất năm.

Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Tuần này, sương mù như nặng thêm tại nước Anh khi tân Thủ tướng Boris Johnson phải chịu một loạt thất bại, khi mất đa số Nghị viện và không thành công thúc đẩy bầu cử sớm. Trong khi công chúng Anh bị cuốn theo các diễn biến chính trị kịch tính, các báo cáo mới đã nhấn mạnh chi phí kinh tế của sự thiếu chắc chắn xung quanh việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)

Một báo cáo, dự kiến công bố vào thứ 2 tới, đưa ra một dấu hiệu sớm về khả năng suy thoái sắp xảy ra với nước Anh. Sau khi tăng trưởng chỉ đạt 0,2% trong quý II, nền kinh tế vốn đầy tự hào của châu Âu có thể chỉ tăng 0,1% trong tháng 7. Các nhà kinh tế từng dự đoán một sự phục hồi trong quý III thì nay đã bắt đầu hạ thấp triển vọng của họ.

Kit Juckes, chiến lược gia ngoại hối toàn cầu tại Hiệp hội Genere Generale cho biết, nền kinh tế Anh đang "ngày càng tệ" và "không hề có động lực".

Bảng Anh biến động

Các diễn biến của đồng Bảng Anh tuần qua đã chứng minh rằng các thương nhân phụ thuộc vào tin tức chính trị chứ không phải kinh tế. Hôm 3/9, lần đầu tiên, Bảng Anh đã giảm xuống dưới 1,2/USD kể từ năm 2017. Sau đó, việc thông qua dự luật đối lập làm giảm nguy cơ Brexit không có thỏa thuận sau đó đã mang lại cho đồng tiền này một tuần tốt nhất kể từ tháng 6 đến nay.

Ngay cả trước những bất ổn chính trị mới nhất, niềm tin của các hộ gia đình dường như cũng đã sụp đổ. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Anh hôm 6/9 cho thấy, dự báo lạm phát trong năm tới ở mức 3,3%, với hơn một nửa người Anh nói rằng Brexit sẽ đẩy giá cả lên cao. Lạm phát hiện đang ở mức hơn 2%.

Các DN cũng đang cho thấy một chấn động, khi một báo cáo hồi đầu tuần cho thấy sản xuất và xây dựng bị thu hẹp vào tháng trước, trong khi các dịch vụ đã bị đình trệ. Nếu người tiêu dùng bắt đầu thắt chặt hầu bao, các vấn đề của nền kinh tế sẽ ngày càng sâu sắc. Số liệu của ngành bán lẻ trong tuần này cho thấy doanh số giảm trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, và là lần giảm thứ 3 trong 4 tháng qua.

Chi tiêu và tăng trưởng

Theo nhà kinh tế học Schadder Azad Zangana, các hộ gia đình Anh đã không cắt giảm chi tiêu như dự đoán sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 của EU. Họ thậm chí còn tiết kiệm ít đi.

"Giờ đây chúng ta đang ở trong một tình huống mà tỷ lệ tiết kiệm ở gần mức thấp kỷ lục", ông Zangana nói, "nếu Brexit không có thỏa thuận và đồng Bảng giảm mạnh khiến lạm phát tăng, chúng ta chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái".

Trong bối cảnh u ám, nền kinh tế Anh có 2 tiềm năng khả quan trong tuần này. Đầu tiên, Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid hôm thứ 4 hứa sẽ chấm dứt thập kỷ "thắt lưng buộc bụng" bằng một sự thúc đẩy lớn nhất với chi tiêu của chính phủ trong 15 năm.

Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Mark Carney cũng tiết lộ sự chuẩn bị của Anh cho một Brexit không thỏa thuận, giúp hạn chế tổn thương kinh tế dù ảnh hưởng là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ông Carney nhấn mạnh vấn đề hiện tại là về tăng trưởng.

"Nếu nhìn qua những xu hướng cơ bản, đánh giá của chúng tôi là nền kinh tế đang tăng trưởng rất yếu...Tích cực gần bằng không", Thống đốc Ngân hàng Anh thừa nhận.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kinh-te-anh-dang-tra-gia-vi-nen-chinh-tri-hon-loan-351982.html